Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thế giới tuần qua: Triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu

Chủ Nhật, 05/05/2024 11:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Tuần qua (29/4 - 5/5), thế giới diễn ra nhiều sự kiện đáng chú ý, trong đó những nhận định mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới giữa lúc phải đối mặt với những cú sốc lớn từ các cuộc xung đột địa chính trị gia tăng.

OECD nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu

Kinh tế thế giới được dự báo sẽ đón nhận tín hiệu tốt trong năm 2024. (Ảnh: Bloomberg) 

Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 2/5, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới, nhờ sự phục hồi mạnh của kinh tế Mỹ, trong lúc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tụt lại sau.

Theo dự báo của OECD, kinh tế toàn cầu trong năm nay duy trì mức tăng trưởng 3,1% như năm ngoái và tăng tốc lên mức 3,2% trong năm tới.

Trong báo cáo hồi tháng 2/2024, các dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm tới ở các mức tương ứng 2,9% và 3%.

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng đà phục hồi không đồng đều giữa các khu vực, khi lạm phát và lãi suất giảm với tốc độ khác nhau và sự cần thiết trong việc giảm thâm hụt ngân sách, nợ cũng có sự khác biệt.

Kinh tế Mỹ được dự báo tăng 2,6% trong năm 2024, so với mức 2,1% theo dự báo trước đó và tăng tốc so với mức 2,5% của năm 2023. OECD nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế nước này trong năm tới từ 1,7% lên 1,8%.

Kinh tế Trung Quốc cũng sẽ tăng tốc trong năm nay và năm tới, với các dự báo được nâng từ mức tương ứng 4,7% và 4,2% lên 4,9% và 4,5%, nhờ các biện pháp kích thích.

Tăng trưởng của Eurozone dự báo sẽ phục hồi nhẹ lên 1,5% vào năm 2025, so với mức dự báo 1,3% đưa ra hồi tháng 2, nhờ nhu cầu trong nước phục hồi. OECD cho biết: "Thu nhập thực tế của hộ gia đình tăng trở lại, thị trường lao động khởi sắc và chính sách giảm lãi suất được dự đoán sẽ giúp tạo ra sự phục hồi dần dần".

Tuy nhiên, trong báo cáo, OECD cảnh báo rằng "căng thẳng địa chính trị cao, đặc biệt là ở Trung Đông, có thể làm gián đoạn các thị trường năng lượng và tài chính, khiến lạm phát tăng vọt và tăng trưởng chững lại".

Đột phá mới trong thỏa thuận toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa

Rác thải nhựa bị đẩy xuống đại dương. (Ảnh: onegreenplanet.org) 

Ngày 30/4, các quốc gia đã đạt được tiến bộ quan trọng trong hiệp ước chống ô nhiễm nhựa toàn cầu tại cuộc đàm phán thứ tư vừa kết thúc ở Canada.

Với sự tham dự của 175 quốc gia, phiên đàm phán này đã cho thấy sự ủng hộ quyết liệt và ngày càng tăng giữa các bên về sự cần thiết của hiệp ước về nhựa phải bao gồm các mục tiêu giảm thiểu nhựa, với hơn 50 mục tiêu. Đây là lần đầu tiên đàm phán về việc hạn chế sản xuất nhựa toàn cầu với mục tiêu giảm 40% lượng nhựa trong 15 năm tới.

Lần đầu tiên, các nhà đàm phán đã thảo luận về nội dung được cho sẽ trở thành một hiệp ước toàn cầu. Các đại biểu và quan sát viên tại Ủy ban đàm phán liên chính phủ về ô nhiễm nhựa gọi đây là một dấu hiệu đáng hoan nghênh khi cuộc thảo luận đã chuyển từ ý tưởng sang hiệp ước tại cuộc họp thứ tư trong số năm cuộc họp theo lịch trình này.

Các đại biểu đã thảo luận không chỉ về phạm vi của hiệp ước mà còn về các hóa chất đáng lo ngại, các loại nhựa có vấn đề, thiết kế sản phẩm cũng như nguồn tài chính và lộ trình thực hiện.

Các cuộc đàm phán hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa bắt đầu ở Uruguay vào tháng 12/2022 sau khi Rwanda và Peru đề xuất nghị quyết khởi động quy trình này vào tháng 3 cùng năm. Tiến trình diễn ra chậm chạp trong các cuộc đàm phán ở Paris, Pháp vào tháng 5/2023 và tại Nairobi vào tháng 11/2023 khi các nước tranh luận về các quy tắc của hiệp ước.

Tương tự Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, thỏa thuận mới về giảm rác thải, ô nhiễm nhựa cũng có tính ràng buộc về pháp lý. Đây là điều kiện để các nước hạn chế sự nóng lên toàn cầu và duy trì nhiệt độ Trái đất không vượt ngưỡng 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Houthi đe dọa mở rộng tấn công nhằm vào các tàu trên Biển Đỏ

 Khói bốc lên ngùn ngụt từ con tàu bị lực lượng Houthi tấn công trên Biển Đỏ. Ảnh: IRNA/TTXVN

Thủ lĩnh Phong trào Houthi ở Yemen Abdul Malik Al-Houthi tuyên bố lực lượng này sẽ tiếp tục leo thang các cuộc tấn công nhằm vào tàu thương mại ở Biển Đỏ cho đến khi Israel kết thúc cuộc chiến ở Dải Gaza và Mỹ ngừng tấn công các mục tiêu ở Yemen.

Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 2/5, ông Al-Houthi cho biết, Houthi đang chuẩn bị cho đợt leo thang thứ 4 nếu Israel và Mỹ tiếp tục không khoan nhượng. Theo ông Al-Houthi, lực lượng quân dân này đã phóng 606 tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái nhằm vào 107 tàu của Israel, Mỹ và Anh ở Biển Đỏ, Eo biển Bab Al-Mandab, Vịnh Aden và gần đây là ở Ấn Độ Dương kể từ tháng 11/2023.

Houthi đã thực hiện hàng loạt cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa nhằm vào các tàu có liên hệ với Israel kể từ tháng 11/2023, động thái mà lực lượng này tuyên bố là để ủng hộ người Palestine trong cuộc xung đột ở Dải Gaza. Để trả đũa chiến dịch không kích của Houthi, Mỹ và Anh đã tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của lực lượng này ở Yemen. Mỹ và các đồng minh cũng đã thành lập một liên minh hải quân quốc tế nhằm bảo vệ tuyến đường thương mại quan trọng qua Biển Đỏ.

Với các cảng trên Địa Trung Hải của Israel nằm cách miền Bắc Yemen khoảng 2.000 km, hiện vẫn chưa rõ kế hoạch tấn công của lực lượng Houthi. Theo các chuyên gia, kho vũ khí của Houthi gồm có các tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 1.600-1.900km và máy bay không người lái Shahed-136 có thể di chuyển tới 2.000 km. 

Trước đó, Houthi cũng đe dọa mở rộng các cuộc tấn công tới Ấn Độ Dương để nhắm mục tiêu vào các tàu đi vòng qua cực Nam châu Phi để tránh bờ biển Yemen. Nhưng trọng tâm chính của lực lượng này vẫn là Biển Đỏ và Vịnh Aden.

Thiên tai bất thường trên thế giới

Biến đổi khí hậu đang tác động nặng nề đến nhiều nước trên thế giới. (Ảnh: Reuters) 

Trong những ngày qua, nhiều nước trên thế giới đã phải đối mặt với những hiện tượng thời tiết bất thường, gây ra những hậu quả khó lường.

Bangladesh vốn là nước thường xuyên bị mưa lũ lớn, lượng mưa trung bình trong tháng 4 hàng năm là 134 mm, nhưng năm nay chỉ ở mức 1 mm - thấp hơn 130 lần so với trung bình hằng năm.

Trong khi đó, các nước ở vùng Vịnh vốn rất ít mưa và thường xuyên khô hạn, như Arab Saudi vừa bị mưa lớn tấn công, sau khi mưa lớn, lũ quét tấn công nước Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Oman trung tuần tháng 4 vừa qua. Theo các nhà nghiên cứu, đây là hệ quả của biến đổi khí hậu.

Khu vực châu Á đang nóng lên nhanh hơn so với mức trung bình toàn cầu. Biến đổi khí hậu đang gây ra những đợt sóng nhiệt thường xuyên hơn, dữ dội hơn và kéo dài hơn.

Nhiệt độ ngoài trời đo được ở Lào ngày 30/4 vừa qua lên tới 47 độ C, mức nhiệt cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, trong khi Campuchia là 44 độ C, Thái Lan là 43 độ C và Việt Nam là 42 độ C.

Ông Petch Manopawitr - nhà khoa học, cố vấn Bộ Tài nguyên biển Thái Lan cho rằng: "Mô hình biến đổi khí hậu cho thấy chúng ta đang tăng nhiệt độ trung bình hàng năm. Do hiệu ứng El Nino, nhiệt độ sẽ nóng hơn bình thường. Điều này lý giải cho tình trạng nắng nóng bất thường. Đó cũng là lý do khiến nhiều khu vực, đặc biệt là khu vực Caribe, Đông Nam Á và một số khu vực ở Nam Á, dễ bị tổn thương nhất trong năm nay".

Trong khi đó, từ giữa tháng 4 vừa qua cho đến nay, nhiều nước Vùng Vịnh vốn hiếm khi mưa lại phải hứng chịu nhiều đợt mưa lớn. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã ghi nhận lượng mưa lớn nhất từ khi công tác thống kê bắt đầu vào năm 1949, làm 4 người thiệt mạng, trong khi mưa lớn ở Oman làm 21 người thiệt mạng.

Mưa lớn kéo dài gây lũ lụt do tác động của hiện tượng El Nino cũng ảnh hưởng tới hàng loạt quốc gia Đông Phi như Burundi, Kenya, Somalia, Tanzania và Rwanda khiến hàng trăm người thiệt mạng và gây ảnh hưởng trên diện rộng.

Liên hợp quốc cảnh báo kịch bản Israel tấn công Rafah

Cảnh đổ nát tại Rafah sau khi bị Israel không kích hôm 3/5. Ảnh: AFP 

Hiện thành phố Rafah là nơi tập trung nhiều hoạt động nhân đạo ở Gaza sau nhiều tháng hứng chịu các đợt không kích mạnh từ Israel, gây nhiều thương vong cho dân thường. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đang lo ngại về những nguy cơ khó lường khi hồi đầu tuần, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo Israel sẽ tiến hành một cuộc tấn công trên bộ ở Rafah, ngay cả khi đứng trước triển vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Hamas.

Ngày 3/5, người phát ngôn Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) Jens Laerke cho biết bất kỳ một cuộc tấn công bộ binh nào nhằm vào Rafah đều sẽ gây ra đau khổ, tổn thất lớn hơn đối với hơn 1,2 triệu người Palestine chạy nạn đang cư trú tại đây. Theo ông, tấn công quân sự vào Rafah đe dọa tính mạng của hàng trăm nghìn người, là cú đánh mạnh vào hoạt động nhân đạo ở toàn bộ Dải Gaza.

Cùng thời điểm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cơ quan này đã lập ra kế hoạch dự phòng có tên gọi “Cứu giúp” (Band-Aid) để sẵn sàng ứng phó với một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn tiềm tàng nhằm vào Rafah. Đại diện WHO tại vùng lãnh thổ chiếm đóng Palestine Rik Peeperkorn nhận định kế hoạch này chỉ là tạm thời và sẽ không đủ sức để ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Gaza trở nên tồi tệ hơn do hệ quả của tấn công quân sự. 

Ông Rik Peeperkorn cảnh báo tấn công quân sự vào Rafah sẽ tạo ra làn sóng chạy nạn mới, gây tình trạng quá tải tập trung đông người, giảm khả năng tiếp cận về lương thực, nước uống và người dân và tăng nguy cơ bùng phát bệnh dịch. Hệ thống y tế yếu kém tại Gaza sẽ không thể chống đỡ nổi mức độ hủy hoại mà việc tấn công quân sự vào Rafah gây ra. 

Theo thống kê của WHO, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 12 trên tổng số 36 bệnh viện và 22 trên tổng số 88 cơ sở chăm sóc y tế tại Gaza còn hoạt động với một phần công suất./.

PV (t/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN