Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thi tốt nghiệp THPT cần đảm bảo an toàn

Thứ Ba, 04/08/2020 11:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Thời điểm dự kiến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay đang đến gần trong khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp. Hiện dư luận có nhiều ý kiến khác nhau về phương án tổ chức kỳ thi, trong đó vấn đề bảo đảm an toàn cho kỳ thi được đặc biệt quan tâm.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 đã được điều chỉnh lùi lại khoảng 1,5 tháng so với năm 2019. Tuy nhiên những ngày gần đây, dịch bệnh COVID-19 đang có dấu hiệu lây lan ra nhiều địa phương trong cả nước thì vấn đề có nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT trong dịch bệnh lại được đặt ra.

Liên quan đến vấn đề dư luận đang quan tâm, cô Vũ Thị Thanh Nhàn, giáo viên trường THPT Phú Xuyên A (Hà Nội) cho biết, qua nắm bắt tâm lý học sinh, phần lớn các em đều muốn dự thi tốt nghiệp THPT vì đây là kỳ thi quan trọng, các em đã dành nhiều thời gian để ôn luyện. “Nếu thời điểm này kỳ thi bị hủy, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý học sinh. Nhiều em sẽ lo lắng về việc công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học...”, cô Vũ Thị Thanh Nhàn nói.

Cô Vũ Thị Thanh Nhàn, giáo viên trường THPT Phú Xuyên A (Hà Nội). Ảnh: NQ 

Là một phụ huynh có con đang chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, anh Lương Văn Tùng ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vì nếu chỉ căn cứ vào điểm trong học bạ để xét thì sẽ không bảo đảm công bằng cho thí sinh. Mặt khác, nếu năm nay không có kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh cũng sẽ vất vả hơn nhiều so với mọi năm. Vì sau khi xét tốt nghiệp THPT, các trường đại học sẽ tổ chức tuyển sinh, như thế thí sinh không có nhiều thời gian để chuẩn bị trước, nên sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Em Nguyễn Văn Thanh, học sinh trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) chia sẻ, em và nhiều bạn khác không hề muốn bỏ kì thi tốt nghiệp THPT. Vì chỉ có thi mới có sự công bằng, mới đánh giá đúng năng lực, trình độ của thí sinh. Hơn nữa, dù có thực hiện xét tốt nghiệp THPT thì các trường đại học sau đó vẫn phải tổ chức thi tuyển riêng. Năm học vừa qua đã bị gián đoạn bởi dịch bệnh, nên chúng em muốn giữ ổn định kỳ thi để thuận lợi, yên tâm học tập, ôn luyện”.

Đồng tình với quan điểm nói trên, cô Phạm Hà Thanh, giáo viên dạy môn Văn tại trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) nhìn nhận, đến thời điểm hiện nay, cơ bản tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tương đối tốt, nhất là ở những tỉnh, thành chưa có ca nhiễm COVID-19. Với các địa phương này, nếu Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) quyết định dừng tổ chức thi, sẽ thiếu công bằng với thí sinh trong khi các em đã có thời gian tập trung ôn tập khá dài. Mặt khác, vấn đề đặt ra là nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT trong cả nước thì việc tuyển sinh đại học sau đó sẽ được tiến hành như thế nào bởi nhiều năm qua kết quả thi tốt nghiệp THPT chính là cơ sở để các trường đại học thực hiện tuyển sinh. Vì vậy, nên chăng chúng ta vẫn tổ chức thi ở những địa phương đang khống chế tốt dịch bệnh và có phương án cụ thể đối với các tỉnh, thành còn lại.

Ở góc nhìn khác, cô Phùng Thị Thanh Thảo, Phó Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh Hà Nội cho rằng, những năm gần đây, cơ bản các trường đại học, cao đẳng đều có phương án tuyển sinh cụ thể. Nhiều trường tiến hành xét học bạ của thí sinh, các trường tốp trên có thể tổ chức tuyển chọn đầu vào do vậy kết quả thi tốt nghiệp THPT gần như chỉ mang tính chất điều kiện. Trong khi đó, tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm của các địa phương thường đạt gần 100%. Vì thế, trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện nay, chúng ta cần có phương án hợp lý. “Có thể phân loại thí sinh, em nào chỉ cần tốt nghiệp thì tiến hành xét tốt nghiệp. Em nào cần kết quả thi để xét tuyển vào đại học thì tổ chức thi. Thực tế hiện nay số trường đại học tuyển sinh bằng cách xét kết quả thi tốt nghiệp THPT không nhiều, nên sẽ giảm đáng kể số lượng thí sinh tham gia thi. Làm như vậy sẽ vừa an toàn vừa đỡ tốn kém”, cô Phùng Thị Thanh Thảo nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, ngoài xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nhà trường còn có nhiều phương thức khác, trong đó có việc xét tuyển kết hợp bằng bài thi đánh giá tư duy, dự kiến tổ chức vào 15/8 tới. Trong trường hợp các thí sinh không tham dự được kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc thi riêng của nhà trường, vẫn còn phương án xét tuyển bằng điểm học bạ.

Như vậy có thể thấy, xung quanh việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020, hiện vẫn còn khá nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, có một thực tế là đến thời điểm này, tuy ngành y tế và các địa phương đã rất chủ động song tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nhiều tỉnh, thành vẫn đang có những diến biến phức tạp, khó lường. Do vậy, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 cần căn cứ vào diễn biến thực tế của dịch bệnh. Trong đó, đặc biệt coi trọng công tác đảm bảo an toàn cho các thí sinh, các cán bộ  coi thi và những người liên quan; bảo đảm an toàn trong toàn bộ quá trình thi và chấm thi./.

Như Quỳnh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN