Thế giới tuần qua: Xây dựng lại niềm tin
(ĐCSVN) - Tuần qua (15 - 21/1), thế giới trải qua nhiều sự kiện đáng chú ý, trong đó, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 54 khai mạc với chủ đề “xây dựng lại niềm tin” được coi là một “điểm nhấn”, với kỳ vọng tìm ra những giải pháp đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi tác động của nhiều vấn đề hóc búa.
Khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)
Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2024. Ảnh: TTXVN/Vietnam+ |
“Xây dựng lại niềm tin” (Rebuilding Trust) là chủ đề chính của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 54 đã khai mạc vào ngày 15/1 và kéo dài đến ngày 19/1/2024.
Diễn đàn WEF 2024 diễn ra tại thị trấn Davos thuộc quận Prttigau/Davos, bang Graubnden, Thụy Sĩ. Diễn đàn quy tụ hơn 2.800 đại biểu, cùng nhau thảo luận về “các nguyên tắc cơ bản của sự tin cậy” - tính minh bạch, mạch lạc và trách nhiệm; chia sẻ ý kiến, trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho nền kinh tế thế giới vốn đang chịu tác động từ nhiều vấn đề hóc búa của thế giới hiện nay.
Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd nhấn mạnh, chủ đề của Hội nghị năm nay là “Xây dựng lại niềm tin”, đây không chỉ là thông điệp mang nhiều ý nghĩa, mà còn là lời kêu gọi về việc cần phải xây dựng lại niềm tin trên trường quốc tế.
Theo Tổng thống Thụy Sĩ, không chỉ các quốc gia mà cả các tổ chức quốc tế cũng cần tham gia quá trình “xây dựng lại niềm tin.” Bà cho rằng mọi người phải ngăn chặn quyền lực chính trị phá hủy nền tảng của cuộc sống. Do đó, tiến bộ thực sự trong chuyển đổi sinh thái là rất cần thiết. Tuy nhiên, các thỏa thuận cuối cùng cũng phải được thực hiện, vì đây là cách duy nhất để tạo dựng niềm tin.
Chia sẻ về vai trò của nước chủ nhà WEF Davos 2024, Tổng thống Amherd cho biết Thụy Sĩ đang thực hiện quá trình xây dựng niềm tin mới, thông qua các “đầu mối” ngoại giao truyền thống hoặc với tư cách thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
100 ngày xung đột đè nặng lên cuộc sống người dân Gaza
Một em nhỏ Palestine ngồi giữa đống đổ nát sau cuộc oanh kích của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza, ngày 7/1/2024. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Ngày 15/1, cuộc xung đột ở Gaza cán mốc 100 ngày liên tiếp. Tình hình vẫn căng thẳng và thương vong của các bên vẫn cao, khác hẳn với những tuyên bố về một cuộc chiến đã “chuyển sang giai đoạn ít khốc liệt” hơn.
Tròn 100 ngày chiến sự, Israel đã thực hiện tổng cộng khoảng 30.000 cuộc tấn công vào các mục tiêu tại Gaza. Đã có gần 24.000 người Palestine thiệt mạng và trên 60.000 người bị thương, trong đó đa phần là dân thường; 85% dân số phải rời bỏ nhà cửa; 50% các công trình dân sự bị phá hủy không thể phục hồi; 100% học sinh phải nghỉ học.
Đáng lo ngại hơn cả, cuộc tấn công đã gây ra tình trạng thảm họa nhân đạo mà chuyên gia của Liên hợp quốc ví là “địa ngục trần gian,” khi các bệnh viện không thể hoạt động đầy đủ chức năng, 26% dân số Gaza đối mặt với thiếu ăn nghiêm trọng, 220 người mới có một nhà vệ sinh.
Với Israel, càng đi sâu vào cuộc chiến, thế bế tắc càng hiện rõ. Trước khi phát động cuộc tấn công vào Gaza, Israel đặt ra 3 mục tiêu chính: loại bỏ lực lượng Hamas, giải phóng toàn bộ các con tin và “thay đổi cục diện Trung Đông” để không còn một lực lượng nào có thể đe dọa an ninh của nước này.
Trong thông điệp nhân 100 ngày chiến sự Hamas-Israel nổ ra, nhiều tổ chức quốc tế đã kêu gọi tất cả các bên chấm dứt mọi hành động thù địch, tránh đổ máu, trả tự do cho các con tin và ngừng bắn ngay lập tức. Tuy nhiên, các đợt tấn công vẫn diễn ra dữ dội, các nỗ lực ngoại giao và hòa giải khẩn trương của các bên cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả.
Thực tế tàn khốc đã khiến người dân Palestine tại Dải Gaza phải đối mặt với một tương lai mù mịt. Thậm chí ngay cả khi chiến sự dừng lại lúc này, thì họ cũng sẽ phải mất nhiều năm đối phó với tình trạng thiếu thốn lương thực, thực phẩm và dịch bệnh lây lan.
Căng thẳng ở Biển Đỏ đe dọa kinh tế toàn cầu
Tàu khu trục HMS Diamond của hải quân Hoàng gia Anh hiện diện ở Biển Đỏ. Ảnh: The Independent. |
Ngày 17/1, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala nhận định thương mại toàn cầu năm 2024 kém lạc quan hơn do tác động của tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ. Lãnh đạo WTO cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn, các căng thẳng địa chính trị xấu đi, tình hình gián đoạn mới phát sinh ở Biển Đỏ, kênh đào Suez, kênh đào Panama khiến bức tranh thương mại toàn cầu kém lạc quan hơn.
Trước đó, ngày 15/1, Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni cảnh báo rằng tình trạng bạo lực ở Biển Đỏ do các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào các tàu đi qua Biển Đỏ, đang cản trở hoạt động vận tải biển, đồng thời có thể đẩy giá năng lượng và lạm phát trong liên minh tăng cao.
Theo ông Gentiloni, những gì đang xảy ra ở Biển Đỏ dường như gây hiệu quả tiêu cực tới giá năng lượng và đẩy nhanh lạm phát. Quan chức này nhấn mạnh tình hình cần được theo dõi rất chặt chẽ vì những hậu quả này có thể xảy ra trong những tuần tới.
Căng thẳng ở Biển Đỏ đã gia tăng sau khi Mỹ và Anh tiến hành các cuộc không kích nhằm vào phiến quân Houthi ở Yemen để đáp trả các cuộc tấn công của lực lượng này vào tàu thuyền trên Biển Đỏ.
Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 11/2023, các vụ tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào tàu thuyền đi qua khu vực đã ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại của thế giới khi nhiều công ty vận tải phải thay đổi lộ trình, làm căng thẳng về nguồn cung đang gây áp lực lên lạm phát toàn cầu.
Cộng đồng thế giới kêu gọi Iran và Pakistan kiềm chế
Khói lửa bốc lên sau vụ tấn công của quân đội Pakistan nhằm vào mục tiêu được cho là khủng bố ở tỉnh Sistan-Baluchestan, Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN) |
Ngày 18/1, Liên hợp quốc và Mỹ đã hối thúc Iran và Pakistan kiềm chế sau khi hai quốc gia láng giềng Nam Á này thực hiện các vụ không kích gây thương vong nhằm vào lực lượng mà hai bên cho là phiến quân ở bên trong lãnh thổ của nhau.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi Chính phủ Iran và Pakistan “kiềm chế tối đa,” đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ tấn công quân sự lẫn nhau giữa hai nước này.
Cùng ngày, Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho biết Mỹ đang theo dõi sát tình hình và giữ liên lạc với giới chức Pakistan. Ông Kirby nêu rõ: “Đây là hai quốc gia vũ trang tốt và chúng tôi không muốn thấy tình hình leo thang hơn nữa.”
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi Islamabad và Tehran giảm căng thẳng sau khi Pakistan tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các phiến quân ở Iran, động thái rõ ràng nhằm trả đũa các cuộc không kích của Iran vào lãnh thổ nước này trước đó.
Ngày 18/1, các nguồn tin cho biết quân đội Pakistan đã thực hiện các cuộc tấn công trong đêm nhằm vào các nhóm chiến binh ở Iran. Truyền thông Iran cũng đưa tin về một số vụ nổ gần biên giới với Pakistan.
Vụ việc trên diễn ra sau khi Iran thực hiện các vụ tấn công nhằm vào "các mục tiêu khủng bố" ở Pakistan vào cuối hôm 16/1. Phía Pakistan nói rằng cuộc tấn công này đã khiến 2 trẻ em thiệt mạng.
Chính phủ Iran thông tin cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái lúc đó nhắm vào nhóm Jaish al-Adl ở Pakistan.
Tuy nhiên, hôm 17/1, Bộ Ngoại giao Pakistan chỉ trích cuộc tấn công này, coi đây là "sự vi phạm chủ quyền của Pakistan một cách vô cớ và trắng trợn". Sau đó, họ triệu hồi Đại sứ Pakistan ở Iran.
Tehran và Islamabad thường xuyên cáo buộc nhau cho phép các nhóm phiến quân hoạt động từ lãnh thổ của đối phương để tiến hành các cuộc tấn công.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngăn Chính phủ đóng cửa
Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, DC. Ảnh: TTXVN. |
Hạ viện Mỹ ngày 18/1 thông qua dự luật ngân sách với tỷ lệ 314 phiếu ủng hộ và 108 phiếu chống (với 106 đảng viên Đảng Cộng hòa và 2 đảng viên Đảng Dân chủ phản đối). Trước đó cùng ngày, Thượng viện Mỹ đã có một số điều chỉnh và thông qua dự luật với tỷ lệ 77 phiếu thuận và 18 phiếu chống. Dự luật được trình lên Tổng thống Joe Biden chờ ký ban hành.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, đảng viên đảng Dân chủ cho biết: “Chúng tôi có tin tốt cho nước Mỹ. Chính phủ sẽ không đóng cửa vào ngày 19/1... Nhờ hai bên phối hợp, Chính phủ vẫn mở cửa, các dịch vụ không bị gián đoạn. Chúng ta sẽ tránh được một thảm họa không cần thiết".
Chính phủ Mỹ đang hoạt động theo đạo luật ngân sách cho phép một phần hoạt động đến ngày 19/1, phần còn lại có thể hoạt động đến ngày 2/2. Theo đó, dự luật mới sẽ gia hạn hai mốc thời gian trên đến ngày 1/3 và 8/3.
Đây là dự luật ngân sách ngắn hạn thứ ba, còn được gọi là "nghị quyết tiếp tục" (CR), được Quốc hội Mỹ thông qua từ tháng 9/2023. CR cho phép các nghị sĩ có thêm thời gian để soạn các dự luật ngân sách toàn diện, tài trợ chính phủ Mỹ hoạt động đến hết năm tài khóa. Năm tài khóa Mỹ bắt đầu ngày 1/10 và kết thúc ngày 30/9 năm tiếp theo.
Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu tạm thời nhằm ngăn chặn việc chính phủ liên bang đóng cửa vào ngày 17/11/2023 và giúp các nhà lập pháp có thêm thời gian để xây dựng các dự luật chi tiêu đầy đủ hơn cho các cơ quan và chương trình chính sách.
Dự luật chi tiêu tạm thời này giúp Chính phủ Mỹ trang trải các khoản phúc lợi cho cựu chiến binh, giao thông, nhà ở, phát triển đô thị, nông nghiệp, các chương trình năng lượng, xây dựng quân sự cho đến ngày 19/1. Trong khi đó, nguồn tài trợ cho tất cả các hoạt động liên bang khác, bao gồm cả quốc phòng, sẽ hết hạn vào ngày 2/2./.