Thế giới tuần qua: Cùng sẻ chia, cùng vượt qua hoạn nạn
(ĐCSVN) - Tuần qua (11-17/9), cộng đồng thế giới cùng hướng sự sẻ chia, hỗ trợ về đất nước Libya và Maroc đang gồng mình gượng dậy sau các thảm họa thiên nhiên tàn khốc.
Cộng đồng thế giới hướng về Libya và Maroc
Ô tô và nhà cửa bị phá hủy trong lũ lụt ở thành phố Derna, phía đông Libya (Ảnh: AFP) |
* Ngày 14/9, Liên hợp quốc đã kêu gọi các nhà tài trợ cung cấp khoản viện trợ trị giá 71,4 triệu USD để giúp Libya khắc phục hậu quả mà thảm họa lũ lụt do bão Daniel gây ra tại quốc gia Bắc Phi này từ hôm 10/9.
Theo Liên hợp quốc, số người chịu ảnh hưởng của thảm họa lũ lụt hiện đã lên tới khoảng 884.000 và số tiền hỗ trợ trên có thể giúp cung cấp nhu yếu phẩm hằng ngày và nơi trú ẩn tạm thời trong vòng 3 tháng tới cho khoảng 250.000 người bị ảnh hưởng.
Bản phân tích dựa trên hình ảnh vệ tinh ước tính khoảng 2.200 tòa nhà và ngôi nhà ở thành phố Derna đã bị sụp đổ hoặc hư hại do lũ.
Cùng ngày, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này sẽ cung cấp khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 2 triệu USD cho các nạn nhân của thảm họa ở Libya.
Ngày 13/9, giới chức Libya cho biết đội tìm kiếm và cứu nạn đã tìm thấy thêm hơn 1.500 thi thể trong đống đổ nát ở thành phố Derna miền Đông nước này. Như vậy số người thiệt mạng sau đợt lũ lụt do bão Daniel tại thành phố Derna hôm 10/9 tính cho đến thời điểm hiện tại đã tăng lên ít nhất 5.300 người.
* Trong tuần qua, nhiều tổ chức quốc tế và lãnh đạo các nước trên cam kết sẽ huy động mọi phương diện từ kỹ thuật, tài chính và những sự hỗ trợ liên quan để giúp Maroc khắc phục hậu quả của thảm họa động đất khiến hàng nghìn người thương vong.
Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã giải ngân hơn 1 triệu USD từ quỹ thảm họa khẩn cấp để hỗ trợ hoạt động của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Maroc.Tây Ban Nha cử 86 lính cứu hộ và 8 chó nghiệp vụ tới Maroc sau khi nhận được yêu cầu giúp đỡ từ Rabat, trong khi Qatar đang điều động một đội cứu hộ tới Maroc. Các chính quyền vùng Wallonia và vùng Flanders của Bỉ thông báo sẽ cung cấp lần lượt 500.000 euro và 200.000 euro viện trợ khẩn cấp. Giáo hội Công giáo Italia đã viện trợ 300.000 euro. Hãng dược phẩm AstraZeneca cam kết gửi hơn 1 triệu USD để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ nhân đạo...
Tính đến nay, trận động đất có độ lớn 6,8 xảy ra tối 8/9 làm gần 2.500 người chết, khoảng 2.500 người bị thương, san phẳng tất cả ngôi làng trên các ngọn đồi của dãy núi Atlas. Riêng tỉnh Al-Haouz, tâm chấn của trận động đất, cách trung tâm du lịch Marrakesh 72 km về phía tây nam, ghi nhận ít nhất 1.351 người thiệt mạng trong thảm họa kinh hoàng này. Ngày 9/9, Cung điện Hoàng gia Maroc tuyên bố nước này để quốc tang ba ngày sau thảm họa thiên tai nghiêm trọng nhất ở quốc gia Bắc Phi này trong nhiều thập kỷ.
Cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều Tiên
Tổng thống Nga V.Putin (phải) hội đàm với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại sân bay vũ trụ Vostochny, tỉnh Amur thuộc vùng Viễn Đông Nga, ngày 13/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Kết thúc cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ngày 13/9, mặc dù không có tuyên bố chung được đưa ra nhưng các bên đều đánh giá tích cực về quan hệ song phương.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên tin tưởng rằng chuyến thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Putin lần này sẽ là động lực cho việc hình thành mối quan hệ hợp tác chiến lược không thể phá vỡ giữa các nước láng giềng.
Ngoài ra, khi đến thăm sân bay vũ trụ Vostochny, ông Kim Jong-un đã viết vào sổ lưu bút dành cho các vị khách danh dự, nhấn mạnh vinh quang của nước Nga với tư cách là đất nước của những người tiên phong trong lĩnh vực không gian sẽ không bao giờ bị lãng quên.
Về phía Nga, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Russia-1, Tổng thống Putin nhận định cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên là hiệu quả và thẳng thắn.
Ông Putin nhấn mạnh hiện giữa hai nước đang có “rất nhiều dự án hấp dẫn,” bao gồm nông nghiệp, cũng như kết nối giao thông và hậu cần.
Về phần mình, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov đánh giá cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga và nhà lãnh đạo Triều Tiên diễn ra rất thực chất, và việc ông Kim Jong-un đến Nga cũng là một sự kiện rất quan trọng xét từ quan hệ song phương.
Theo ông Peskov, Triều Tiên quan tâm đến khả năng hợp tác với Nga trong lĩnh vực hàng không, giao thông và cơ sở hạ tầng.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 14/9 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận lời mời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến thăm Triều Tiên vào thời gian thích hợp. Về phía ông Peskov cho biết các công tác chuẩn bị và sắp xếp thời gian cho chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Putin sẽ được thực hiện thông qua các kênh ngoại giao.
Diễn đàn Kinh tế Phương Đông: Con đường dẫn tới hợp tác, hòa bình và thịnh vượng
Các đại biểu tham dự sự kiện trong khuôn khổ EEF-2023. (Ảnh: nhandan.vn) |
Trong các ngày từ 10-13/9, Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 8 (EEF-2023) đã diễn ra tại thành phố Vladivostok, thủ phủ của vùng Viễn Đông của LB Nga.
Theo Ban tổ chức, có gần 7.000 đại biểu đến từ 50 quốc gia tham gia diễn đàn. Dự kiến có đoàn đại biểu của khoảng 10 quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc và Triều Tiên.
Với chủ đề "Con đường dẫn tới hợp tác, hòa bình và thịnh vượng", Diễn đàn Kinh tế Phương Đông năm nay được xây dựng bởi chương nghị sự quốc tế, bao gồm Gặp gỡ kinh doanh đối thoại với đại diện các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Mông Cổ, các nước ASEAN, Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) và Khối những nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).
Các nội dung chính được thảo luận là vấn đề phát triển hợp tác quốc tế trong môi trường mới, hiện đại hóa kỹ thuật, sự chuyển đổi của chuỗi hậu cần trong bối cảnh việc sử dụng ngày càng tích cực của tuyến đường biển phía Bắc.
Một trong những mục tiêu chính của diễn đàn lần này là nhìn lại kết quả 10 năm phát triển của vùng Viễn Đông, với các chế độ ưu đãi, lĩnh vực năng lượng, đầu tư, mục tiêu kinh doanh và bảo tồn thiên nhiên, cơ sở hạ tầng và các giải pháp mới để phát triển khu vực.
EEF là một trong những công cụ quan trọng và hữu hiệu trong việc tập hợp các nhà lãnh đạo, doanh nhân, chuyên gia kinh tế hàng đầu gặp gỡ trao đổi và đưa ra các quyết định có tầm quan trọng không chỉ đối với vùng Viễn Đông, mà còn với toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần đầu ra tuyên bố chung
Phiên khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. (Ảnh: DUY LINH) |
Sáng 15/9, Hội nghị nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội. Hội nghị lần này có chủ đề "Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua Chuyển đổi số và Đổi mới sáng tạo".
Năm 2013, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) đã thành lập Diễn đàn nghị sĩ trẻ, cơ chế chính thức và thường trực trong IPU nhằm góp phần tăng cường số lượng và chất lượng tham gia của giới trẻ trong các nghị viện và trong IPU. Năm 2014, IPU đã thiết lập hội nghị toàn cầu hàng năm.
Cho đến nay, 8 Hội nghị toàn cầu đã được tổ chức với các chủ đề khác nhau. Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sẽ tập trung thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Hội nghị Nghị sĩ trẻ Toàn cầu lần thứ 9 diễn ra trong các ngày từ 15-17/9, là cơ hội để các nghị sĩ trẻ đến từ các nghị viện thành viên trên thế giới thảo luận về các hành động của nghị viện nhằm phát huy vai trò của giới trẻ trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cũng như thúc đẩy đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.
Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với gần 500 đại biểu, trong đó hơn 300 đại biểu quốc tế tham dự với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Đặc biệt, hội nghị thông qua Tuyên bố Hội nghị về vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Đây là tuyên bố đầu tiên của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu sau 8 kỳ hội nghị./.