Tháo gỡ các vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đấu thầu
(ĐCSVN) - Ngày 21/8, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu với sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng.
Tại phiên họp, góp ý vào dự án Luật, ông Phạm Văn Hùng, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc việc có bổ sung quyết định ngừng dự án đầu tư trong trường hợp có nguy cơ gây ra sự cố môi trường cấp quốc gia hay không bởi quy định này đã có trong Luật Bảo vệ môi trường và có thể gây ảnh hưởng tới các dự án giáp ranh.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đề nghị mở rộng phạm vi chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư tư nhân theo hướng điều chỉnh hình thức bảo lãnh, cho phép chia sẻ rủi ro doanh thu. Trong đó lưu ý, nghiên cứu thêm quy định để bảo lãnh chi phí đối với các dự án điện lực, nhất là chi phí nguyên liệu đầu vào vì đây là rủi ro lớn nhất của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Về lĩnh vực đấu thầu, ông Hùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu; trường hợp hợp đồng đã ký nhưng chưa có chủ trương đầu tư thì hợp đồng này có giá trị không?
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TL. |
Góp ý đối với các quy định đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ông Bùi Việt Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho rằng nên mở rộng lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP, tăng cường phân cấp, phân quyền để thu hút tối đa nguồn lực. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ cách thức xử lý trong trường hợp các loại hình hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) thanh toán bằng quỹ đất. Ngoài ra, cơ quan chủ trì cũng cần rà soát quy định liên quan đến dự án PPP là thành phần trong dự án đầu tư công với các quy định theo Luật Đầu tư công.
Đối với quy định về kinh phí lập quy hoạch, kinh phí thẩm định quy hoạch, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nên tiếp cận theo hướng kinh phí này dùng để làm việc gì thay vì quy định việc này phải sử dụng nguồn kinh phí nào; qua đó mở rộng các nguồn kinh phí được phép sử dụng.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng ghi nhận các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định; đồng thời đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc kịp thời xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về Phiên họp thứ 2 Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận phiên họp. Ảnh: TL. |
Đồng tình với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và một số nội dung Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình bổ sung tại phiên họp, đặc biệt là các nội dung liên quan đến Luật Đầu thầu. Tuy nhiên, Thứ trưởng chi ra một số vướng mắc đã được nêu tại Báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa được cơ quan chủ trì soạn thảo xử lý, điều chỉnh, sửa đổi tại dự thảo Luật. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng quy hoạch, đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu...
Thứ trưởng cũng đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp để tháo gỡ một số vướng mắc trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp; đăng ký, điều chỉnh vốn điều lệ.../.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật nêu trên tập trung vào 08 chính sách, gồm: Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch và kinh phí cho hoạt động quy hoạch để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của pháp luật về quy hoạch. Hoàn thiện quy định về nội dung, kế hoạch thực hiện và điều chỉnh quy hoạch bảo đảm đơn giản hoá thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương. Xử lý một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với quy hoạch đô thị và chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Đơn giản hoá thủ tục, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đối với dự án PPP, tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp. Xử lý một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu và tăng cường phân cấp trong việc quyết định các nội dung về đấu thầu. |