Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thấy gì từ kết quả đối sách điểm thi tốt nghiệp THPT 2021?

Thứ Tư, 28/07/2021 15:10 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN )- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố báo cáo đối sánh điểm thi (trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021) và điểm học bạ (trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn học) của từng địa phương. Theo đó, về cơ bản điểm thi và điểm học bạ có sự tương đồng và đặc biệt khoảng cách được thu hẹp hơn so với kỳ thi năm 2020.

 Ảnh minh họa. Nguồn: VA

Cụ thể, nhiều môn ở nhiều tỉnh/thành phố có chênh lệch chỉ trên dưới 1 điểm. Điều đó cho thấy việc dạy học và kiểm tra, đánh giá ở các trường phổ thông về cơ bản đáp ứng yêu cầu đánh giá đúng năng lực của học sinh, theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, cách tính điểm thi và điểm học bạ mang tính nhân quả và phụ thuộc lẫn nhau. Điểm trung bình cả năm các môn lớp 12 được tính hệ số 3 trong công thức xác định điểm thi. Đây rõ ràng, khi học sinh có quá trình học tập tích cực, có điểm học bạ tốt sẽ hỗ trợ trực tiếp cho điểm thi và chắc chắn điểm thi cũng cao hơn.

Qua điểm thi và điểm học bạ do Bộ GD&ĐT đưa ra, cũng có những vấn đề đòi hỏi chúng ta cần có cách lý giải hợp lý.

Trước hết môn học Giáo dục công dân (GDCD) là môn học duy nhất có điểm thi cao hơn điểm học bạ (- 0,2 điểm). Hiện tượng này có thể do các nhà trường đã đổi mới cách dạy môn học GDCD. Nội dung thi, không đòi hỏi học sinh học thuộc lòng mà tập trung vào đánh giá khả năng vận dụng vào tìm hiểu nội dung của pháp luật, các chuẩn mực đạo đức, các quan hệ tình bạn, tình thầy trò. Cùng với hình thức thi trắc nghiệm khách quan và với học sinh lớp 12, các em đã trưởng thành, có hiểu biết nhất định về xã hội thì kết điểm thi GDCD cao hơn điểm học bạ là điều dễ thấy.

Môn Lịch sử có điểm đối sánh cao nhất là 2,7 điểm. Đây dường như có sự không đồng bộ giữa quá trình dạy và học và cách  ra đề thi môn Lịch sử. Sự bất cập này tồn tại qua nhiều năm qua. Dạy Lịch sử như thế nào về nội dung cũng như phương pháp? Làm thế nào để học sinh thích học và đạt điểm thi cao môn Lịch sử? Đánh giá Sử học theo phương pháp nào? là những vấn đề đặt ra, nó thách thức cho quá trình đổi mới viết sách giáo khoa cũng như hình thức thi và kiểm tra đánh giá học sinh khi học môn Lịch sử trong thời gian tới. 

Tiếp theo, môn Sinh học có điểm đối sánh chỉ đứng sau điểm môn Lịch sử (2,1 điểm). Trong ba môn thành phần của tổ hợp môn Khoa học tự nhiên, ta thấy điểm học bạ của ba môn xấp xỉ bằng nhau. Tuy nhiên chỉ có điểm thi của môn Sinh học lại khác biệt, thấp hơn điểm thi của hai môn Vật Lý và Hóa học, tới 1,1 điểm. Có thể cần phải phân tích, đánh giá thêm sâu hơn về nội dung và cấu trúc ra đề thi môn Sinh học năm nay.

Riêng môn Tiếng Anh, có phổ điểm hình “yên ngựa” (có hai đỉnh giải phổ) và cũng có điểm đối sánh cao, trên 1 điểm (1,2 điểm). Các chuyên gia có chung nhận định rằng, đây là  phản ánh sự không đồng đều về chất lượng dạy học Tiếng Anh (nói chung Ngoại ngữ) ở các tỉnh/thành cũng như giữa các trường trong cùng một địa phương. Do đó, các trường phổ thông cần đổi mới cách dạy, cách học môn Ngoại ngữ cho tương xứng với vị trí ngang bằng môn Toán và Ngữ văn trong quy định của Bộ GD&ĐT về việc xét chọn học sinh được xếp loại Giỏi.

Từ những nhận định chủ quan trên đây, phải chăng các trường Đại học nên tăng cường phương thức tuyển sinh thông qua xét điểm học bạ và không quá lệ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp. Đây là căn cứ có độ tin cậy khá cao, nhất là các trường phổ thông trong thời gian tới sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động thanh kiểm tra, nhất là đánh giá học sinh không chỉ dựa vào điểm số mà còn dựa vào đánh giá bằng nhận xét hoặc bài thực hành, sản phẩm của học sinh.

Trong Luật Giáo dục có quy định, học sinh được cấp bằng tốt nghiệp THPT phải qua một kỳ thi. Như thế Luật không quy định cứng, đây là kỳ thi Quốc gia, nên có thể phân quyền cho các địa phương tổ chức thi. Luật cũng không quy định hình thức thi nên hoàn toàn có thể dùng hình thức đánh giá năng lực thay cho hình thức thi viết truyền thống, như đã làm từ nhiều năm nay. Thực tế mấy năm qua, Bộ GD&ĐT đã làm rất tốt chức năng quản lý nhà nước khâu coi thi, chấm thi tốt nghiệp. Nhưng việc ban hành quy chế thi, nhất là tổ chức ra đề thi có thể chưa thật phù hợp với vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT.

Từ những phân tích trên, kiến nghị điều chỉnh tổ chức thi tốt nghiệp THPT bằng cách giao các địa phương tổ chức thi tốt nghiệp cho những đối tượng là những học sinh chỉ cần bằng tốt nghiệp để đi làm, không tiếp tục học lên và cho những học sinh có nguyện vọng xin dự tuyển vào trường Đại học thông qua xét điểm học bạ. Những đối tượng học sinh còn lại sẽ được tổ chức thi bằng hình thức đánh giá năng lực để công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ xét tuyển vào các trường Đại học. Kỳ thi này sẽ rất gọn nhẹ, linh hoạt và phù hợp khi gặp biến động phi truyền thống, khó lường, trong đó có đại dịch bệnh COVID-19 đang hiện hữu và ngày càng nguy hiểm và phức tạp./.       

Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ GDTH (Bộ GD&ĐT)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN