Tháo gỡ “nút thắt” cho đổi mới giáo dục
(ĐCSVN) - Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính dân chủ, tự chủ của các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Sáng 15/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo đó, các đại biểu tập trung, làm rõ nhiều vấn đề còn băn khoăn như: Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; về chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm; về chính sách lương đối với nhà giáo…
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ). Ảnh: TL
Áp lực học quá lớn khiến nhiều trẻ sợ học
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, chương trình sách giáo khoa (SGK) hiện quá nặng, khó tiếp thu. “Chúng ta hình như đang phức tạp hóa vấn đề đơn giản, ví dụ học sinh lớp 1 chỉ cần đạt mục tiêu biết đọc, biết viết; học sinh trung học chỉ cần học kiến thức phổ thông nhưng hiện nay chúng ta đang hàn lâm hóa những kiến thức đó và những điều rất đơn giản trở thành rất phức tạp, rối rắm nên học sinh rất khó tiếp thu”- đại biểu nói.
Theo đại biểu Cao Đình Thưởng, vấn đề này có một phần nguyên nhân xuất phát từ người lớn. Người lớn nghĩ ra quá nhiều điều để nhét vào đầu óc non nớt của trẻ, làm cho việc học tập trở thành gánh nặng, áp lực quá lớn, một bộ phận không nhỏ trẻ sợ học, không thích học và chán học. Đặc biệt, tâm lý phụ huynh muốn con mình trở thành “con nhà người ta” nên bắt các cháu phải giỏi, giỏi toàn diện một cách quá sức, dẫn đến tâm lý hoang mang, hoảng sợ. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm trong giáo dục, trái với năng lực và sở trường của trẻ em.
Đại biểu kiến nghị cần dạy và định hướng để học sinh phát huy năng lực của bản thân một cách hợp lý nhất. Đồng thời, bày tỏ quan điểm vấn đề thi cử đánh giá như thế nào cho đúng thực chất, ít tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc, Đại biểu Cao Đình Thưởng đề nghị không tổ chức thi THPT quốc gia như hiện nay, việc đánh giá tốt nghiệp THPT nên giao các Sở GD&ĐT lo. Nên chăng chỉ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia để chọn học sinh vào các trường ĐH. Việc này phải được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đồng tình cần phải giảm tải chương trình học. Để tránh quá tải trong dạy và học, đảm bảo sự cân đối, đề nghị quy định cụ thể hàm lượng, dung lượng nội dung về lịch sử, văn hóa, xã hội ở địa phương biên soạn.
“Tôi đồng tình việc thực hiện xã hội hóa SGK, cơ sở giáo dục có quyền lựa chọn SGK phù hợp trong giảng dạy, học tập, tạo tính chủ động linh hoạt. Tuy nhiên để bảo đảm tính chặt chẽ và thống nhất trong quá trình thực hiện, đề nghị Ủy ban soạn thảo cần nghiên cứu tiêu chí cụ thể lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục; quy định rõ hoạt động của Hội đồng thẩm định SGK cấp tỉnh và quy trình thực hiện”- đại biểu Nguyễn Thị Phúc ý kiến.
Cân nhắc học sinh, cha mẹ học sinh được phép lựa chọn SGK
Cũng đề cập đến chương trình, SGK, đại biểu Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) cho hay, trong Dự thảo có quy định, mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK. Cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập trên cơ sở tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
Theo đại biểu, ý tưởng tham khảo ý kiến của học sinh và cha mẹ học sinh là rất tốt, song chưa hợp lý vì cho rằng, tham khảo ý kiến học sinh và cha mẹ học sinh là đối tượng nào? vì như vậy sẽ dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình triển khai. Hơn nữa, không phải học sinh, cha mẹ học sinh nào cũng đủ năng lực để đánh giá, lựa chọn tốt và phù hợp bộ SGK. Do đó, đề nghị Ủy ban soạn thảo sửa đổi lại sao cho hợp lý.
Về chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập, nhiều đại biểu tán thành với việc bổ sung chính sách không thu học phí đối với học sinh diện phổ cập như trong Dự thảo Luật và ủng hộ việc giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh THCS trường tư thục; trước mắt ưu tiên triển khai thực hiện chính sách này ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, cần quy định trong Dự thảo Luật điều khoản chuyển tiếp về thời điểm thực hiện, cũng như các chính sách phát triển xã hội hóa tương ứng.
Những vấn đề lớn của giáo dục sẽ được nghiên cứu thấu đáo
Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trân trọng tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và khẳng định, với những vấn đề lớn sẽ nghiên cứu thấu đáo, có đánh giá tác động.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi được tiếp thu theo hướng thể hiện rõ hơn quan điểm, mục tiêu, nội dung của Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đồng thời, cập nhật tinh thần các Nghị quyết gần đây - đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập - có liên quan nhiều đến giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ rà soát cụ thể hơn các vấn đề xã hội đang bức xúc, những vấn đề gây “nút thắt” cho đổi mới giáo dục, từ đó lựa chọn, xác định rõ những gì có thể thì đưa cụ thể luôn ở trong Luật, nhằm khi triển khai không cần đợi các văn bản hướng dẫn, đảm bảo tính khả thi, giúp Luật đi vào cuộc sống./.