Thiên tai và nhân họa
(ĐCSVN) - Cách phòng, chống thiên tai tốt nhất chính là nhận thức và ý thức của con người. Không thể phát triển bằng mọi giá, đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển, vì đó là phát triển không bền vững.
Thiên tai luôn luôn đe dọa cuộc sống bình yên của con người. Từ xưa đến nay, dù bằng cách nào người ta cũng không thể chế ngự được thiên tai, nhưng có một nghịch lý là chính con người lại gây ra những tai họa do sự thiếu trách nhiệm, do cẩu thả… khiến cho thiên tai nghiêm trọng hơn. Trận mưa lũ lịch sử vừa xảy ra với các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ làm hơn 100 người thiệt mạng và mất tích, hàng vạn ngôi nhà bị tàn phá, đường sá, cầu cống, cây cối, hoa màu bị cuốn trôi…ta có thể thấy trong thiên tai có nguyên nhân từ con người, nói cách khác là nhân họa.
Trận mưa lũ vừa qua như các chuyên gia nói là do thời tiết cực đoan gây mưa lớn, mưa kéo dài. Mưa nhiều thì gây lũ lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá. Lúc đó con người bé nhỏ và bất lực trước thiên tai. Có mấy ai nghĩ đến tai họa khủng khiếp như thế do có sự tiếp tay của con người.
Dễ thấy nhất là nạn phá rừng. Thời gian qua, vô số vụ phá rừng được điều tra, truy tố, xét xử. Đối tượng phá rừng không chỉ là lâm tặc mà có nhiều vụ có sự tiếp tay của kiểm lâm và một số đối tượng khác. Với những tổ chức phá rừng chuyên nghiệp như thế, chỉ thời gian ngắn họ có thể xóa sổ cả một cánh rừng. Rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn, đâu có rừng là ở đó có tội phạm hủy hoại rừng, nên rừng phòng hộ ở vùng hồ Hoà Bình, hồ Trị An, Thác Mơ, Đa Nhim... và Yaly đều đang ở mức báo động và suy giảm nghiêm trọng. Khi mất rừng, đồi núi trơ trụi thì hạn hán về mùa khô, lũ lụt về mùa mưa là tất yếu, ai cũng có thể thấy trước.
Ngoài chuyện phá rừng, hủy hoại môi trường thiên nhiên còn đến từ các công trình thủy điện, các dự án sử dụng mặt bằng lớn. Chính vì thế, trước khi phê duyệt dự án, pháp luật buộc phải có đánh giá tác động môi trường. Sự đánh giá ấy nếu minh bạch, khách quan, khoa học, có tham vấn cộng đồng thì sẽ hạn chế được tác hại trước thiên tai. Ngược lại, nếu qua loa, sơ sài, chỉ coi đánh giá tác động môi trường như thủ tục hành chính thì hậu quả khôn lường.
Dự án thủy điện Sông Tranh 2 cách đây mấy năm là một điển hình về gian dối, cẩu thả đến mức phần đánh giá về động đất kích thích chỉ vỏn vẹn 1/2 trang trong số 200 trang và đây là đoạn cóp nhặt từ một công trình nghiên cứu, chứ không phải kết quả chuyên gia đánh giá cho dự án này.
Vì để lọt những báo cáo tác động môi trường như thế nên khi có thiên tai, bão lũ thì hậu quả được nhân đôi.
Cách phòng, chống thiên tai tốt nhất chính là nhận thức và ý thức của con người. Không thể phát triển bằng mọi giá, đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển, vì đó là phát triển không bền vững. Nhận thức này phải được quán triệt từ khâu hoạch định chính sách, pháp luật đến các biện pháp bảo đảm thực thi trong thực tế. Phải tạo ra một ý thức xã hội là bảo vệ môi sinh, gìn giữ môi trường sống, gìn giữ và phục hồi màu xanh của rừng, sự trong lành của các dòng sông, của bầu khí quyển… Có như thế thiên nhiên mới giảm bớt những cơn giận dữ, mang lại sự bình yên cho con người./.