Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thế giới đang chứng kiến các đại dương đổi màu vì biến đổi khí hậu

Thứ Sáu, 08/09/2023 10:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Các nhà khoa học đã phát hiện ra sự thay đổi màu sắc tại hơn một nửa số đại dương trên thế giới. Vùng đại dương đổi màu này lớn hơn tổng diện tích đất liền của Trái đất.

Đây là kết quả từ sự tác động của hoạt động biến đổi khí hậu đối với sự sống trong môi trường đại dương. Hơn 56% các đại dương của thế giới đang đổi màu sắc theo một mức độ không thể giải thích được bằng tự nhiên, và nguyên nhân nhiều khả năng là do biến đổi khí hậu. Đó là kết luận của đội ngũ nghiên cứu dẫn đầu nhóm chuyên gia của Trung tâm Hải dương học Quốc gia (Anh) và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ). Màu sắc của đại dương xuất phát từ những vật liệu được tìm thấy ở những tầng trên của biển cả. Chẳng hạn, biển màu xanh dương đậm ít mang theo sự sống, trong khi biển màu xanh lá chỉ sự hiện diện của các hệ sinh thái, dựa vào thực vật phù du, các loại vi khuẩn như thực vật chứa chlorophyll. Thực vật phù du hình thành nên nền tảng của mạng lưới thức ăn cho các sinh vật lớn hơn, như loài tôm he, cá, chim biển và động vật biển có vú.



 Ảnh chụp vùng biển ngoài khơi cho thấy hình ảnh nước bị đổi màu

Stephanie Dutkiewicz, nhà khoa học ở Khoa Trái Đất, khí quyển và hành tinh của MIT và Trung tâm khoa học biến đổi toàn cầu và cộng sự chưa biết chính xác các hệ sinh thái này thay đổi như thế nào. Dù một số khu vực nhiều khả năng có ít sinh vật phù du hơn và ngược lại, mọi đại dương sẽ đều trải qua thay đổi về loại sinh vật phù du.

Các nhà nghiên cứu theo dõi thay đổi ở màu sắc đại dương từ vũ trụ bằng cách quan sát lượng ánh sáng xanh lá cây hoặc xanh dương phản chiếu từ mặt biển. Họ sử dụng dữ liệu từ vệ tinh Aqua chuyên theo dõi những thay đổi của màu sắc đại dương trong hơn hai thập kỷ qua và phát hiện khác biệt không thể nhìn rõ bằng mắt thường. Họ phân tích dữ liệu chênh lệch màu sắc, sau đó sử dụng mô hình biến đổi khí hậu để mô phỏng điều gì sẽ xảy ra với đại dương cả trong điều kiện ô nhiễm và khi không có ô nhiễm. Thay đổi màu sắc gần như trùng khớp với dự đoán của Dutkiewicz về những gì sẽ xảy ra nếu thải khí nhà kính vào khí quyển, đó là khoảng 50% đại dương sẽ đổi màu. “Lý do chúng tôi quan tâm đến sự thay đổi màu sắc của đại dương là vì chúng thể hiện chất lượng hệ sinh thái. Vì vậy, khi màu sắc đại dương thay đổi, hệ sinh thái cũng thay đổi theo,” tác giả chính BB Cael của Trung tâm quốc gia về Hải dương học chia sẻ với hãng tin AFP.

Các nhà nghiên cứu đang rất muốn phát triển các cách thức theo dõi những sự thay đổi trong hệ sinh thái để quan sát tình trạng biến đổi khí hậu, từ đó nhận biết các khu vực cần được bảo tồn đặc biệt.

              Rác biển là một vấn nạn

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ phóng vệ tinh hiện đại vào tháng 1.2024 với tên gọi Pace. Một trong các nhiệm vụ của vệ tinh Pace là đo đạc hàng trăm màu sắc của đại dương trên toàn thế giới, trong nỗ lực tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra cho các đại dương của chúng ta.

Mặc dù các nhà nghiên cứu cho biết rằng sẽ mất nhiều công sức hơn để tìm ra ý nghĩa chính xác của những thay đổi trong màu sắc trên đại dương, họ vẫn đưa ra kết luận rằng biến đổi khí hậu rất có thể là nguyên nhân chủ chốt.


PN (Tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN