Thiên tai gây thiệt hại 72 tỷ USD cho kinh tế thế giới
(ĐCSVN) – Trong nửa đầu năm 2022, tổng thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra trên phạm vi toàn thế giới ước tính lên tới 72 tỷ USD, chủ yếu do các hiện tượng bão và lũ lụt. Đây là con số do tập đoàn tái bảo hiểm của Thụy Sĩ Swiss Re đưa ra ngày 2/8.
Con số đưa ra thấp hơn mức thiệt hại tính toán được là 91 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021, song lại gần với mức thiệt hại trung bình do các thảm họa thời tiết gây ra trong giai đoạn 10 năm là 74 tỷ USD.
Nước lũ tràn qua một khu nhà gần Durban, Nam Phi, tháng 4/2022. (Ảnh: AP/AFP) |
Người đứng đầu bộ phận đánh giá các nguy cơ thảm họa của Swiss Re, ông Martin Bertogg cảnh báo, biến đổi khí hậu đã gây ra những tác động rõ rệt với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng như lũ lụt nghiêm trọng chưa từng thấy tại Australia và Nam Phi.
Theo đánh giá của Tập đoàn tái bảo hiểm có trụ sở tại Zurich, thiệt hại do thiên tai gia tăng còn do các cơn bão mùa đông ở châu Âu cũng như các trận mưa giông lớn ở châu Âu và Mỹ gây ra. Trái với hiện tượng động đất, các thảm họa tự nhiên như lũ lụt và bão lại đang có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn.
“Điều này đã xác nhận xu hướng được quan sát trong 5 năm qua, đó là những nguy cơ thiên tai gây hậu quả vừa và nghiêm trọng làm gia tăng khoản thiệt hại được bảo hiểm bồi thường ở khắp nơi trên thế giới… Không giống như bão hoặc động đất, những nguy cơ này xảy ra ở khắp nơi và ngày càng trầm trọng hơn do quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở những khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương” – ông Bertogg nói.
Các số liệu thống kê của Swiss Re cho thấy, lũ lụt ở Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh đã củng cố những nhận định rằng, hiện tượng thời tiết này đang gây ra những nguy cơ thiệt hại ngày càng nặng nề ở các khu vực đô thị.
Tổng số thiệt hại được bảo hiểm hiện ở mức 38 tỷ USD, với 3 tỷ USD dành cho các thảm họa do con người gây ra và 35 tỷ USD còn lại trang trải cho các thiệt hại do thảm họa thiên nhiên. Swiss Re cho biết, số tiền bảo hiểm cho các tổn thất gây ra bởi thảm họa thiên nhiên đã tăng 22% so với mức trung bình 10 năm, và đây được nhìn nhận là một lời cảnh báo về tác động của biến đổi khí hậu.
Số liệu thống kê của Tập đoàn tái bảo hiểm Thụy Sĩ cho thấy, chi phí bảo hiểm cho các tổn thất mà các trận bão gây ra ở châu Âu vào tháng 2/2022 là 3,5 tỷ USD. Các trận lũ lụt xảy ra ở Australia hồi tháng 2 và tháng 3 năm nay đã thiết lập một mức bảo hiểm kỷ lục tới 3,5 tỷ USD. Trong khi đó, thời thiết cực đoan và mưa đá xảy ra ở Pháp trong sáu tháng đầu năm 2022 đã gây ra tổn thất tài chính khoảng 4 tỷ euro (4,1 tỷ USD) cho thị trường được bảo hiểm.
Hai đợt nắng nóng gay gắt vào mùa hè dẫn đến nhiệt độ cao kỷ lục trên khắp châu Âu trong thời gian qua đã làm bùng phát các vụ cháy rừng có sức tàn phá hủy diệt trên khắp Tây Nam châu Âu. Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 6/2022 cao hơn khoảng 0,3 độ C so với nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 1991 - 2020, khiến đây trở thành tháng 6 nóng bức đứng thứ 3 trong kỷ lục được ghi nhận. Hiện tượng ấm dần lên của trái đất được dự đoán sẽ làm trầm trọng thêm hạn hán, làm tăng khả năng xảy ra cháy rừng, đồng thời gây ra thiệt hại lớn hơn trong bối cảnh hiện tượng đô thị hóa nhanh chóng đang dần thu hẹp các diện tích đất hoang của vùng đô thị.
Nhà kinh tế trưởng Jerome Jean Haegeli của Swiss Re nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là một trong những rủi ro lớn nhất mà xã hội của chúng ta và nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt.
"Với 75% các thảm họa thiên nhiên vẫn chưa được bảo hiểm, chúng tôi thấy những khoảng trống bảo vệ trên toàn cầu đang ngày càng bị nới rộng do cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt đang diễn ra… Cùng với khu vực công, ngành bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng chống chịu của xã hội đối với các rủi ro khí hậu, bằng cách đầu tư vào và bảo lãnh cơ sở hạ tầng bền vững” – ông Haegeli nói./.