Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thêm một lời cảnh tỉnh

Thứ Hai, 06/11/2023 20:03 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bởi thèm khát làm mẹ, có những người phụ nữ đã phạm tội bắt cóc, giằng những đứa trẻ ra khỏi bầu sữa mẹ, tước đoạt quyền làm mẹ của người phụ nữ khác.

Ngày 5/11/2023, Công an thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết đang tạm giữ hình sự và củng cố hồ sơ xử lý nghi phạm Trần Thị Ngọc Thắm (SN 2005, quê ở Bến Tre, tạm trú tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương).

Tại cơ quan công an, nghi phạm bắt cóc trẻ sơ sinh trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương ngày 4/11/2023 khai nhận do nhiều lần bị sẩy thai, nên lần sảy thai gần đây nhất đã giấu không cho chồng biết, sau đó giả danh bác sĩ để chiếm đoạt một bé sơ sinh mang về nuôi, dự định sẽ nói dối gia đình chồng.

Nghi phạm T.T.N.T tại cơ quan công an thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (Ảnh: cơ quan công an cung cấp)

Đến khoảng 22h00 cùng ngày, lực lượng công an đã tìm được bé gái sơ sinh tại nhà trọ của T. và mang về trả cho mẹ bé. Hiện sức khỏe của sản phụ và bé gái sơ sinh đều ổn.

Trước đó, ngay tại Thủ đô Hà Nội, Nguyễn Thị Tuyến (SN 1989, trú tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ) đã giả làm nhân viên Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ rồi lẻn vào khoa Sản tìm “bắt” được 1 bé sơ sinh (sinh ngày 18/8/2022) và bế ra ngoài.

Lý do mà Tuyến khai với cơ quan công an là do mắc bẫy lừa đảo trên mạng, bị chiếm đoạt số tiền hơn 10 triệu đồng. Đang lúc túng quẫn, biết được tâm nguyện của một đồng nghiệp muốn tìm trẻ sơ sinh để nhận làm con nuôi và tin rằng nếu “giúp” chắc chắn sẽ được cảm ơn, bù đắp số tiền nói trên.

Trên đây chỉ là 2 trong số các vụ án tương tự đã xảy ra trên địa bàn cả nước được báo chí nhắc tới.

Luật Trẻ em năm 2016 (Luật số: 102/2016/QH13, ngày 05 tháng 4 năm 2016) nêu rõ trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Trong số 25 quyền của trẻ em quy định tại các điều từ Điều 12 đến Điều 36, quyền số 1 quy định trẻ em được bảo vệ tính mạng, bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển, trong khi đó, quyền số 17 nhấn mạnh trẻ em có quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt.

Theo quy định, để đảm bảo an toàn cho trẻ sơ sinh, phòng tránh lây nhiễm, bệnh viện dán bảng quy định và phổ biến quy định rõ hạn chế người lạ ra vào. Nhân viên y tế không tự ý ẵm trẻ sơ sinh, người nhà không giao trẻ sơ sinh cho nhân viên y tế. Điều quan trọng nhất chính là thai phụ và người nhà không được giao con cho người lạ.

Hành vi bắt cóc trẻ sơ sinh là trái pháp luật hình sự, tính chất, mức độ hành vi là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền nhân thân của công dân, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em, gây mất an ninh, an toàn trật tự xã hội. Hành vi này có tác động mạnh đến tâm lý của những người làm mẹ, cũng như cơ sở y tế nơi xảy ra vụ việc.

Điều may mắn đã xảy ra, các cháu bé trở về an toàn trong vòng tay yêu thương của mẹ của cha và gia đình với ngập tràn hạnh phúc.

Khi đang gặp vấn đề hiếm muộn, rồi áp lực từ chính người thân trong gia đình là một trong những nguyên nhân đưa đẩy một số người tới sự mù quáng, phạm tội.

Nếu bị xem xét, truy cứu với tội danh “Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi” theo Điều 153 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015, phạm tội bắt cóc trẻ em có thể phải chịu khung hình phạt cao nhất 15 năm tù.

Dù biện minh cho hành vi đó như thế nào: Lo sợ hạnh phúc gia đình bị tan vỡ, túng quẫn vì lý do tài chính, tâm linh.., cũng không thể chấp nhận.

Từ đây, chúng ta càng thấy vai trò của sự cảm thông từ người thân trong gia đình với người hiếm muộn; sự  chu đáo, tinh tế của nhân viên y tế; sự cảnh giác trước các dấu hiệu bất thường mỗi người dân... là vô cùng quan trọng để xây dựng cộng đồng nhân văn.

Các vụ án vừa xảy ra là bài học đắt giá, tiếp tục cảnh tỉnh cho nhiều người và không ít gia đình có hoàn cảnh tương tự.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN