Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thí sinh không thể hoàn thành thi tốt nghiệp THPT đợt 1 sẽ dự thi đợt 2

Thứ Ba, 20/07/2021 17:09 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Theo quy định của Bộ GD&ĐT, tùy theo điều kiện thực tế, để tạo thuận lợi cho việc dự thi của thí sinh và công tác tổ chức thi, các sở GD&ĐT thành lập hội đồng thi để tổ chức thi tại địa phương; hoặc có thể trao đổi, thống nhất để chuyển thí sinh đến dự thi ở Hội đồng thi của địa phương khác.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký văn bản số 3026 gửi cơ sở GD&ĐT hướng dẫn tổ chức đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Theo hướng dẫn này, đối tượng dự thi đợt 2 theo quy định tại Công văn số 2998/BGDĐT-QLCL ngày 16/7/2021, gồm: Thí sinh bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên chưa dự thi hoặc không thể hoàn thành thi đợt 1 trong các ngày 7, 8/7/2021; Thí sinh chưa dự thi hoặc đã dự thi nhưng không thể hoàn thành thi đợt 1 vì các lý do khác với lý do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

 Các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1. Ảnh minh họa: VA

Các đối tượng thí sinh nêu trên được dự thi đợt 2 của Kỳ thi nếu đáp ứng các điều kiện: Đã đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; không bị kỷ luật đình chỉ thi tại đợt 1; không sử dụng quyền được xét đặc cách tốt nghiệp THPT theo Điều 37 của Quy chế thi; chỉ dự thi những bài thi/môn thi đã đăng ký nhưng chưa thi hoặc chưa hoàn thành ở đợt 1 và bảo lưu kết quả các bài thi/môn thi đã hoàn thành ở đợt 1 để sử dụng tại đợt 2.

Trường hợp thí sinh chưa dự thi hoặc đã dự thi nhưng không thể hoàn thành thi đợt 1 vì các lý do khác với lý do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phải có đơn xin dự thi đợt 2, trong đó ghi rõ lý do liên quan.

Để bảo đảm tính thống nhất, các sở GD&ĐT cần thực hiện đúng lịch công tác đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT tổ chức tập huấn Quy chế thi, nghiệp vụ tổ chức thi cho tất cả cán bộ tham gia tổ chức thi; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức, thanh tra, kiểm tra các công tác tổ chức thi đợt 2.

Về tổ chức hội đồng thi, Bộ GD&ĐT quy định, tùy theo điều kiện thực tế, để tạo thuận lợi cho việc dự thi của thí sinh và công tác tổ chức thi, các sở GD&ĐT thành lập hội đồng thi để tổ chức thi tại địa phương; hoặc có thể trao đổi, thống nhất để chuyển thí sinh đến dự thi ở Hội đồng thi của địa phương khác.

Trong trường hợp chuyển thí sinh đến dự thi ở hội đồng thi của địa phương khác, Sở GD&ĐT nơi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi chịu trách nhiệm chuyển các thông tin cần thiết cho Hội đồng thi nơi thí sinh chuyển đến dự thi để phục vụ công tác tổ chức thi. Đồng thời, bảo đảm việc đi lại, ăn nghỉ đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19 và an toàn sức khỏe, ổn định tâm lý cho thí sinh trong quá trình dự thi. Báo cáo Bộ GD&ĐT về việc chuyển thí sinh và phối hợp chặt chẽ với hội đồng thi nơi thí sinh chuyển đến dự thi thực hiện các khâu tổ chức thi đợt 2.

Tùy theo diễn biến thực tế của dịch bệnh COVID-19 và yêu cầu về phòng chống dịch tại các địa phương, các hội đồng thi xem xét để bố trí số lượng thí sinh tại mỗi phòng thi (tối đa không quá 24 thí sinh/phòng thi với mỗi bài thi/môn thi).

Các Hội đồng thi có thể liên kết thực hiện việc in sao đề thi phục vụ tổ chức thi đợt 2. Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để hỗ trợ in sao đề thi cho các hội đồng thi dưới 500 thí sinh ở khu vực phía Bắc, nếu có đề nghị.

Việc công bố kết quả thi được thực hiện theo quy định. Riêng đối với thí sinh đã dự thi một số môn thi ở đợt 1, Hội đồng thi nơi thí sinh dự thi đợt 1 chịu trách nhiệm cung cấp dữ liệu kết quả thi đạt 1 của thí sinh cho hội đồng thi nơi thí sinh dự thi đợt 2 để nhập vào Hệ thống quản lý thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và in Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh.

Theo thống kê có 981.773 thí sinh đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1, hơn 26.000 thí sinh ở 42 tỉnh, thành phố thuộc diện F0, F1, F2 và các thí sinh ở địa bàn cách ly, phong tỏa do ảnh hưởng của dịch COVID-19 chưa dự thi, có nguyện vọng tham dự đợt 2 của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN