Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thanh Miện: Chú trọng phát triển vùng kinh tế động lực của tỉnh

Thứ Tư, 13/04/2022 18:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đồng chí Triệu Thế Hùng yêu cầu Thanh Miện cần khai thác tiềm năng lợi thế, khắc phục khó khăn phát triển kinh tế; chú trọng, quan tâm đầu tư đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, không chủ quan trước dịch COVID-19; chú trọng phát triển vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Hình ảnh tại buổi làm việc 

Ngày 13/4, đoàn công tác UBND tỉnh Hải Dương do đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn làm việc với huyện Thanh Miện về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và quý I năm 2022.

Thanh Miện khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế

Báo cáo với đoàn công tác về tiềm năng, thế mạnh của huyện Thanh Miện, đồng chí Nhữ Văn Cúc, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện cho biết, Thanh Miện có nhiều lợi thế về giao thông, quỹ đất. Trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2021, kinh tế - xã hội phát triển khá. Thu ngân sách nhà nước 569,295 tỷ đồng, đạt 265,2% kế hoạch tỉnh giao, tăng 93,6% so với năm 2020. Tổng chi ngân sách huyện ước 526,619 tỷ đồng, bằng 125% dự toán giao đầu năm; tổng chi ngân sách xã ước 345,497 tỷ đồng, bằng 255% dự toán giao đầu năm.

Nông nghiệp, nông thôn phát triển khá, tổng diện tích gieo trồng 14.930 ha, đạt 102,26% kế hoạch. Năng suất lúa 125,22 tạ/ha, tăng 2,9%; sản lượng lương thực 81.122 tấn, tăng 2,4% so với năm 2020. Chăn nuôi ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn, số lượng đàn gia súc, gia cầm và diện tích nuôi trồng thủy sản đều tăng khá. Huyện có xã Chi Lăng Nam hoàn thành xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021. Các xã còn lại đang rà soát, nâng cao các tiêu chí đã đạt và đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước 2.336 tỷ đồng, đạt 99,03% kế hoạch năm, tăng 14,8% so với năm 2020. Giá trị sản xuất ngành xây dựng 634 tỷ đồng, đạt 98,4% kế hoạch năm, tăng 9,7% so với năm 2020. Giá trị sản xuất toàn ngành dịch vụ đạt 1.398 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2020. Giá trị sản xuất ngành thương mại ước đạt 927,0 tỷ đồng, tăng 2,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,0% so với năm 2020.

Công tác tài nguyên và môi trường được thực hiện tốt, kịp thời kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các dấu hiệu, hành vi gây ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ người dân dùng nước sạch ước đạt 100%.

Đặc biệt, trong 2 năm 2020-2021, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được quan tâm. Huyện cũng thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ 177 đơn vị trên 9 tỷ đồng; hỗ trợ 20.600 người lao động 45 tỷ đồng.

Đồng chí Triệu Thế Hùng,  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại buổi làm việc .

Toàn huyện đã hoàn thành chương trình năm học 2020-2021. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục giữ vững. Điểm thi bình quân vào lớp 10 THPT, kết quả thi học sinh giỏi xếp tốp đầu toàn tỉnh. Huyện đã đảm bảo an sinh xã hội. Công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo. Thực hiện tốt chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được chú trọng quan tâm. Công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội được tăng cường, đẩy mạnh. Huyện đã thực hiện hiệu quả 02 dự án “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và “Sản xuất, cấp và quản lý CCCD"; trong đó có "chiến dịch” cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử. Phát huy hiệu quả hoạt động lực lượng công an chính quy tại xã, thị trấn.

Về công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Nhân dân, năm 2021, UBND huyện tiếp 48 lần, 96 lượt, 123 người, giảm 71,3% lượt người so với năm 2020. Hoàn thành 10/10 cuộc thanh tra hành chính, đạt 100% kế hoạch; ban hành 13 kết luận; kiến nghị giảm trừ 1,530 tỷ đồng, thu hồi 35,6 triệu đồng.

Về tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2022, trong 3 tháng đầu năm, giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng ước đạt 750,7 tỷ đồng, bằng 21,5% kế hoạch năm. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ ước đạt 616,5 tỷ đồng, bằng 23,4 % kế hoạch năm; tổng thu NSNN ước 171,283 tỷ đồng, đạt 55,1% dự toán năm, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng chi ngân sách huyện ước đạt 89,658 tỷ đồng, bằng 16,7% dự toán năm.

Đối với công tác phòng chống dịch COVID-19, trong 3 tháng đầu năm, toàn huyện có 22.835 người nhiễm COVID-19, 11 ca tử vong. Tổng số mũi tiêm vắc xin xấp xỉ 224.891. Đến nay, tình hình dịch bệnh tạm lắng. Đến này 4/4, toàn bộ các trường trong huyện tổ chức học trực tiếp. Thanh Miện đứng đầu tỉnh về số người tham gia BHXH, BHYT tự nguyện với 5.720 người tham gia, trên 35.300 người tham gia BHYT gia đình.

Thực hiện việc thích ứng với dịch COVID-19, các lễ hội truyền thống trong huyện cơ bản được khôi phục đảm bảo phong tục, tập quán và tín ngưỡng của người dân, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, huyện cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế do giá cả leo thang tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh; công tác giải phóng mặt bằng chậm so với yêu cầu do những chênh lệch về chính sách và thị trường; cơ sở hạ tầng không đồng bộ gây khó khăn cho triển khai các dự án xây dựng….

Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã nghe lãnh đạo huyện kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như vấn đề giao thông; nguồn vốn xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng; quy hoạch; các cơ chế, chính sách hỗ trợ xã xây dựng nông thôn mới…

Đoàn công tác thăm Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Lương Bằng. 

Chú trọng phát triển vùng kinh tế động lực

Kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch Triệu Thế Hùng ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng của huyện Thanh Miện, 11/15 chỉ tiêu chính hoàn thành và hoàn thành vượt mức đề ra trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022. Các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, giáo dục đào tạo… đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, qua các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, đồng chí lưu ý Ban Thường vụ Huyện ủy, Lãnh đạo huyện cần chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục, giải quyết các tồn tại và lưu ý một số vấn đề sau:

Tiếp tục tập trung tổ chức triển khai các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành ngay sau khi được phê duyệt.

Tập trung thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19, tuyệt đối không chủ quan, lơ là; thực hiện tốt chủ trương tiêm vắc xin phòng COVID-19; đồng thời khắc phục khó khăn do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 để khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí nhấn mạnh, Thanh Miện cần triển khai thực hiện Quy hoạch vùng kinh tế động lực của tỉnh ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là dự án có quy mô lớn (10.000 ha), tạo động lực tăng trưởng mới của tỉnh Hải Dương, cũng như của khu vực Đồng bằng sông Hồng và toàn miền Bắc trong tương lai.

Đoàn công tác dâng hương, dâng hoa tại cụm di tích Đình Đông và Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình giao thông trọng điểm của huyện; tập trung giải phóng mặt bằng phần diện tích còn vướng mắc của các dự án công trình giao thông, khu dân cư, khu đô thị để bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Tập trung quản lý hành lang an toàn giao thông trên địa bàn huyện.

UBND huyện Thanh Miện cần phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Vận tải để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn, giải tỏa, xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Để triển khai Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025, đề nghị UBND huyện Thanh Miện tích cực phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, lập hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với tiêu chí, định mức sử dụng đất cấp huyện do UBND tỉnh ban hành; đồng thời, cập nhật vào phương án Quy hoạch vùng huyện Thanh Miện đã được phê duyệt. Khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng các xã và quy hoạch chung thị trấn Thanh Miện. Bám sát vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Một số doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa huyện Thanh Miện tổng số tiền 1,8 tỷ đồng .

Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch tín ngưỡng, du lịch sinh thái. Tăng cường công tác xã hội hóa cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn. Chú trọng, quan tâm đầu tư đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân.

Nhân dịp này, một số doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa huyện Thanh Miện tổng số tiền 1,8 tỷ đồng.

* Trước đó, đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại cụm di tích Đình Đông và Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Lương Bằng tại xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn trước anh linh của đồng chí Phó Chủ tịch nước, “Người anh cả Sao đỏ” mẫu mực.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương thăm và làm việc tại Công ty TNHH Vietstar 

* Thăm và làm việc tại Công ty TNHH Vietstar, 1 trong 6 công ty thuộc Tập đoàn DLP tại tỉnh Hải Dương, với khoảng 3.600 công nhân, có kết quả sản xuất kinh doanh tốt đi đôi với công tác chống dịch, sau khi nghe kiến nghị của doanh nghiệp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh hoan nghênh công ty thời gian qua vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống cho người lao động. Đồng chí cho biết tỉnh sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho công ty cũng như 5 công ty còn lại của Tập đoàn trên địa bàn tỉnh để phát triển sản xuất.

Đồng chí đề nghị công ty tiếp tục thực hiện tốt chính sách pháp luật của nhà nước, làm tốt công tác phòng chống cháy nổ, trật tự an toàn xã hội, chính sách xã hội và an sinh xã hội, đặc biệt đối với lao động nữ.

Chủ tịch UBND tỉnh hoan nghênh công ty thời gian qua vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp về khó tiếp cận nguồn lao động, đồng chí đề nghị và gợi ý công ty xem xét tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao tại địa phương làm công tác quản lý, có chính sách đãi ngộ để có nguồn lao động sẵn sàng gắn bó lâu dài với công ty. Với lao động phổ thông, công ty xem xét phương án ký kết hợp tác với các trường, trung tâm dạy nghề của tỉnh, huyện để có nguồn lao động dồi dào và có tay nghề. Bên cạnh đó, công ty cần quan tâm đổi mới và nâng cao công nghệ sản xuất để tăng năng suất và không quá phụ thuộc vào nguồn lao động.

Đặc biệt công ty nghiên cứu xem xét việc thành lập tổ chức Đảng. Đây sẽ là cầu nối, là sự gắn kết giữa doanh nghiệp với địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chính trị của người lao động./.

Thương Huyền - Phạm Cường

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN