Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Chủ Nhật, 14/07/2024 00:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Chiều 13/7, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

 

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Cùng dự có: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương; đại diện các Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công các dự án cao tốc.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, hiện nay, khu vực ĐBSCL đang triển khai 5 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; đến nay, 4/5 dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang tổ chức triển khai thi công. Công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cao tốc cơ bản đáp ứng tiến độ triển khai thi công.

Để đảm bảo hoàn thành các dự án, các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết và quyết liệt chỉ đạo nhà thầu triển khai thực hiện, tuy nhiên, tiến độ các dự án chưa đáp ứng kế hoạch đề ra, nguyên nhân chủ yếu do thiếu hụt nguồn vật liệu cát đắp.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương cùng với sự nỗ lực của các tỉnh xác định nguồn cung ứng với tổng trữ lượng khoảng 63,1 triệu m3/nhu cầu 55,5 triệu m3 cho 5 dự án, trong đó: đã đủ điều kiện khai thác khoảng 36,83 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục cung ứng cho 26,27 triệu m3.

Tại hội nghị, các bộ, ngành và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và vùng lân cận đã báo cáo, thảo luận về tình hình triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng; việc cung ứng nguyên vật liệu; tiến độ thi công; việc mở các nút giao, xây dựng các hạ tầng kết nối các tuyến cao tốc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, theo quy hoạch tới năm 2030, ĐBSCL sẽ có khoảng 1.200 km cao tốc với 3 tuyến theo trục Bắc-Nam và 3 tuyến theo trục Đông-Tây, kết nối TP Hồ Chí Minh, miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Cùng với đó, chúng ta đã hoàn thành quy hoạch cảng biển, quy hoạch hàng không, giao thông thủy nội địa và quy hoạch vùng ĐBSCL.

“Kế thừa thành quả của các thế hệ đi trước, chúng ta quyết tâm, phấn đấu trong nhiệm kỳ này hoàn thành khoảng 500-600 km cao tốc tại ĐBSCL và chuẩn bị để nhiệm kỳ sau tiếp tục hoàn thành khoảng 600 km còn lại của giai đoạn 2 để ĐBSCL có khoảng 1.200 km cao tốc theo quy hoạch và cơ bản giải quyết vấn đề giao thông cho vùng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về vấn đề vật liệu xây dựng cát, đá, Thủ tướng cho biết các tỉnh đã thống nhất trong buổi làm việc hôm nay. Phạm vi thẩm quyền là của các tỉnh, địa phương phải chủ động giải quyết, xử lý đúng.

Đồng thời, ban quản lý các dự án cũng phải tham gia với địa phương cùng với nhà thầu để giải quyết những cơ chế đã có, thực hiện làm sao cho tốt. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ sẽ làm ngay. Những vấn đề của Bộ trưởng Bộ GTVT đề xuất về tăng thời gian khai thác, vận chuyển cát, Thủ tướng cho biết thậm chí sẽ xem xét để cho thêm thời gian đề xuất.

 Toàn cảnh hội nghị.

Nói thêm về vật liệu xây dựng, Thủ tướng đề nghị các tỉnh miền Đông hỗ trợ các tỉnh miền Tây về đá. Còn các tỉnh miền Tây sẽ hỗ trợ các tỉnh miền Đông về cát, các địa phương có thế mạnh gì thì chia sẻ với nhau. Các địa phương phối hợp với các Chủ đầu tư, nhà thầu để tham gia thực hiện các dự án, huy động lực lượng tại chỗ, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục làm tốt công tác chăm lo đời sống cho người dân tái định cư, bảo đảm điều kiện của người dân tại nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ; phối hợp giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, trên các công trình xây dựng; lưu ý triển khai đầu tư tuyến đường đầu nối với tuyến cao tốc, các khu công nghiệp, khu đô thị,… để phát huy tối đa hiệu quả công trình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị phối hợp chặt chẽ thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tiến độ dự án, đồng thời đảm bảo kỹ thuật, chất lượng công trình, bảo đảm cảnh quan, môi trường, an toàn lao động trong quá trình triển khai dự án và khi hoàn thành đi vào khai thác.

Các cơ quan truyền thông tiếp tục thông tin kịp thời, chính xác tình hình triển khai các dự án; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu; tạo khí thế, thi đua thực hiện các nhiệm vụ; biểu dương các tấm gương người tốt, việc tốt; không để các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá thành quả cách mạng, thành quả phát triển, xây dựng đất nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn quân ta, nhất là khi chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng./.

Hoàng Mẫn- Huy Minh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN