Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Hà Nội tiếp tục phát triển
(ĐCSVN) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, để kinh tế Hà Nội tiếp tục phát triển có chiều sâu, có thể tăng thêm nguồn thu; gia tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển; thành phố rất cần Bộ Tài chính và các bộ, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ, hợp tác, hỗ trợ thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách…
Quang cảnh Hội nghị. |
Chiều 4/12, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về công tác tài chính năm 2020; định hướng phối hợp công tác năm 2021 và giai đoạn tiếp theo.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị.
Đề xuất Bộ Tài chính phối hợp tháo gỡ 31 khó khăn, vướng mắc
Báo cáo tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố (TP) Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, những năm qua kết quả phối hợp giữa Bộ Tài chính và TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, từ 2016 đến nay, Hà Nội đều hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách Trung ương giao. Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt gần 1.187.619 tỷ đồng, có tốc độ tăng trưởng bình quân 11-12%/năm, đóng góp 26,7% vào GRDP của thành phố, chiếm 19% tổng thu ngân sách toàn quốc. Riêng năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng tổng thu ngân sách của Hà Nội ước thực hiện 279.359 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán.
Các nguồn thu ngày càng được quản lý đầy đủ và chặt chẽ hơn; cơ cấu thu ngân sách có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, bền vững. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách đã tăng từ 89,5% năm 2016 lên 92,7% vào năm 2020. Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc được quan tâm, chú trọng. Trong đó, khai thuế điện tử đạt trên 99%, nộp thuế điện tử đạt trên 98%...
Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020 ước đạt 383.011 tỷ đồng, bằng 1,37 lần so với giai đoạn 2011-2015; có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7-8%/năm và có tỷ lệ so với GRDP là 8,6%. Thành phố đã thực hiện tiết giảm chi thường xuyên so với dự toán Trung ương giao và trong điều hành ngân sách là 16.000 tỷ đồng để có nguồn bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển, thực hiện dự toán chi trả nợ.
Hà Nội và Bộ Tài chính cũng đã phối hợp có hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về giá, phí và lệ phí; công tác sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, quản lý tài sản công và mua sắm tập trung; công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước.
Tại Hội nghị, hai bên đã ký kết chương trình phối hợp trong giai đoạn tiếp theo. |
Đáng chú ý, Hà Nội đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Tài chính triển khai thủ tục hành chính lĩnh vực tài chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ công tin. Thành phố đã đơn giản hoá được 12 thủ tục hành chính lĩnh vực này; triển khai kết nối, tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đối với 249 dịch vụ công trực tuyến, góp phần giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp giữa Bộ Tài chính và TP Hà Nội thời gian qua vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Từ đó, Hà Nội đề xuất Bộ Tài chính tháo gỡ 31 công việc cụ thể. Theo đó, Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố trên mức 35% để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025; Tiếp tục quan tâm xem xét các giải pháp tổng thể, đồng bộ để ngăn chặn, chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận. Nghiên cứu, xem xét, hướng dẫn nội dung ứng vốn Quỹ phát triển đất của các địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án cấp bách, cấp thiết cần triển khai sớm...
Đối với công tác quản lý, thẩm định về giá, Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét và phối hợp với các bộ có liên quan sửa đổi một số quy định nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế hiện nay. Đáng chú ý, Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính xem xét cơ chế tháo gỡ vướng mắc trong công tác xây dựng phương án giá tiêu thụ nước sạch để đáp ứng thực tiễn cho địa phương.
Đối với công tác sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và quản lý tài sản công, Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính có báo cáo Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công để tháo gỡ các tồn tại, khó khăn, vướng mắc đang gặp phải; Đồng thời sớm báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định quy định quản lý, sử dụng, khai thác đối với quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước không phải là nhà ở đang giao các công ty quản lý, kinh doanh.
Đối với công tác sắp xếp, cổ phần hoá và quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập, Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ ban hành các văn bản sửa đổi cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn. Đồng thời sớm ban hành các thông tư hướng dẫn theo hướng cụ thể, rõ ràng, thống nhất trong triển khai thực hiện nhằm xử lý triệt để những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua, đảm bảo hành lang pháp lý để thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. |
Ngoài ra, Hà Nội cũng đề xuất Bộ Tài chính hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia về lĩnh vực tài chính do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng để thành phố phối hợp triển khai thực hiện như: Tài sản công, thu chi ngân sách, giá cả thị trường, danh mục dùng chung...
Phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách
Tại Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan đã tập trung trao đổi, giải đáp các kiến nghị, đề xuất của TP Hà Nội. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, buổi làm việc thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa hai đơn vị trong việc trao đổi, hỗ trợ, xây dựng, triển khai thực hiện các cơ chế chính sách, nhiệm vụ tài chính ngân sách trên địa bàn. Đồng chí đề nghị, Hà Nội xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm và phù hợp với định hướng chung của kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, giai đoạn 2021 – 2025. Tiếp tục có giải pháp hiệu quả cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; khai thác tiềm năng thế mạnh, sức cạnh tranh của TP để thu hút thêm vốn đầu tư, nhất là đầu tư công nghệ cao gắn với hoạt động của các trung tâm nghiên cứu phát triển.
Cùng với đó, Hà Nội đẩy mạnh phân cấp cho các sở, ngành, quận, huyện chủ động các nguồn lực, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện thí điểm chính quyền đô thị; tiếp tục đổi mới khu vực sự nghiệp công. Phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh sắp xếp cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước theo đúng kế hoạch mà cấp có thẩm quyền quyết định. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, nhất trong lĩnh vực tài nguyên, đất đai, dịch vụ công…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị. |
Kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao ý nghĩa, hiệu quả sự phối hợp giữa TP Hà Nội và Bộ Tài chính. Thông tin nhanh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Bí thư Thành ủy cho biết, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, nhưng tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô vẫn có những tín hiệu tích cực. Đến cuối tháng 11/2020, GRDP của thành phố tăng trưởng khoảng 3,98%; hết tháng 12, kết quả còn có thể tích cực hơn, có thể cao hơn tăng trưởng GDP cả nước ít nhất khoảng 1,5 lần. Thu ngân sách đến nay thực hiện 279.359 tỷ đồng (đạt 100,2% dự toán HĐND TP giao và tăng 3,5% so với thực hiện năm 2019). Trong năm mặc dù rất khó khăn, nhưng thành phố vẫn giãn, hoãn các loại thuế, phí nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khoảng 22.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, để kinh tế Hà Nội tiếp tục phát triển có chiều sâu, có thể tăng thêm nguồn thu; gia tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển; thành phố rất cần Bộ Tài chính và các bộ, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ, hợp tác, hỗ trợ thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách thể hiện cụ thể ở 31 kiến nghị được nêu trong báo cáo. Ngoài cơ chế về chi, Hà Nội đề nghị Bộ đặc biệt quan tâm tháo gỡ vướng mắc cơ chế, chính sách về thu ngân sách; vướng mắc về giá, thuế, phí để thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ công; hỗ trợ tăng vay vốn ODA; phát hành trái phiếu địa phương để đầu tư cho phát triển…/.