Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về công tác tiếp công dân

Thứ Ba, 13/09/2022 14:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Nhiều văn bản hướng dẫn thi hành về việc thực hiện pháp luật tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã thể chế hóa đúng đường lối, chủ trương chính sách của Đảng; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả cao.

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng 

Đó là nội dung được đề cập tới tại báo cáo giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” tại phiên họp thứ 15 Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 13/9.

Báo cáo của Đoàn Giám sát khẳng định, trên cơ sở các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các Bộ luật tố tụng dân sự, hình sự, hành chính… Chính phủ, các bộ ngành, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các địa phương đã cơ bản ban hành đầy đủ các văn bản quy định hướng dẫn, tổ chức thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.

Các văn bản hướng dẫn thi hành đã thể chế hóa đúng đường lối, chủ trương chính sách của Đảng về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả cao. Các quy định chi tiết đã cụ thể hơn về thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo, đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên, qua giám sát, Đoàn giám sát nhận thấy có một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, khắc phục trong thời gian tới như: Một số nội dung chưa được quy định chi tiết gây khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện, như: quy định về việc giải quyết kiến nghị, phản ánh của công dân; quy định về xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực hành chính có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có sai phạm; quy định về tiếp công dân của ngành Tòa án nhân dân; quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo.

Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết nội dung Luật giao còn chậm, như: việc ban hành Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo và giải quyết tố cáo chưa kịp thời, đồng bộ với thời điểm có hiệu lực của Luật Tố cáo năm 2018 nên dẫn đến một số quy định đã được sửa đổi, bổ sung chậm được hướng dẫn thực hiện; việc ban hành văn bản Quy chế tiếp công dân, Quy trình tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân ở môt số bộ ngành và địa phương.

Bên cạnh đó, một số nội dung quy định chi tiết chưa thống nhất với pháp luật có liên quan dẫn đến khó khăn trong tổ chức, thực hiện, như: Quy định về thời hạn giải quyết tố cáo trong Luật tố cáo và thời hạn giải quyết tố cáo trong Luật Thi hành án dân sự; việc quy định thời hiệu khởi kiện quyết định hành chính trong Luật Tố tụng hành chính dẫn đến khó khăn cho việc thi hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật do công dân tiếp tục thực hiện quyền khởi kiện hành chính tại tòa án hoặc nếu có tổ chức thi hành Quyết định thì gây khó khăn cho việc xét xử của cơ quan tòa án.

Một số nội dung quy định chưa bảo đảm tính khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn, như: việc quy định trách nhiệm tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân đối với một số cơ quan được quy định tại Luật tiếp công dân; việc quy định chung người đứng đầu cơ quan nhà nước có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ; việc quy định phân công công chức cấp xã có chức danh Văn phòng - Thống kê giúp Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức tiếp công dân không phù hợp với chức danh đào tạo, quản lý và không phù hợp so với việc giao cho công chức cấp xã có chức danh tư pháp – hộ tịch như quy định trước đó.

Theo Đoàn Giám sát, nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế trên là do công tác tham mưu, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật quy định về trình tự, thủ tục... về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số cơ quan chưa thực sự được quan tâm, thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên việc ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung Luật giao còn chậm, có nội dung chưa được ban hành, chất lượng văn bản còn hạn chế; Việc đánh giá tác động của chính sách trong các văn bản quy định chi tiết khi trình cấp có thẩm quyền ban hành chưa đầy đủ, khách quan, toàn diện; các giải pháp để thực hiện chính sách chưa bám sát yêu cầu thực tiễn; một số nội dung chưa được rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng văn bản quy định chi tiết nội dung Luật giao thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì và các cơ quan, tổ chức có liên quan; việc tham gia góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan còn hình thức, có biểu hiện phó thác trách nhiệm cho cơ quan có trách nhiệm chủ trì, có văn bản cơ quan chủ trì soạn thảo phải xin ý kiến nhiều lần các cơ quan có liên quan nên việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm, không kịp thời, đồng bộ với hiệu lực của văn bản cơ quan cấp trên.

Từ nguyên nhân tồn tại, hạn chế như đã nêu trên, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, nội dung quy định chung chung, thiếu cụ thể, rõ ràng, khó thực hiện, đánh giá tác động chính sách sơ sài, hình thức, không rõ định lượng, chất lượng rà soát văn bản quy phạm pháp luật hạn chế. Đồng thời, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản; phát huy cơ chế phản biện, cơ chế phối hợp và huy động hiệu quả các nguồn lực; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật.

Chỉ đạo bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát lại các quy định về tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, của ngành và địa phương mình, nhất là quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo; quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại để chỉ đạo, hướng dẫn đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các văn bản luật, nghị định của Chính phủ và phù hợp với thực tiễn của cơ quan, ngành và địa phương mình.

Đồng thời, chỉ đạo Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, hướng dẫn, quy định cụ thể hơn việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp; sớm nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh; sớm ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; bổ sung quy định về trường hợp người có thẩm quyền tự mình rà soát, sửa đổi quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có sai sót.../.

Khôi Nguyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN