Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thế giới tuần qua: Những dấu hiệu tan băng

Chủ Nhật, 08/10/2023 11:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Thế giới trải qua nhiều sự kiện đáng chú ý xoay quanh tình hình trên chính trường Mỹ, bất ổn ở Trung Đông... cho tới những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Cuộc hội đàm cấp thứ trưởng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã cho thấy dấu hiệu tan băng trong quan hệ hai nước láng giềng...

Dấu hiệu tan băng trong quan hệ Nhật - Hàn

Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc thứ nhất Chang Ho-jin (phải) và người đồng cấp Nhật Bản Masataka Okano. (Ảnh: Yonhap) 

Hàn Quốc và Nhật Bản đã tổ chức cuộc hội đàm cấp thứ trưởng tại Seoul trong ngày 5/10, đánh dấu cuộc đối thoại chiến lược đầu tiên sau 9 năm, trong bối cảnh quan hệ song phương đang ấm dần lên.

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Chang Ho-jin đã gặp người đồng cấp Nhật Bản Masataka Okano để thảo luận về "đối thoại chiến lược" nhằm giải quyết nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự, từ quan hệ song phương đến các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Cuộc đối thoại chiến lược lần thứ 14 này diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương đang tan băng sau khi Hàn Quốc hồi tháng 3 quyết định tự bồi thường cho các nạn nhân bị Nhật Bản cưỡng ép lao động trong thời chiến mà không yêu cầu các công ty Nhật Bản đóng góp.

Cuộc đối thoại được khởi động vào năm 2005 với mục đích giúp hai nước tham vấn về một loạt vấn đề khu vực và toàn cầu từ tầm nhìn trung đến dài hạn.

Tuy nhiên, đối thoại chiến lược Hàn Quốc - Nhật Bản đã bị dừng lại kể từ sau năm 2014 trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng vì các tranh cãi liên quan tới thời kỳ thuộc địa. 

Lần đầu tiên trong lịch sử, Chủ tịch Hạ viện Mỹ bị bãi nhiệm

Hạ nghị sỹ Mỹ Kevin McCarthy. (Ảnh: THX/TTXVN) 

Ngày 3/10, với 216 phiếu thuận và 210 phiếu chống, các nghị sỹ tại Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua quyết định cách chức Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, trong bối cảnh rối loạn nội bộ giữa các thành viên đảng Cộng hòa đã khiến Quốc hội Mỹ lún sâu vào tình trạng hỗn loạn, chỉ vài ngày sau khi ngăn chặn được việc chính phủ liên bang phải đóng cửa chỉ vài giờ trước thời hạn chót.

Sau cuộc bỏ phiếu trên, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa Patrick McHenry, đại diện của bang North Carolina, sẽ tạm thời đảm nhiệm vị trí Quyền Chủ tịch Hạ viện cho đến khi cơ quan lập pháp này bầu nhà lãnh đạo mới.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Hạ viện Mỹ loại bỏ nhà lãnh đạo của mình, được thúc đẩy bởi một nhóm tương đối nhỏ các đảng viên Cộng hòa cánh hữu.  Sau khi bị bãi nhiệm, Hạ nghị sỹ Kevin McCarthy tối 3/10 đã thông báo với các đồng nghiệp trong đảng Cộng hòa rằng ông sẽ không tái tranh chức Chủ tịch Hạ viện.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hối thúc Hạ viện nước này cần phải nhanh chóng bầu chọn một Chủ tịch mới, sau khi ông Kevin McCarthy đã bị chính đảng Cộng hòa thúc đẩy bãi miễn.

Theo giới quan sát, việc bãi miễn ông McCarthy khiến đảng Cộng hòa tại Hạ viện rơi vào tình trạng hỗn loạn mới và có khả năng dẫn đến bế tắc tại Quốc hội Mỹ trong việc hoạch định chính sách. Theo nguyên tắc, Hạ viện sẽ không thể thông qua bất cứ dự luật nào cho tới khi vị chủ tịch mới được bầu ra và tuyên thệ nhậm chức.

OPEC+ duy trì chính sách cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2024

Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tại cuộc họp chính sách ngày 4/10, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã không đưa ra thay đổi nào đối với chính sách sản lượng dầu của nhóm cho đến cuối năm 2024.

Theo đó, Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng (JMMC) thuộc OPEC+ đã khuyến nghị các nước thành viên duy trì chiến lược cắt giảm sản lượng hiện nay sau khi 2 nước xuất khẩu hàng đầu là Ả rập Xê út và Nga tuyên bố tiếp tục chính sách cắt giảm sản lượng để giữ giá.

Giá dầu đã khôi phục trong những tháng gần đây và lên khoảng 100 US/thùng trong tuần trước sau khi các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới là Nga và Ả rập Xê út cắt giảm sản lượng hàng triệu thùng ra thị trường. Dù vậy, giá dầu thô có dấu hiệu giảm trong những ngày gần đây khi các thị trường đều lo ngại tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) duy trì lãi suất ở mức cao.

Trong thông báo đưa ra sau hội nghị trực tuyến của JMMC, OPEC+ cho biết ủy ban này tái khẳng định các nước thành viên cần tiếp tục duy trì chiến lược giảm sản lượng tới cuối năm 2024. JMMC cũng sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết ở bất kỳ thời điểm nào, tùy theo các điều kiện thị trường.

Thế giới vừa trải qua tháng 9 nóng nhất trong lịch sử

 Thế giới đang trên đà phá vỡ những giới hạn quan trọng về nhiệt độ. (Ảnh minh họa: AFP) 

Cơ quan giám sát tình trạng biến khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) ngày 5/10 cho biết, phần lớn thế giới đã trải qua nhiệt độ ấm áp trái mùa vào tháng 9, trong một năm được dự đoán là nóng nhất trong lịch sử loài người, cùng với nhiệt độ toàn cầu được ghi nhận ở mức “nóng nhất” từ trước đến nay vào mùa hè ở Bắc bán cầu.

Báo cáo của C3S cho biết, nền nhiệt trung bình trong tháng 9 vừa qua là 16,38 độ C, cao hơn 0,93 độ C so với mức trung bình của các tháng 9 trong giai đoạn 1991-2020 và cao hơn 0,5 độ C so với mức kỷ lục được ghi nhận trong tháng 9/2020. Các kỷ lục về nhiệt độ thường bị phá vỡ bởi biên độ nhỏ hơn nhiều, chỉ ở mức gần 1/10 độ.

Cũng theo C3S, tháng 9 vừa qua là "tháng ấm áp bất thường nhất" trong tập dữ liệu tính từ năm 1940 và nóng hơn khoảng 1,75 độ C so với mức trung bình tháng 9 trong thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900.

Các nhà nghiên cứu cho rằng lượng phát thải khí thải carbon ngày càng tăng kết hợp với sự thay đổi nhanh chóng của hiện tượng El Niño đang khiến Trái đất nóng hơn bao giờ hết. Trong khi đó hiện tượng La Niña ở Thái Bình Dương ba năm trước dù có khiến nhiệt độ toàn cầu giảm đi vài phần nhưng nó chỉ mang tính tạm thời.

Khi nguồn nhiệt ở các đại dương được giải phóng cùng với hiện tượng El Niño, Trái đất chính thức bước vào năm nóng nhất. Các nhà khoa học dự đoán những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng El Nino hiện tại sẽ được cảm nhận vào cuối năm 2023 và sang năm sau.

Tấn công học viện quân sự ở Syria, hàng trăm người thương vong

Mọi người tháo chạy khi xảy ra cuộc tấn công. (Ảnh: Reuters) 

Ngày 5/10, Bộ Quốc phòng Syria cho biết một vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái nhằm vào một học viện quân sự ở tỉnh Homs của nước này đã khiến nhiều dân thường và quân nhân thiệt mạng.

Theo Bộ trên, cuộc tấn công diễn ra vào thời điểm các học viên đang tổ chức buổi lễ tốt nghiệp và đã gây nhiều thương vong. Các thiết bị bay không người lái tham gia cuộc tấn công đều được trang bị vũ khí.

Trong khi đó, theo tin từ Bộ y tế Syria, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào học viện quân sự ở tỉnh Homs đã khiến ít nhất 100 người thiệt mạng và 240 người khác bị thương. Còn theo số liệu từ Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) thì ít nhất 112 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công, gồm 14 dân thường.

Hiện vẫn chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc. Chính phủ Syria đã tuyên bố quốc tang 3 ngày từ ngày 6/10 để tưởng nhớ các quân nhân và người dân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố tàn bạo nhằm vào lễ tốt nghiệp của các học viên tại một học viện quân sự ở tỉnh Homs.

Vụ tấn công ngày 5/10 chỉ là một trong số các vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái đang có chiều hướng gia tăng ở Syria trong những tháng gần đây, với việc các phe phái nổi dậy sử dụng máy bay không người lái để nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng của chính phủ. Ở chiều ngược lại, Chính phủ Syria và các đồng minh cũng đã sử dụng máy bay không người lái cho các hoạt động tấn công nhằm vào các thành trì của phe nổi dậy.

Israel báo động tình trạng chiến tranh

 Nhiều loạt rocket bắn từ dải Gaza vào lãnh thổ Israel ngày 7/10. Ảnh: AFP

Tờ Bangkok Post đưa tin, ngày 7/10, Israel đã báo động tình trạng chiến tranh sau khi nhiều loạt rocket bắn từ dải Gaza vào lãnh thổ Israel.

Các hãng tin AFP, Reuters cho biết quân đội Israel thông báo "một số kẻ khủng bố đã xâm nhập" nước này từ Dải Gaza. Quân đội khuyến cáo cư dân ở xung quanh khu vực Dải Gaza ở trong nhà, đồng thời cảnh báo phong trào Hamas đang kiểm soát vùng lãnh thổ trên sẽ phải trả giá vì tấn công Israel. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel đã phê chuẩn quyết định triệu tập quân dự bị. Thông tin cập nhật cho biết đã có ít nhất 1 người tại Israel thiệt mạng.

Theo Tân Hoa xã, cùng ngày, thủ lĩnh phong trào Hamas, Mohammed al-Deif, tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự mới mang tên "Al-Aqsa Flood" chống lại Israel. Nhóm này cho biết đã phóng hơn 5.000 quả rocket trong khoảng 20 phút. Báo động cảnh báo rocket đã vang lên trong vài phút ở các khu vực phía Nam xung quanh Gaza và ở khu vực Tel Aviv rộng lớn hơn vào rạng sáng 7/10.

Diễn biến mới nhất này có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc giao tranh mới giữa Israel và Hamas sau 4 cuộc xung đột 2008-2009, 2012, 2014 và 2021. Israel áp đặt các biện pháp phong tỏa dải Gaza sau khi phong trào Hồi giáo Hamas giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này hồi năm 2007. Các biện pháp phong tỏa đã được thắt chặt sau cuộc xung đột hồi tháng 5/2021./.

PV (t/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN