Thế giới tuần qua: Dịch bệnh, thiên tai, bạo lực... càng làm tình hình thêm bất ổn
(ĐCSVN) - Đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ vẫn tiếp tục lây lan mạnh tại nhiều quốc gia châu Phi, trong khi Sudan tiếp tục chìm trong vòng xoáy bạo lực; thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại tại Tây Ban Nha đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người… là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua (28/10 - 3/11).
CDC châu Phi cảnh báo dịch bệnh đậu mùa khỉ vẫn chưa kiểm soát
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ tại bệnh viện ở tỉnh Bắc Kivu, CHDC Congo ngày 19/8/2024. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Ngày 31/10, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cảnh báo đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ vẫn chưa được kiểm soát, đồng thời kêu gọi các nguồn lực để tránh một đại dịch "nghiêm trọng hơn" COVID-19 xảy ra.
Thống kê của CDC châu Phi cho thấy kể từ tháng 1 đến nay, châu lục này ghi nhận khoảng 48.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó có hơn 1.100 người tử vong. Đáng chú ý, số ca mắc hiện vẫn tăng ở một số nước trong bối cảnh châu Phi vẫn đang vật lộn để ngăn chặn đợt bùng phát dịch bệnh lớn khác xảy ra sau COVID-19.
Phát biểu với báo giới, Chánh Văn phòng CDC châu Phi Ngashi Ngongo khẳng định: “Tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát”. Trên thực tế, số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã tăng hơn 500% kể từ năm ngoái. Do đó, cần huy động chính trị và tài chính liên tục. Theo ông, đây là biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ trở thành đại dịch nghiêm trọng hơn COVID-19.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết tổng cộng đã có 15 quốc gia ở khu vực châu Phi bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ trong năm 2024. Tổ chức này cũng cảnh báo thêm rằng việc chẩn đoán chậm trễ, khó khăn trong tiếp cận điều trị và sự xuất hiện của nhiều chủng virus khác nhau đang làm tình hình trở nên phức tạp hơn.
Số người thiệt mạng do lũ lụt tại Tây Ban Nha tăng lên gần 160 người
Xe cộ dồn đống trên đường do lũ lụt tại Valencia, Tây Ban Nha (Ảnh: AP) |
Giới chức Tây Ban Nha cho biết, ngày 31/10, số người thiệt mạng do lũ quét ở miền Đông nước này đã tăng lên 158 người. Lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm hàng chục người mất tích trong thảm họa tồi tệ nhất liên quan đến bão tại châu Âu trong hơn 5 thập kỷ qua.
Lũ lụt đã tàn phá cơ sở hạ tầng thành phố Valencia, cuốn trôi cầu, đường và đường ray xe lửa, đồng thời nhấn chìm đất nông nghiệp ở một khu vực trồng các loại cây có múi chính tại Tây Ban Nha.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Oscar Puente cho biết, khoảng 80 km đường ở khu vực phía Đông đã bị hư hỏng nghiêm trọng hoặc không thể đi qua. Nhiều tuyến đường bị chặn bởi những chiếc ô tô bị bỏ lại. Theo quan chức này, sẽ mất 2 - 3 tuần để thể thiết lập lại kết nối tàu cao tốc giữa Valencia và thủ đô Madrid.
Tại thị trấn nông thôn Utiel chịu ảnh hưởng nặng nề, cách đất liền khoảng 85 km, sông Magro đã vỡ bờ, khiến nước tràn vào các ngôi nhà chủ yếu là một tầng, với mực nước lên tới 3m. Thị trưởng Utiel, Ricardo Gabaldon xác nhận, ít nhất 6 người đã thiệt mạng tại đây, hầu hết là người già hoặc người khuyết tật do không thể trèo lên nơi an toàn.
Ngày 28/10 vừa qua, lượng mưa tương đương của một năm đã trút xuống một số khu vực của Valencia. Đây bị xem là thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất của Tây Ban Nha trong lịch sử hiện đại. Các nhà khí tượng học nhận định, biến đổi khí hậu do con người gây ra đang khiến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như vậy xảy ra thường xuyên hơn và có sức tàn phá lớn hơn.
Thêm nhiều nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công đẫm máu ở Sudan
Một trung tâm y tế ở bang Bắc Darfur, Sudan bị phá hủy sau cuộc tấn công của Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) ngày 3/8/2024. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Ngày 28/10, Bộ trưởng Y tế Sudan, Haitham Mohamed Ibrahim cho biết, hơn 120 người đã thiệt mạng ở bang Al-Jazira (miền Trung Sudan) trong cuộc tấn công mới đây của Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) đối địch.
Ông Haitham Mohamed Ibrahim cho biết, RSF đã thực hiện vụ thảm sát nhằm vào người dân của làng al-Sariha ở bang Al-Jazira, khiến 124 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương sau khi bao vây ngôi làng này từ ngày 25/10. Ông cho biết, Bộ Y tế Sudan đang nỗ lực cung cấp thuốc men và chữa trị khẩn cấp cho những người bị thương hoặc bị bệnh ở các khu vực bị bao vây này.
Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell bày tỏ lo lắng trước tình trạng bạo lực gia tăng đối với trẻ em và gia đình ở bang Al-Jazira. Theo UNICEF, trong tuần qua, ít nhất 124 người đã thiệt mạng ở Al-Jazira, trong đó có 10 trẻ em và ít nhất 43 em khác đã bị thương.
Sudan, một trong những nước nghèo nhất thế giới, đã trở thành chiến trường kể từ tháng 4/2023 trong cuộc xung đột giữa lực lượng bán quân sự RSF, do Tướng Mohamed Hamdane Daglo chỉ huy, với quân đội do Tướng Abdel Fattah al-Burhane lãnh đạo. Cuộc xung đột đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.
Lực lượng bán quân sự gần đây đã tăng cường bạo lực chống lại dân thường ở bang nông nghiệp Al-Jazira, phía Nam thủ đô Khartoum, sau khi chỉ huy của họ ở khu vực này quay sang gia nhập quân đội.
Ngày 25/10, Liên đoàn bác sĩ Sudan đã kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) gây sức ép để đảm bảo hành lang nhân đạo an toàn đến các ngôi làng. Tổ chức này cho biết thêm rằng, các hoạt động cứu hộ đã trở nên bất khả thi và quân đội không có khả năng bảo vệ dân thường. Theo các nguồn tin y tế tại một số ngôi làng, gần như tất cả các cơ sở y tế có khả năng tiếp nhận các trường hợp khẩn cấp đã buộc phải đóng cửa.
FAO cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính trầm trọng tại 22 quốc gia
Người dân Sudan chờ nhận thực phẩm tại một trại tị nạn của Quỹ Nhi đồng LHQ ở Wau, miền Nam Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Trong một báo cáo chung được công bố ngày 31/10, hai cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) là Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cùng Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo rằng, tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính sẽ trở nên trầm trọng hơn ở 22 quốc gia do nhiều nhân tố đang leo thang.
Báo cáo đánh giá 16 điểm nóng về nạn đói trên thế giới, phân tích viễn cảnh của những khu vực này trong giai đoạn từ tháng 11/2024 đến tháng 3/2025, theo đó các nước như Sudan, Palestine, Nam Sudan, Haiti và Mali bị coi là "có mức độ quan ngại cao nhất" và cần "được chú ý cấp bách nhất", trong khi các quốc gia gồm CH Chad, Liban, Myanmar, Mozambique, Nigeria, Syria và Yemen bị coi là "có mức độ quan ngại rất cao". 10 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại trong danh sách trên bị coi là điểm nóng về đói, gồm Kenya, Lesotho, Namibia, Niger, Burkina Faso, Ethiopia và Zimbabwe.
Tình trạng đáng báo động này bị thúc đẩy bởi ít nhất 3 yếu tố là xung đột, khí hậu và sự bất ổn cũng như những chênh lệch về kinh tế. Cho dù có tách riêng hay kết hợp lại thì những yếu tố này đều đang có nguy cơ "làm sâu sắc thêm những điều kiện vốn đe doạ tính mạng con người".
Theo báo cáo, xung đột và bạo lực vũ trang tiếp tục là nguyên nhân chính dẫn đến nạn đói ở nhiều điểm nóng, làm gián đoạn các hệ thống cung ứng lương thực, khiến cho người dân phải di dời và gây trở ngại cho việc tiếp cận hỗ trợ nhân đạo.
Liên quan đến tình hình khí hậu, FAO và WFP cảnh báo, La Nina có thể làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và đe dọa những hệ thống cung ứng thực phẩm không ổn định, làm trầm trọng thêm khủng hoảng lương thực ở những khu vực dễ bị tổn thương cho đến đầu mùa Xuân tới.
Báo cáo của FAO và WFP nhấn mạnh việc hành động sớm và có mục tiêu đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn khủng hoảng gia tăng.
EU đạt tiến bộ lớn trong giảm phát thải khí nhà kính
EU ghi nhận mức giảm khí thải nhà kính lớn nhất trong nhiều thập kỷ. (Ảnh: Reuters) |
Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi lượng khí thải nhà kính giảm 8% trong năm 2023. Đây là mức giảm lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) công bố ngày 31/10, lượng khí thải nhà kính năm 2023 đã thấp hơn 37% so với những năm 90 của thế kỷ trước. Tiến bộ này đạt được chủ yếu nhờ vào việc giảm đáng kể sử dụng than đá, nguồn năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm hàng đầu, và sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt Trời và gió.
Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong năng lượng tiệu thụ của châu Âu đã tăng từ 10,2% trong năm 2005, lên 24% trong năm 2023. Bên cạnh đó, việc người dân và doanh nghiệp châu Âu tiết kiệm năng lượng cũng đóng góp phần không nhỏ vào thành công này.
Tuy nhiên, mặc dù đạt được những kết quả khả quan, EU vẫn còn chặng đường dài phía trước để đạt được mục tiêu giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức năm 1990. Theo các dự báo hiện tại, EU chỉ có thể giảm được khoảng 43% lượng khí thải nếu chỉ dựa vào các biện pháp đã được thực hiện. Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết có những biện pháp bổ sung để EU đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giảm phát khí thải trong những năm tới, qua đó có thể đạt được mục tiêu đề ra./.