Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc

Thứ Tư, 27/10/2021 10:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Bên cạnh việc khẩn trương hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người sử dụng lao động, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất cho doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh.

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động phối hợp và trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn để rà soát nhu cầu vay vốn. (Ảnh: Hoàng Loan)

Liên tiếp trong các năm 2020 - 2021, đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hay cho công nhân làm việc luân phiên để vừa phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất; đầu vào nguyên liệu thiếu thốn, đầu ra - lưu thông thị trường thắt chặt, khó khăn chồng chất khó khăn.

Trước thực trạng này, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương cùng các ngành đều đã quan tâm, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ đã có nhiều chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó; trong đó có chính sách cho người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất.

Tuy nhiên, sau gần 3 tháng triển khai chương trình cho người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, số doanh nghiệp được tiếp cận trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn không nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp còn không mấy mặn mà với chính sách này.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế, ngân hàng đã chủ động phối hợp và trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn để rà soát nhu cầu vay vốn. Trong số 1.100 doanh nghiệp được rà soát thì có 684 doanh nghiệp thuộc đối tượng vay vốn, trong đó có 65 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn trả lương với số tiền 5.334 triệu đồng.Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 4 doanh nghiệp được vay trả lương cho 306 lao động với số tiền 1.023 triệu đồng. Ngân hàng cũng đang tiếp tục cho vay vốn lần 3 để trả lương tháng 9/2021 đối với 3 doanh nghiệp là Công ty CP Á Đông, Công ty TNHH MTV Du lịch sinh thái VEDANA và Công ty TNHH Taxi Lăng Cô với số tiền 276 triệu đồng trả lương cho 111 lao động.

Ông Văn Đức Thọ, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, chương trình này không có nhiều doanh nghiệp vay vốn là bởi không đáp ứng được điều kiện về quyết toán thuế, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Nhiều doanh nghiệp không tham gia đóng bảo hiểm cho người lao động hay nợ bảo hiểm nên không đảm bảo tiêu chí cho vay. Ngoài ra, hiện có một số chi nhánh trực thuộc tổng công ty đang có nhu cầu vay vốn, nhưng vẫn đang phải chờ văn bản ủy quyền từ tổng công ty nên chưa hoàn thiện hồ sơ.

Hiện nay, các doanh nghiệp bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép vừa thích ứng an toàn trong tình hình mới vừa phát triển kinh tế. Vì vậy, việc tiếp cận được các chính sách hỗ trợ tài chính nói chung và chính sách cho vay trả lương phục hồi sản xuất nói riêng sẽ tạo động lực giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi hơn.

Để tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận với chương trình vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Với chính sách cho vay trả lương ngừng việc, người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên.

Với cho vay trả lương phục hồi sản xuất, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; người sử dụng lao động có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động.

Với chương trình cho vay này, mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng và thời hạn vay vốn dưới 12 tháng. Như vậy, quy định mới này đã bãi bỏ điều kiện người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách cho vay trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất kinh doanh trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng để mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách nhanh chóng, kịp thời; đồng thời, kịp thời phản ánh đầy đủ, chính xác kết quả triển khai để các cấp, ngành giám sát đảm bảo thực hiện chính sách này được công khai, minh bạch.

Đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trước đại dịch COVID-19, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần duy trì, ổn định, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Hải Minh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN