Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thế giới có gần 298 triệu ca nhiễm COVID-19

Thứ Năm, 06/01/2022 08:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Tính đến sáng 6/1, thế giới ghi nhận 297.920.668 trường hợp mắc COVID-19, với 5.481.215 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới trên thế giới tiếp tục thiết lập “đỉnh” mới (2330.694 ca). Dịch bệnh “tăng tốc” đang đè nặng áp lực nên hệ thống y tế tại nhiều nước trên thế giới.

Còn về diễn biến dịch bệnh, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 6/1 cho thấy, hiện toàn thế giới có 256.737.499 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 35.701.954 ca bệnh đang điều trị thì có 35.610.145 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,7%) và 91.809 ca (chiếm 0,3%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.

Một người phụ nữ đeo khẩu trang đi ngang qua Phòng trưng bày Nghệ thuật Ontario đã đóng cửa ở Toronto, Ontario, Canada, ngày 5/1/2022. Để đối phó với tình hình dịch bệnh căng thẳng, các nhà chức trách Ontario đã áp đặt các biện pháp mạnh tay, bao gồm đóng cửa các phòng tập thể dục, nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, phòng trưng bày và cấm ăn uống tại các nhà hàng, ít nhất trong vòng 21 ngày, tính từ ngày 5/1/2022. (Ảnh: Xinhua)

Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 92.138.790 trường hợp, trong đó có 1.541.349 ca tử vong và 76.436.750 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm và tử vong mới vì COVID-19 tại châu Âu cao nhất thế giới, lần lượt là 1.234.113 và 3.713 trường hợp. Cùng với sự lây lan đáng lo ngại của biến thể Omicron, Châu Âu hiện là tâm dịch của thế giới với số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục.

Theo số liệu chính thức do Chính phủ Anh công bố ngày 5/1 cho thấy, cứ 20 người Anh thì có hơn 1 người mắc COVID-19. Đây là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận kể từ khi đại dịch bùng phát tại "xứ sở sương mù".

Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 6/1, hiện 58,6% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 9,28 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 27,89 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng là không đồng đều, khi số người được chủng ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp hiện mới chỉ đạt 8,5%.

Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) ước tính có khoảng 3,7 triệu người Anh mắc COVID-19 trong tuần cuối cùng của năm 2021, so với 2,3 triệu người vào tuần trước, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đang lan nhanh trên toàn quốc. Tỷ lệ các ca mắc mới tiếp tục tăng ở tất cả các nhóm tuổi trong tuần kết thúc vào ngày 31/12/2021, trong đó tỷ lệ cao nhất được ghi nhận ở trẻ em trong độ tuổi đi học và thanh niên. Thủ đô London ghi nhận tỷ lệ mắc cao nhất, với tỷ lệ 1/10 người. Tại vùng England, ước tính cứ 15 người trong cộng đồng thì có một người mắc COVID-19. Tại Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland, nơi áp dụng trở lại một số hạn chế phòng dịch trong những tuần gần đây, tỷ lệ thấp hơn một chút, ở mức 1/20-1/25 người.

Còn tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 6/1 lên tới 69.197.278 trường hợp, trong đó có 1.252.333 ca tử vong.

Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 56.610.565 ca nhiễm và 853.283 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, Mỹ cũng là nước có số ca nhiễm COVID-19 mới cao nhất thế giới, với 510.040 ca.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky, số ca mắc COVID-19 ở Mỹ trung bình trong 7 ngày qua tăng 98% so với tuần trước. Bên cạnh đó, số ca nhập viện trung bình tăng 63% và số ca tử vong trung bình cũng tăng 5%. 

Trong khi đó, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia kiêm Cố vấn y tế cao cấp của Chính phủ Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci lưu ý Mỹ không thể chủ quan về biến thể Omicron mặc dù có dấu hiệu mức độ nghiêm trọng của chủng virus này thấp hơn so với biến thể Delta. Biến thể Omicron vẫn có thể gây căng thẳng cho hệ thống các bệnh viện của Mỹ vì một tỷ lệ nhất định các ca bệnh sẽ trở nặng.

Còn tại châu Á, song song với việc triển khai một chiến dịch tiêm chủng mở rộng, nhiều nước tiến tới việc mở cửa và sống chung an toàn với dịch bệnh một cách thận trọng . Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn đang hiện hữu cùng với sự xuất hiện của các ca nhiễm biến thể Omicron đã được ghi nhận tại nhiều nước trong khu vực.

Do lo ngại dịch COVID-19 lây lan, nhà chức trách Philippines đã hủy lễ rước tượng Black Nazerene truyền thống ở thủ đô Manila, địa phương đang là tâm dịch ở nước này với phần lớn số ca mắc mới ghi nhận tại đây.  Black Nazerene là một trong những lễ hội tôn giáo lớn nhất ở Philippines, dự kiến diễn ra ngày 7/1. Đây là năm thứ hai liên tiếp sự kiện này bị hủy bỏ do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực này là 85.499.746 trường hợp, với 1.259.431 ca tử vong và 82.311.864 ca điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận 240.798 ca nhiễm mới.

Tính đến sáng 6/1, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 10.019.666 trường hợp, trong đó có 230.223 ca tử vong và 8.854.861 ca bình phục. Trong tổng số 934.582 ca đang điều trị thì có 2.246 ca trong tình trạng nguy kịch.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.494.696 ca nhiễm COVID-19 và 91.561 ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 65.202 ca nhiễm COVID-19. Hiện khu vực này có tổng số 778.570 trường hợp ca mắc COVID-19, với 4.560 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 612.388 ca, tiếp theo sau là Fiji với 55.649 ca./.

T.Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN