Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tháo gỡ khó khăn trong tự chủ giáo dục Đại học

Thứ Sáu, 20/10/2017 16:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 20/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014 - 2017.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VA)

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 77, đến nay đã có 23 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công lập thực hiện tự chủ. Trong đó có 12 cơ sở có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm. Các cơ sở giáo dục ĐH được lựa chọn thí điểm đã bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường.

Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực. Các cơ sở giáo dục ĐH được lựa chọn thí điểm đã có những thành tựu nhất định trong việc thu hút người học và bảo đảm nguồn thu, được xã hội công nhận.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Trong quá trình phát triển giáo dục ĐH của nước ta, tự chủ ĐH xuất hiện là một tất yếu, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Tự chủ là thuộc tính của các trường ĐH, không tự chủ thì các trường khó sáng tạo, khó phát huy được nội lực và khó thích ứng được với sự thay đổi nhanh của thế giới hiện nay.

Để cụ thể hóa Luật Giáo dục ĐH và thực hiện tự chủ ĐH theo lộ trình, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017, nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực, chủ động hơn về tài chính, tổ chức bộ máy nhân sự, đặc biệt là về học thuật để nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy thời gian thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 chưa dài (chưa hết chu kỳ đào tạo một khóa học) nhưng các cơ sở giáo dục ĐH được lựa chọn thí điểm đã bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường.

Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, các cơ sở giáo dục ĐH được lựa chọn thí điểm đã có những thành tựu nhất định trong việc thu hút người học và đảm bảo nguồn thu, được xã hội công nhận.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, bên cạnh những kết quả đạt được, tự chủ ĐH ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, chính sách, pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ; cơ chế quản lý theo chế độ Bộ chủ quản không còn phù hợp.

Các cơ sở giáo dục ĐH được giao thí điểm tự chủ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ ĐH, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện tự chủ. Năng lực quản trị ĐH của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình với các bên liên quan chưa hiệu quả (hiện vẫn còn 4 trường thí điểm tự chủ nhưng chưa thành lập Hội đồng trường)...

Những bất cập này đã hạn chế hiệu quả của việc thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH. Tự chủ chưa thực sự trở thành động lực giúp các cơ sở giáo dục ĐH phát huy khả năng chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường cạnh tranh và đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Bộ trưởng yêu cầu, tại Hội nghị cần thẳng thắn nhìn nhận những việc đã làm được, chưa làm được; những khó khăn, vướng mắc phát sinh và bài học kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai thời gian qua để từ đó thống nhất nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đề ra kế hoạch, lộ trình triển khai bảo đảm hiệu quả cao nhất.

Thực hiện tự chủ ĐH có tính đặc thù của Việt Nam

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, tự chủ ĐH là một thuộc tính cần thiết của ĐH thế giới. Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác là phải thực hiện tự chủ ĐH có tính đặc thù của Việt Nam, nhưng về cơ bản phải theo quy luật phát triển giáo dục ĐH thế giới.

 


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: VA)

Đề cập đến khó khăn trong thực hiện tự chủ ĐH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thực chất liên quan đến vấn đề nhận thức, và nhiều điểm trong nhận thức liên quan đến lợi ích và trách nhiệm. Tự chủ trước hết đặt ra là tự chủ về chuyên môn, học thuật trong giảng dạy và nghiên cứu, bỏ can thiệp hàng ngày, có tính hành chính, áp đặt hành chính vào trong nội bộ các trường ĐH. Từ đó, ra các quyền về bộ máy, về nhân sự, bao gồm cả thành lập, bổ nhiệm, miễn nhiệm, chế độ đãi ngộ và tự chủ tài chính chỉ là 1 phần.

Tự chủ tài chính phải được hiểu một cơ sở nói chung, trong đó có ĐH, được tự chủ về tài chính là được tự chủ về thu và chi, theo quy định pháp luật. Nguồn thu tạm phân làm 4 loại: thu từ nguồn tài trợ, từ nguồn hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng quy định pháp luật của cơ sở đào tạo; từ học phí và các loại phí nếu có theo quy định nhà nước; nguồn thứ tư vô cùng quan trọng và cần phải làm rõ là nguồn từ ngân sách nhà nước.

Như vậy, vẫn còn ngân sách nhà nước, nhưng điều quan trọng là đổi mới cách cấp và cách sử dụng ngân sách cho hiệu quả để mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.

“Không nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, chúng ta không hoàn thành trách nhiệm với đất nước, với xã hội. Còn nếu xét về mặt cạnh tranh, chúng ta thua.” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực hiện tự chủ ĐH trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT tháo gỡ tối đa các quy định, đặc biệt cho các trường đã tự chủ tốt. Điều tiếp theo, cũng là cái khó nhất, là các cơ quan chủ quản – khi bấy lâu nay coi nhà trường như một vụ, như một trung tâm của mình mà quên mất đây là một trường ĐH. 

Đưa ra những vấn đề cần tháo gỡ, Phó Thủ tướng cho rằng, con đường đi gần như là một chiều, không ai nói phải quay lại, nhưng đi phải lưu ý điều gì? Thứ nhất, phải đổi mới ngay tư duy cho lãnh đạo các trường ĐH, trực tiếp nhất từ các hiệu trưởng. Chừng nào còn có ý kiến: Luật đã có quy định về Hội đồng trường, nhưng Hội đồng trường phần lớn chưa lập, hoặc lập ra rồi còn chưa đúng là cơ quan quyền lực thì không được.

Hội đồng trường phải quyết định 2 vấn đề: tổ chức bộ máy nhân sự của trường, kể cả quyết ai là hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng khoa, trưởng bộ môn; quyết định về tài chính, chi ở mức nào trở lên thì Hội đồng trường phải thông qua, mức nào trở xuống thì Ban Giám hiệu quyết định…

Thứ hai, tất cả các trường tự chủ phải có một Bộ quy tắc ứng xử, cụ thể, chi tiết nhất có thể về tất cả các mặt: tuyển người quy trình thế nào, thẩm quyền ai quyết? Thu nhập thêm tiêu chí phân bổ thế nào, căn cứ vào điều gì? Thi đua khen thưởng như thế nào?...  giống bộ luật của trường, được thông qua tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường và phải được Hội đồng trường thông qua, thành cơ sở để thực hiện giám sát nội bộ và giải trình trách nhiệm với xã hội.

Thứ ba, phải có một cơ chế, lập các quỹ học bổng, hay các quy định cần thiết để bảo đảm cơ hội tiếp cận ĐH cho đối tượng chính sách.

Thứ tư, phải đẩy mạnh kiểm định và xếp hạng. Tự chủ phải đi với giải trình trách nhiệm với xã hội, để sao cho trường ĐH là cơ sở, ở đó thể hiện một môi trường làm việc sáng tạo, khoa học, văn minh.../.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN