Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thí điểm việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo nhóm ngành

Thứ Hai, 05/08/2019 15:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) –Thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) theo nhóm ngành là một trong những xu hướng nhằm thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Gắn bó với Cty TNHH Y&I đến nay đã là năm thứ 8, chị Trần Thị Thu cho biết sở dĩ chị lựa chọn làm việc lâu dài ở đây chính là bởi thu nhập đảm bảo cho cuộc sống cho chị và gia đình, các chính sách đãi ngộ của công ty dành cho người lao động cũng rất tốt.

Tuy vậy, khi đọc những nội dung trong bản TƯLĐTT theo nhóm ngành vừa được công ty chị cùng 4 doanh nghiệp khác cùng LĐLĐ huyện Văn Lâm (Hưng Yên) ký kết, chị Thu còn phấn khởi hơn nhiều.

 “Tôi thấy vô cùng yên tâm và sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp bởi tôi cũng như nhiều lao động khác sẽ được hưởng quyền lợi tốt hơn khi bản TƯLĐTT được thực thi”, chị Thu bày tỏ.

Tháng 7 vừa qua, đại diện người sử dụng lao động tại 5 doanh nghiệp: Cty cổ phần Hà Hưng, Cty TNHH Việt Phát; Cty TNHH Suntex; Cty TNHH sản xuất và thương mại Nhật Hoa; Cty TNHH Y&I cùng đại diện tập thể người lao động tại các doanh nghiệp là bà Tôn Kim Thuý, Chủ tịch LĐLĐ huyện đã cùng thống nhất ký vào bản TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp ngành may của huyện.

Chủ tịch LĐLĐ huyện cho biết, đây chính là kết quả của việc LĐLĐ huyện - đại diện cho người lao động tại 5 doanh nghiệp may cùng lãnh đạo của 5 doanh nghiệp tiến hành thương lượng tập thể 13 nội dung đã được thương lượng tại các phiên song phương trước đó để đi đến mục tiêu là cả 5 doanh nghiệp nhất trí 100% với 13 nội dung mà phía đại diện người lao động đưa ra. Theo đó, gần 4.000 người lao động thuộc 5 doanh nghiệp may từ đây sẽ được hưởng nhiều phúc lợi.


Đại diện cho tập thể người lao động tại các doanh nghiệp là LĐLĐ huyện Văn Lâm
cùng đại diện 5 doanh nghiệp may ký TƯLĐTT - Ảnh: Minh Châu

Cụ thể, hằng năm, doanh nghiệp thưởng tháng lương thứ 13 cho người lao động có thời gian làm việc từ đủ 12 tháng trở lên, với mức thưởng ít nhất là 1 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động; thưởng sáng kiến, thi đua, năng suất cho lao động có sáng kiến, năng suất cao; cung cấp bữa ăn ca cho người lao động với giá trị ít nhất từ 16.000 đồng/người/bữa (chỉ bao gồm chi phí thực phẩm); bữa ăn ca phải thay đổi món ăn hằng ngày, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm; trong mỗi ca sản xuất, doanh nghiệp bố trí thời gian nghỉ ngắn ít nhất 10 phút để người lao động tập thể dục; hỗ trợ tiền phụ nữ hằng tháng; dành thời gian để người lao động nâng cao kiến thức pháp luật; hằng năm, doanh nghiệp tổ chức cho người lao động tham quan, du lịch.

Về phía người lao động, chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật, hợp đồng lao động, nội quy, quy chế, các văn bản quy định nội bộ của doanh nghiệp và TƯLĐTT nhóm; tích cực tham gia các phong trào thi đua, tăng năng suất lao động, giảm chi phí của doanh nghiệp; không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật để chuyển sang làm việc tại các doanh nghiệp ký kết thỏa ước nhóm.

Là một trong 5 đại diện người sử dụng lao động trực tiếp đặt bút ký vào bản TƯLĐTT, ông Đỗ Đình Tùy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty TNHH Việt Phát cho biết, biết được LĐLĐ huyện Văn Lâm được Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh Hưng Yên lựa chọn thực hiện thí điểm dự án “Thúc đẩy đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng hiệu quả trong ngành dệt may” ngay từ đầu ông đã rất ủng hộ.

“Thực hiện TƯLĐTT sẽ giúp giảm tranh chấp lao động, đình công không đúng trình tự pháp luật quy định; hạn chế tình trạng biến động lao động, cạnh tranh lao động giữa các doanh nghiệp tham gia TƯ nhóm, giúp các doanh nghiệp trong nhóm xây dựng hình ảnh doanh nghiệp vì người lao động từ đó, thu hút lao động mới làm việc, khẳng định vị thế, thương hiệu của doanh nghiệp trong nhóm”, ông Tùy phân tích.

Doanh nghiệp dành ít nhất 10 phút để người lao động tập thể dục trong mỗi ca sản xuất
là một trong những nội dung trong TƯLĐTT- Ảnh: Minh Châu

Chứng kiến các bên ký vào bản TƯLĐTT, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đánh giá, chỉ trong vòng 1 năm với sự nỗ lực không mệt mỏi của các cấp công đoàn và sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan, thiện chí của lãnh đạo các doanh nghiệp, TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp ngành may huyện Văn Lâm đã được hiện thực hóa mang lại 8 lợi ích quan trọng cho người lao động. Đây là xu hướng chung của thế giới, là mong muốn của người lao động, tổ chức công đoàn, doanh nghiệp trong bối cảnh lao động ngày càng khan hiếm, góp phần tạo mặt bằng chung về thu nhập, lao động, phúc lợi, xây dựng quan hệ lao động hải hoà, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.

“Đây là bản TƯLĐTT chất lượng, không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động, động viên người lao động tích cực làm việc mà còn khẳng định tính ưu việt của nhóm doanh nghiệp ký kết, hoạt động vững mạnh, hiệu quả của tổ chức công đoàn. 

Người lao động trong các doanh nghiệp tham gia TƯ sẽ ít có động cơ tự ý rời bỏ công việc. Các doanh nghiệp tham gia TƯLĐTT nhóm nhờ đó hạn chế được tình trạng ngưng việc sẽ không bị biến động trong sản xuất, bất ổn trong cạnh tranh lao động, từ đó nâng chất lượng lao động ngành dệt may”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp may tại huyện Văn Lâm được ký kết là cơ sở pháp lý quan trọng để người sử dụng lao động và đại diện tập thể người lao động cam kết thực hiện tốt các nội dung được thương lượng, góp phần giảm bớt sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp về mặt lao động, tạo sự ổn định về lao động trong doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia TƯLĐTT nhóm cần cụ thể hóa nội dung hoạt động của doanh nghiệp mình để không thấp hơn TƯLĐTT nhóm, bảo đảm thực hiện TƯLĐTT thực chất, hiệu quả từ đó, nhân rộng việc ký kết TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp góp phần nâng cao hơn nữa phúc lợi cho người lao động.

Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 4 (khoá XII) diễn ra mới đây cũng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm là tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trong đó tiếp tục thực hiện thí điểm việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo nhóm ngành. 
Minh Châu

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN