Thích ứng với biến đổi khí hậu hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh Việt Nam đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều hành động thiết thực đã được triển khai. Trong số này, việc đưa ra những tiêu chuẩn, nguyên tắc về thích ứng với biến đổi khí hậu được coi là một trong những hành động thiết thực nhằm đạt được cam kết này.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Hải An) |
Theo đó, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ban hành Tiêu chuẩn ISO: Thích ứng với biến đổi khí hậu - Nguyên tắc, yêu cầu và hướng dẫn (TCVN ISO 14090:2020). Tiêu chuẩn này quy định các nguyên tắc, yêu cầu và hướng dẫn về thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, tiêu chuẩn bao gồm sự tích hợp thích ứng trong nội bộ hoặc giữa các tổ chức với yêu cầu nắm vững được các tác động, độ không đảm bảo và cách thức có thể sử dụng chúng để đưa ra thông báo các quyết định.
Tiêu chuẩn này có thể áp dụng cho mọi tổ chức, quy mô, loại hình. Ví dụ: Địa phương, khu vực, quốc tế, đơn vị kinh doanh, tập đoàn, ngành công nghiệp, đơn vị quản lý tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, có thể hỗ trợ cho việc xây dựng các tiêu chuẩn thích ứng với biến đổi khí hậu theo từng ngành, khía cạnh hoặc yếu tố cụ thể.
Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Sharm El-Sheikh, Ai Cập, ngày 11/11/2022, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cũng công bố hướng dẫn toàn cầu mới gồm các nguyên tắc hướng dẫn để đạt được net-zero.
Nội dung đề cập trong hướng dẫn giải thích cụ thể những vấn đề cốt lõi của quá trình giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, giảm phát thải tại nguồn là cách hiệu quả nhất để đạt được net-zero. Điều này có thể được thực hiện bằng cách cải thiện hiệu quả năng lượng, chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo và đổi mới quy trình để giảm chất thải. Đối với lượng khí thải không thể loại bỏ, bù đắp carbon là một giải pháp khả thi. Chúng liên quan đến việc đầu tư vào các dự án loại bỏ hoặc giảm khí nhà kính trong khí quyển.
Về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, việc giám sát, báo cáo thường xuyên về phát thải khí nhà kính là rất quan trọng đối với tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Điều này giúp các doanh nghiệp xác định các khu vực cần cải thiện và theo dõi tiến độ hướng tới các mục tiêu net-zero.
Hướng dẫn chỉ rõ, sự tham gia của các bên liên quan - nhân viên, khách hàng, nhà đầu tư và cộng đồng rộng lớn hơn - là chìa khóa để thực hiện thành công chiến lược net-zero. Hướng dẫn giúp các bên đưa ra tuyên bố đáng tin cậy, phát triển các báo cáo nhất quán về lượng khí thải, giảm thiểu và loại bỏ.
Ngay sau khi Hướng dẫn này được ban hành, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã triển khai các hình thức phổ biến tới các đối tượng; đặc biệt là tới các tổ chức, doanh nghiệp nhằm giúp những đối tượng này xác định và quản lý rủi ro, cũng như nắm bắt mọi cơ hội mà biến đổi khí hậu có thể mang lại.
Việc hướng tới mục tiêu net-zero là vô cùng quan trọng, mang đến cơ hội lớn bảo vệ hành tinh, sức khỏe con người; thúc đẩy sự thịnh vượng về kinh tế và đảm bảo một tương lai bền vững cho các thế hệ sau này. Tiêu chuẩn ISO: Thích ứng với biến đổi khí hậu - Nguyên tắc, yêu cầu và hướng dẫn (TCVN ISO 14090:2020) chính là một trong những hành động thiết thực của Việt Nam hướng tới hoàn thành cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bên cạnh tiêu chuẩn TCVN ISO 14090:2020, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đang nghiên cứu một số tiêu chuẩn khác như: ISO 14091; thích ứng với biến đổi khí hậu - tính dễ bị tổn thương, đánh giá tác động và rủi ro; ISO 14092 về quản lý khi nhà kính và các hoạt động liên quan…
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, Việt Nam đứng thứ 6 trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thời tiết cực đoan. Trong vòng 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã chịu hàng trăm thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại lớn về tính mạng con người và vật chất.
Việc chủ động đưa ra cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng khí nhà kính với thế giới của Việt Nam không chỉ giúp giảm nguy cơ gây ra biến đổi khí hậu thảm khốc, hạn chế các hiện tượng thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng, mất đa dạng sinh học và gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm và nước. Cam kết này còn giúp bảo vệ sức khỏe con người; thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế; tăng cường an ninh năng lượng; bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học.