Thế giới tuần qua: Nguy cơ xung đột lan rộng ở Trung Đông
(ĐCSVN) – Tình hình tại Trung Đông vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, tình hình dịch COVID-19, hàng trăm máy bay bị đình chỉ hoạt động liên quan đến sự cố máy bay Boeing 737 MAX 9,… là một số sự kiện đáng chú ý của thế giới tuần qua (8-14/1).
Gia tăng căng thẳng liên quan đến tình hình an ninh trên Biển Đỏ
Kể từ khi Israel mở chiến dịch quân sự ở Dải Gaza để trả đũa các vụ tấn công của phong trào Hồi giáo Hamas vào lãnh thổ Israel, lực lượng Houthi ở Yemen đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào tàu thuyền đi qua tuyến hàng hải quốc tế ở Biển Đỏ nhằm thể hiện đoàn kết với người Palestine.
Lực lượng Houthi trên biển Đỏ. (Ảnh: AFP) |
Những cuộc tấn công của các tay súng Houthi ở ngoài khơi bờ biển Yemen làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động thương mại hàng hải quốc tế đi qua Biển Đỏ và dấy lên nguy cơ xung đột ở Dải Gaza lan rộng ra toàn khu vực.
Trong tuần qua, Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công quân sự nhằm vào nhiều mục tiêu Houthi trên khắp đất nước Yemen. Đây là những phản ứng đầu tiên của quân đội Mỹ nhằm đáp trả chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào các tàu thương mại trên Biển Đỏ, kể từ khi xung đột nổ ra ở Gaza.
Các vụ tấn công của Houthi nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ đã khiến nhiều hãng vận tải lớn quyết định để các tàu của hãng tạm dừng di chuyển qua Biển Đỏ và thay đổi lộ trình di chuyển theo tuyến đường dài hơn qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi. Houthi tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi Israel dừng xung đột ở Dải Gaza, đồng thời cảnh báo sẽ tấn công các tàu chiến Mỹ nếu Houthi trở thành mục tiêu tấn công.
Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào tàu thương mại di chuyển qua Biển Đỏ cũng đã làm tăng đáng kể rủi ro cho các công ty vận tải biển cũng như làm gia tăng mối lo ngại về an ninh.
Biển Đỏ là một trong những tuyến đường thương mại lớn nhất trên thế giới. Các chuyên gia phân tích cho biết, chi phí vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ đã tăng mạnh kể từ khi lực lượng Houthi ở Yemen bắt đầu tấn công các tàu thương mại ở vùng biển này vào cuối tháng 11/2023 và sự gián đoạn kéo dài trong hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ có thể đẩy lạm phát lên cao trên toàn cầu.
Ngày 10/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lên án, đồng thời yêu cầu lực lượng Houthi ở Yemen chấm dứt ngay lập tức các vụ tấn công nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ.
Khủng hoảng nhân đạo gia tăng ở Gaza
Dải Gaza tiếp tục hứng chịu các cuộc ném bom dữ dội, dẫn đến thương vong đáng kể và phá hủy các cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng. Tình hình đã dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lực y tế. Các bệnh viện chỉ đáp ứng được 1/5 trong số 5.000 giường cần thiết để phục vụ cho nhu cầu cấp cứu ở Gaza.
Bên cạnh đó, hơn 3/4 trong tổng số 77 trung tâm y tế ban đầu không còn hoạt động, khiến nhiều nơi không có các dịch vụ y tế cơ bản.
Người dân bị thương điều trị tại Bệnh viện Al-Shifa ở thành phố Gaza. (Ảnh: WHO) |
Cuộc khủng hoảng ở Gaza cũng đang tác động đến những người mắc bệnh mãn tính và sức khỏe tâm thần. Theo số liệu thống kê từ người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, hiện có khoảng 350.000 người mắc bệnh mãn tính và khoảng 485.000 người bị rối loạn sức khỏe tâm thần đang bị gián đoạn điều trị ở Gaza.
Cuộc xung đột tiếp diễn 3 tháng qua giữa Israel và phong trào Hamas đã khiến khoảng 1,9 triệu người Gaza phải rời bỏ nhà cửa. Nhiều người phải đối mặt với nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm do điều kiện sống kém, tình trạng quá tải ở các nơi tạm trú và bị hạn chế khả năng tiếp cận với nước, các cơ sở vệ sinh.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ nỗi “kinh hoàng” trước các báo cáo từ Hiệp hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Palestine về một cuộc tấn công của Israel nhằm vào một trong những xe cứu thương của họ đã giết chết 4 nhân viên y tế và 2 bệnh nhân. Qua đó, người đứng đầu WHO kêu gọi chấm dứt bạo lực cũng như các cuộc tấn công vào nhân viên y tế và dân thường ở Gaza.
Mỗi tháng thế giới vẫn ghi nhận 10.000 ca tử vong do COVID-19
Rủi ro sức khỏe cộng đồng do COVID-19 vẫn ở mức cao trên toàn cầu do virus cùng các biến thể gây bệnh vẫn lưu hành ở tất cả các quốc gia. Trên đây là cảnh báo của bà Maria van Kerkhove, Giám đốc tạm quyền của WHO phụ trách công tác chuẩn bị và phòng ngừa dịch bệnh và đại dịch.
Người dân tiêm chủng phòng ngừa dịch COVID-19. (Ảnh: Bangkok Post) |
Phát biểu ngày 12/1 trong một cuộc họp báo đặc biệt ở Geneva (Thụy Sĩ), chuyên gia cấp cao của WHO này cho biết theo ước tính dựa trên phân tích nước thải, số ca mắc COVID-19 thực tế hiện nay cao hơn từ 2 đến 19 lần so với số trường hợp được báo cáo. Bà cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng hậu COVID (còn gọi là "long- COVID") ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể con người. Mặc dù số ca tử vong liên quan đến COVID-19 đã giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh điểm, nhưng hiện mỗi tháng vẫn có khoảng 10.000 ca tử vong do căn bệnh này tại 50 quốc gia trên thế giới. Bà bày tỏ lo ngại về sự tiến hóa của virus, với biến thể JN.1 của COVID-19 chiếm khoảng 57% số mẫu phân tích của WHO.
Theo Giám đốc Van Kerkhove, được xác định theo các tiêu chí cụ thể, gồm các triệu chứng như mệt mỏi nghiêm trọng, suy phổi, các vấn đề về thần kinh và suy tim kéo dài từ 4 đến 12 tháng hoặc lâu hơn sau giai đoạn cấp tính của bệnh, tình trạng hậu COVID là một vấn đề đáng lo ngại. Các ước tính cho thấy rằng cứ 10 ca nhiễm COVID-19 thì có 1 ca có thể dẫn đến tình trạng hậu COVID , bao gồm cả những ca nặng. Bà cho biết hiện chưa có phương pháp điều trị chứng hậu COVID vì đây là vấn đề quá mới.
Chuyên gia y tế cấp cao WHO cũng cảnh báo về sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm cúm ở Bắc bán cầu, với tỷ lệ dương tính với cúm ở mức khoảng 20-21% vào tuần thứ 51 của năm 2023. Bà nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêm chủng đồng thời cả cúm và COVID-19 để giảm thiểu gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Bà kêu gọi tiêm chủng nhắc lại nhiều hơn do tỷ lệ này ở mức thấp trên toàn cầu.
Tính đến cuối tháng 12/2023, các số liệu của WHO ghi nhận hơn 7 triệu người đã tử vong COVID-19.
Nhiều hãng hàng không đình chỉ hoạt động của máy bay Boeing 737 MAX 9
Ngày 11/1, Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) thông báo đang điều tra kiểm soát chất lượng của Boeing sau sự cố một chiếc Boeing 737 MAX 9 bung cửa khi đang bay.
Phần cửa trên của máy bay Boeing 737 MAX 9 mang số hiệu 1282 của Hãng Alaska Airlines bị bung trong quá trình bay, tại Portland, Oregon ngày 7/1/2024. (Ảnh: AFP) |
Cửa thoát hiểm chiếc 737 MAX 9 mang số hiệu 1282 của hãng Alaska Airlines bung ra ở trên không, để lại một lỗ hổng bên hông máy bay khi máy bay đang ở độ cao gần 5 km ngay sau khi cất cánh từ Portland, Oregon, Mỹ, chở theo 177 người. Sau sự cố này, Alaska Airlines đã hủy tất cả các chuyến bay Boeing 737 MAX 9 cho đến ngày 13/1.
FAA cũng yêu cầu dừng bay đối với một số máy bay Boeing 737 MAX 9, đồng thời cho biết sẽ kiểm tra các quy trình của Boeing để đảm bảo máy bay của hãng an toàn khi bay.
Trước đó, hãng hàng không United Airlines, Alaska Airlines,… cũng đã quyết định đình chỉ hoạt động tất cả máy bay loại này của hãng. Cùng với Alaska Airlines, hãng hàng không United Airlines sở hữu đội bay MAX 9 lớn nhất thế giới. Cho đến nay, Boeing đã chuyển giao 218 máy bay 737 MAX 9 cho các hãng hàng không trên toàn thế giới.
Pháp có tân Thủ tướng trẻ nhất lịch sử
Ngày 9/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm Bộ trưởng Giáo dục nước này, ông Gabriel Attal, làm tân Thủ tướng. Theo đó, ông Attal, 34 tuổi trở thành Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp từ trước đến nay.
Ông Gabriel Attal vượt qua kỷ lục trước đây của ông Laurent Fabius, người được Tổng thống Francois Mitterrand bổ nhiệm làm lãnh đạo chính phủ ở tuổi 37 vào năm 1984.
Tân Thủ tướng Pháp Gabriel Attal. (Ảnh: AFP) |
Việc bổ nhiệm ông Attal diễn ra sau khi Tổng thống Emmanuel Macron chấp thuận đơn từ chức của Thủ tướng Elisabeth Borne, 62 tuổi, cùng nội các của bà sau 20 tháng tại nhiệm.
Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, bà Elisabeth Borne, đã từ chức trong bối cảnh Tổng thống Emmanuel Macron đang tìm cách tạo động lực mới cho nhiệm kỳ thứ 2 của ông trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) và Thế vận hội Paris vào mùa Hè tới.
Ông Attal, sinh năm 1989, gia nhập đảng Phục Hưng của Tổng thống Macron năm 2016 và nhanh chóng thăng tiến. Ông là phát ngôn viên Chính phủ Pháp trong giai đoạn đại dịch COVID-19, Quốc vụ khanh Bộ Tài chính và được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia và Thanh niên kể từ tháng 7/2023. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã nỗ lực nâng cao nhận thức về tình trạng bắt nạt ở trường học.
Ông Attal hứa hẹn mang đến một phong cách lãnh đạo hoàn toàn khác so với người tiền nhiệm Borne. Nếu bà Borne được đánh giá cao về sự nghiêm khắc và thẳng thắn, ông Attal lại là nhân vật được yêu thích nhất trong Chính phủ sau thời gian đảm nhiệm Bộ trưởng Giáo dục, một vị trí có tầm quan trọng chính trị.
Chuyên gia về Hiến pháp Pháp, ông Benjamin Morel cho rằng, việc bổ nhiệm ông Attal vào chức Thủ tướng là một chiến lược của Tổng thống Macron nhằm vào cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới đây./.