Thế giới ghi nhận hơn 277 triệu ca nhiễm COVID-19
(ĐCSVN) – Tính đến sáng ngày 23/12/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 277.419.594 ca nhiễm COVID-19, trong đó 5.392.083 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 827.811 ca nhiễm mới và 6.737 ca tử vong mới vì đại dịch này.
Số ca nhiễm COVID-19 tại Anh hiện vượt mốc 100.000 ca/ngày, thời điểm Giáng sinh và Năm mới đang tới gần. (Ảnh: Reuters) |
Theo trang thống kê thống kê trực tuyến worldometers.info, châu Âu hiện tại ghi nhận 81.975.131 ca mắc COVID-19, trong đó 1.497.936 ca tử vong. Hết ngày 22/12, châu lục này đã có thêm 464.351 ca nhiễm mới và 3.756 ca tử vong vì COVID-19.
Trong 24 giờ qua, Anh là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới vì COVID-19 nhiều nhất châu lục, với 106.122 ca, trong đó 140 ca tử vong. Quốc gia này hiện đang dẫn đầu châu lục về mức độ ảnh hưởng bởi dịch bệnh với 11.647.473 ca nhiễm và 147.573 ca tử vong. Tuy nhiên, hết ngày 22/12, Nga là quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 nhiều nhất tại châu Âu, với 1.020 ca. Quốc gia này cũng ghi nhận có 25.264 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Tính đến nay, quốc gia này có tổng cộng 10.292.983 ca nhiễm COVID-19, trong đó 300.269 ca tử vong. Nga hiện đang xếp vị trí thứ 2 về mức độ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Hiện, Nga đang cân nhắc điều chỉnh chương trình tiêm phòng trong bối cảnh số trẻ em nhiễm biến thể Omicron và phải điều trị trong bệnh viện đã tăng gấp khoảng 2,5 lần và vẫn có những trường hợp tái nhiễm. Trước đó, Bộ Y tế Nga đã phê duyệt lịch tiêm chủng quốc gia, trong đó có lịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 và yêu cầu việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi phải được thực hiện theo yêu cầu bằng văn bản của cha mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật. Hiện hơn 76,5 triệu người Nga đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên và hơn 70,8 triệu người đã tiêm đủ liều.
Trong khi đó, Anh sẽ giảm thời gian tự cách ly từ 10 ngày xuống còn 7 ngày đối với những người ở vùng England có kết quả xét nghiệm âm tính trong 2 ngày liên tiếp. Những người có kết quả xét nghiệm âm tính trong ngày thứ 6 và thứ 7 trong thời gian tự cách ly, với mỗi lần test cách nhau 24 giờ, sẽ không phải cách ly trong 10 ngày. Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) khuyến nghị, những người hết thời hạn tự cách ly sau 7 ngày cần làm việc tại nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác ở nơi đông người hoặc thông gió kém và giảm tối đa việc tiếp xúc với những người dễ tổn thương.
Tại châu Á, châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 83.858.829 ca nhiễm và 1.244.092 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 71.756 ca mắc 1.039 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á có 81.154.930 ca được điều trị khỏi; 1.459.807 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 30.216 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận 34.763.305 ca mắc COVID-19, trong đó 478.468 ca tử vong vì dịch bệnh. Tuy nhiên, trong 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 nhiều nhất châu lục với 19.095 ca. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 9.228.835 ca nhiễm COVID-19 và 80.957 ca tử vong vì dịch bệnh, là quốc gia xếp thứ 2 về mức độ chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại châu lục.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 22/12 thông báo cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên do nước này tự tự bào chế và sản xuất trong nước, mang tên Turkovac. Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Erdogan khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ vaccine này với toàn nhân loại”.
Hồi tháng 6, vaccineTurkovac đã được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III với sự tham gia của 40.800 tình nguyện viên tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện số liệu chính thức về kết quả thử nghiệm chưa được công bố. Tuy nhiên, ông Ates Kara, thành viên Ủy ban cố vấn dịch COVID-19 của Bộ Y tế khẳng định rằng Turkovac “rất thành công”.
Tại Bắc Mỹ, khu vực này ghi nhận có 62.394.338 ca nhiễm COVID-19, trong đó 1.229.052 ca tử vong vì dịch bệnh. Các nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch tại khu vực bao gồm: Mỹ, Mexico, Canada, Cuba, Guatemala, Costa Rica, Panama…
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh tại châu lục trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 52.464.346 ca nhiễm COVID-19, trong đó 832.544 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất khu vực gồm: Mỹ (202.277 ca); Canada (10.804 ca); Mexico (2.980 ca)…
Ngày 22/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden tìm cách trấn an người dân về khả năng đối phó của nước này trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron vốn đã trở thành biến thể chủ đạo tại Mỹ. Ông Biden nhấn mạnh chiến dịch tiêm chủng sẽ giúp ngăn ngừa các ca bệnh nặng trong số 62% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Ông cũng kêu gọi người dân nên tiêm nhắc lại để gia tăng mức độ bảo vệ chống lại biến thể Omicron với nhiều đột biến. Hiện vẫn còn khoảng 40 triệu người Mỹ đủ điều kiện tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhưng chưa tiêm. Cố vấn Y tế Nhà Trắng, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci đã cảnh báo về mùa Đông nguy hiểm đối với những người chưa tiêm chủng.
Tại Nam Mỹ, khu vực này hiện đã có 39.370.524 ca, trong đó 1.189.589 ca tử vong vì đại dịch. Các quốc gia Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Chile… lần lượt đứng đầu khu vực vì mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID19. Brazil hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bới dịch bệnh tại khu vực và thứ 3 thế giới. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận có 22.222.928 ca nhiễm, trong đó 618.091 ca tử vong vì COVID-19. Xếp sau Brazil về mức độ ảnh hưởng bởi dịch bệnh gồm Argentina, Colombia, Peru, Chile…
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này ghi nhận 9.393.598 ca nhiễm, trong đó 226.978 ca tử vong vì dịch bệnh. Nam Phi tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại châu lục. Nước này ghi nhận có 3.353.106 ca nhiễm COVID-19, trong đó 90.587 ca tử vong vì dịch bệnh. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm, Morocco, Tunisia, Libya, Ethiopia, Ai Cập...
Châu Đại dương ghi nhận có 426.453 ca nhiễm COVID-19, trong đó 4.421ca tử vong vì dịch bệnh. Australia, Fiji và French Polynesia vẫn đang dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong 24 giờ qua, khu vực có 5 quốc gia ghi nhận có ca nhiễm mới COVID-19, bao gồm Australia (5.498 ca); Fiji (48 ca); Papua New Guinea (34 ca); New Zealand (58 ca) và New Caledonia (31 ca).
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, Hiệp hội ASEAN có thêm 23.571 ca mắc COVID-19 và 409 ca tử vong vì dịch bệnh. Tính đến nay, khu vực có tổng cộng 14.672.738 ca nhiễm, trong đó 301.393 ca tử vong.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 5 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.
Ngày 22/12, Chính phủ Thái Lan đã dành 35,06 tỉ baht (khoảng 1 tỉ USD) để tài trợ cho việc mua 90 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer và AstraZeneca. Thái Lan đã vượt mốc tiêm 100 triệu mũi vaccine ngừa COVID-19, mục tiêu được Chính phủ nước này đặt ra cho chiến dịch tiêm chủng năm 2021.
Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á ngày 22/12 thông báo ghi nhận thêm 2.532 ca mắc mới cùng 31 ca tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 2.199.061 ca, trong đó có 21.471 người không qua khỏi. Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul, Thái Lan đã phát hiện hơn 60 ca nhiễm biến thể Omicron, trong khi 97 ca khác đang chờ xác nhận./.