Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thanh khoản dư thừa – lý do để hút tiền qua kênh tín phiếu?

Thứ Tư, 18/10/2023 15:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Trong gần một tháng vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) liên tục đẩy mạnh hoạt động hút ròng tiền qua kênh tín phiếu. Động thái này đã tác động lớn đến thị trường tài chính. Việc hút tiền qua kênh tín phiếu thực hiện liên tục sau gần nửa năm tạm ngừng đã khiến thị trường có những phản ứng, diễn biến trái chiều.

 Ảnh minh họa: M.P

Đầu tuần này, NHNN đã tiếp tục thực hiện đợt phát hành tín phiếu mới, tiếp nối chuỗi những ngày hút tiền liên tục qua thị trường mở kéo dài suối từ nửa cuối tháng 9/2023 đến nay. Cụ thể, ngày 16/10, NHNN đã hoàn thành đợt phát hành gần 20.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày theo hình thức bán hẳn.

Ngày 17/10, NHNN đã công bố kết quả đấu thầu thị trường mở trong phiên này. Theo đó, cơ quan này tiếp tục chào bán tín phiếu kỳ hạn 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 6/8 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 17.950 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu duy trì ở mức 1%. Đây là phiên phát hành tín phiếu thứ 19 liên tiếp của Nhà điều hành với tổng quy mô lũy kế đạt gần 243.645 tỷ đồng. Mặc dù có xu hướng giảm song khối lượng tín phiếu trúng thầu phiên này vẫn cao hơn 40% so mức bình quân 19 phiên vừa qua. Đây cũng là phiên thứ 4 liên tiếp NHNN duy trì lượng tín phiếu phát hành trên mức 10.000 tỷ đồng. Tính chung 4 phiên giao dịch gần nhất, NHNN đã hút về 77.950 tỷ đồng (chiếm gần 1/3 tổng lượng tín phiếu phát hành từ đầu chu kỳ), qua đó đánh dấu chuỗi hút ròng mạnh nhất kể từ khi hoạt động phát hành tín phiếu được khởi động trở lại vào giữa tháng 9/2023. Những lô tín phiếu đầu tiên sẽ bắt đầu đáo hạn từ cuối tuần này.

Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 16/10 đã tăng lên 0,71% từ mức 0,35% ghi nhận vào cuối tuần trước (13/10). Lãi suất các kỳ hạn chủ chốt khác cũng có xu hướng tăng như: kỳ hạn 1 tuần tăng từ 0,55% lên 0,83%; kỳ hạn 2 tuần tăng từ 0,75% lên 0,97%.

Lãi suất tín phiếu của phiên phát hành mới đây là 1%, theo đó, lãi suất trúng thầu tín phiếu có xu hướng nhích tăng hơn so các phiên đấu thầu tín phiếu tuần trước. Tuy nhiên, lãi suất hiện vẫn ở mặt bằng thấp hơn so lãi suất bình quân chung của các phiên đấu thầu đầu tháng 10/2023.

Thực tế, tín phiếu NHNN thường được phát hành thấp hơn mệnh giá và vào ngày tín phiếu đến hạn thanh toán, NHNN thực hiện thanh toán số tiền bằng mệnh giá tín phiếu cho các tổ chức tín dụng đã mua tín phiếu. Trường hợp ngày tín phiếu NHNN đến hạn thanh toán là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì việc thanh toán tín phiếu NHNN được thực hiện vào ngày làm việc liền kề tiếp theo ngày nghỉ đó. Trước đó trong suốt giai đoạn từ đầu tháng 10 đến nay, NHNN gần như ngày nào cũng đều thực hiện các đợt phát hành tín phiếu với khối lượng phát hành khoảng từ 5.000 – 20.000 tỷ đồng.

Chuỗi các đợt phát hành tín phiếu trên thị trường mở của NHNN bắt đầu diễn ra từ ngày 18/9, với kỳ hạn tín phiếu trong suốt giai đoạn này thông thường là 28 ngày. Với kỳ hạn này, đến nay cũng đã đến hạn thanh toán.

Về diễn biến lãi suất chung bên ngoài thị trường, NHNN cho biết, lãi suất cho vay đồng Việt Nam đã giảm bình quân khoảng 1,5 - 2,0%/năm so cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của NHNN.

Vấn đề đặt ra là vòng xoay tiền sẽ đến đâu?

Thống kê cho thấy, từ phiên đầu tiên 21/9 đến nay đã có khoảng 243.000 tỷ đồng tín phiếu được phát hành. Lãi suất tín phiếu trúng thầu cũng biến động tùy phiên, có lúc lên cao đến 1,3% cũng có lúc giảm sâu xuống dưới 0,5%. Một trong những nguyên nhân chính thường được nhắc tới khi các đợt tín phiếu được phát hành là “hút tiền thừa ra khỏi hệ thống”. Tuy nhiên, vấn đề việc hút tiền qua kênh tín phiếu chỉ đóng vai trò điều tiết trong ngắn hạn, không có chức năng đưa tiền ra khỏi nền kinh tế. Vậy vì sao NHNN dùng kênh tín phiếu hút tiền?

Nói đến thanh khoản, đến dòng tiền vào thị trường, trước hết sẽ nhắc đến tỷ giá. Đồng USD tăng mạnh đã khiến tỷ giá USD/VND liên tục leo thang. Có lẽ câu trả lời cho việc NHNN hút tiền thừa nằm ở tỷ giá.

Thực tế, những biến động tỷ giá USD/VND có thể liên tục thay đổi, ảnh hưởng nhiều đến kinh tế chung, đặc biệt là đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Nếu dùng biện pháp can thiệp tỷ giá, sẽ dẫn tới mất ngoại tệ. Trong khi đó đang cần ổn định kinh tế vĩ mô, trợ lực cho nền kinh tế phục hồi và phát triển. Các quốc gia phải đảm bảo lượng dự trữ ngoại hối để đối phó lượng dòng tiền chảy ra và tình hình phức tạp có thể diễn ra trong tương lai. Nếu dùng biện pháp tăng lãi suất, thời điểm này lại càng không phù hợp khi tăng trưởng kinh tế còn thấp. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đóng băng, thanh khoản thị trường chứng khoán giảm cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc tăng lãi suất là không khả thi.

Trong bối cảnh mà như nội dung phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, các ngân hàng Trung ương (NHTW) trên Thế giới đang duy trì lãi suất cao khiến chỉ số USD tăng cao trở lại. Lựa chọn tối ưu là dùng kênh tín phiếu hút tiền về. Dòng tiền điều chỉnh qua kênh tín phiếu là dòng tiền ngắn hạn. Có thể hiểu, NHNN “hút ròng” tiền dư thừa trong hệ thống về, lưu trữ tại đó và trả về hệ thống ngay khi đến dịp. Ngay khi chính sách tiền tệ thời gian vừa qua đã “ngấm” vào nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh có thể hấp thụ được, dòng tiền sẽ nhanh chóng quay trở lại, chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, những ngành nghề sản xuất kinh doanh cơ bản, với những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng - sẽ là đích đến của dòng tiền thông minh trong thời gian tới.

Đích đến là vậy, một câu hỏi lớn cần sơm có lời giải đó là, các đợt tín phiếu phát hành đều có kỳ hạn 28 ngày. Vậy sau đó sẽ ra sao?

Những lô tín phiếu phát hành đầu tiên chỉ vài ngày nữa đáo hạn, lượng tiền lớn sẽ lại đổ trở vào thị trường mà nền kinh tế chưa kịp “ngấm” các chính sách. Vậy sẽ ra sao? Ngân hàng nhà nước sẽ lại tiếp tục phát hành tín phiếu “vòng thứ hai” để hút lại lượng tiền đã quay đủ vòng hay sẽ có quyết sách mới?

Theo phân tích của Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), với việc lãi suất liên ngân hàng qua đêm quay trở lại mức rất thấp, tỷ giá liên ngân hàng vẫn ở mức cao và chênh lệch lãi suất VND/USD duy trì cao kích thích hoạt động giao dịch đầu cơ gây áp lực lên tỷ giá, NHNN sẽ vẫn tiếp tục phát hành thêm tín phiếu mới để thay thế những tín phiếu đã đáo hạn. Mặt khác. trong bối cảnh các lô tín phiếu đầu tiên sẽ bắt đầu đáo hạn vào từ cuối tuần này, giới phân tích dự báo, NHNN sẽ tiếp tục phát hành tín phiếu trong thời gian tới và không loại trừ khả năng sẽ có sự gia tăng về quy mô cũng như kỳ hạn.

Trên thực tế, thông tin đấu thầu cho thấy các đợt phát hành tín phiếu vừa qua, lãi suất tín phiếu cũng đã giảm sâu, thậm chí nhiều phiên còn không trúng thầu hết số tín phiếu dự kiến phát hành – nguyên nhân do đâu?

Các chuyên gia cho rằng động thái hút tiền qua tín phiếu đã thực sự có tác động trong những phiên đầu, tuy vậy vẫn chưa thể giải quyết vấn đề tỷ giá, vòng quay tiền vẫn sớm trở lại thị trường. Mặt khác, diễn biến thị trường tiền tệ hiện tại chưa có yếu tố đáng lo ngại quá mức cần thiết.

Trở lại thời điểm 1 năm trước, giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022, thị trường tài chính Việt Nam cũng từng chứng kiến biến động tỷ giá mạnh, thậm chỉ tỷ giá còn lên cao hơn thời điểm hiện tại. Thời điểm đó, thế giới cũng đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm hơn, lạm phát cao hơn và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn. Đặc biệt, ở Mỹ, lãi suất đã tăng lên đáng kể để đối phó lạm phát cao hơn. Lãi suất cao hơn ở Mỹ và những lo ngại về kinh tế toàn cầu đã khiến đồng USD mạnh lên. Nhiều đồng tiền đã giảm giá so đồng USD. Tuy vậy, khi lãi suất ngân hàng tăng, cộng với đó loạt chính sách tài khóa được ban hành đã góp phần làm giảm áp lực tỷ giá, và đã duy trì ổn định được đến nay. Thậm chí, tỷ giá USD/VND hiện tại còn thấp hơn cùng thời điểm năm 2022.

Không chỉ vậy, thực tế cho thấy, việc phát hành tín phiếu của NHNN với lý do giảm bớt thanh khoản dư thừa trong hệ thống, như một động thái can thiệp hạ nhiệt tỷ giá, được coi là một lý do kích hoạt thị trường chứng khoán giảm mạnh.

Tất nhiên, việc thị trường chứng khoán điều chỉnh có nhiều nguyên nhân, nhưng nếu có ý kiến thị trường phản ứng trước hoạt động phát hành tín phiếu, NHNN cũng nên cân nhắc. Thị trường có những lý lẽ riêng. Nếu là nhà đầu tư, ắt họ sẽ không thể dự đoán được khối lượng phát hành tiếp theo là bao nhiêu và tỷ giá sẽ biến động như thế nào sau tác động này, áp lực tỷ giá có được giải tỏa không.

Trong khi đó, ở góc độ nhà đầu tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể vẫn còn tiếp tục tăng lãi suất tạo sức ép lên tỷ giá trong bối cảnh lãi suất VND hạ xuống thấp. Khi nhà đầu tư không tiên liệu được thì sẽ đứng ngoài thị trường chờ đợi, đó cũng có thể là một trong nhiều nguyên nhân làm thị trường chứng khoán biến động mạnh.

Về vấn đề này, GS TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) cho rằng, điệp khúc quen thuộc để biện minh động thái hút tiền về là thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dư thừa, làm giảm lãi suất và do đó đẩy tỷ giá tăng lên. Theo thông lệ, để biết được thanh khoản dư thừa, NHTW các nước tính toán quy mô mở rộng bảng cân đối kế toán qua các năm. Chẳng hạn, trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007, các NHTW các nước như Mỹ, khu vực đồng Euro, Anh và Nhật Bản có tổng tài sản chiếm từ 6% đến 20% GDP. So trước khủng hoảng tài chính tỷ lệ này hiện này của FED là 34%, ECB là 34%, NHTW Anh là 40% và NHTW Nhật Bản là 127%. Trong khi lạm phát lại đang tăng tốc, nên họ có lý khi cho rằng thanh khoản đang dư thừa và tìm cách hút tiền về.

Ông Trần Ngọc Thơ đặt vấn đề, vậy phải lý giải thế nào đây, khi con số này ở Nhật là 127%/GDP, nhưng NHTW Nhật Bản hiện vẫn không cho rằng nó thừa và mới đây nhất họ vẫn để lãi suất ở vùng 0%, bất chấp lạm phát có dấu hiệu tăng tốc? Còn ở Việt Nam, làm sao chúng ta biết thanh khoản dư thừa? Trong khi lạm phát đang trong tầm kiểm soát, thế mà chỉ thấy lãi suất giảm và tỷ giá tăng thì gọi là thanh khoản dư thừa ư?

Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, NHNN nên tăng trách nhiệm giải trình để chính sách tiền tệ tường minh hơn, tránh làm sốc thị trường. Thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng gộp lại giống như hồ chứa nước bất tận. Làm thế nào biết nó thừa và thừa bao nhiêu là chuyện khó khi NHNN không công bố bảng cân đối kế toán của mình để thị trường nắm bắt. Nhưng giả dụ bằng cách nào đó NHNN dự báo chính xác thanh khoản dư thừa, họ sẽ mượn tạm khối thanh khoản dư thừa bằng cách trả lãi cho ngân hàng, rồi để cất sang một “ngăn đặc biệt” tại NHNN, thí dụ như thông qua kênh phát hành tín phiếu. Nhưng nếu lượng nước còn lại trong hồ vẫn “tràn ngập” thì lấy gì bảo đảm rằng nó không tràn vào kênh ngoại tệ và đẩy tỷ giá tăng lên? Không chỉ vậy, tín phiếu chỉ có thời hạn 28 ngày, tức sau đó NHNN phải trả nước về hồ và sau đó lại tiếp tục phát hành đợt tín phiếu mới, cứ như thế… Cuộc chiến với cối xay gió biết đến bao giờ?

Mặt khác, đối tượng tham gia đấu thầu quanh đi quẩn lại chỉ không tới 10 thành viên, các phiên sau càng giảm dần, phần nào cho thấy hệ thống ngân hàng dường như “không mấy vui vẻ” khi cho NHNN “mượn tạm” thanh khoản. Khi mà động thái này chỉ tác động đến một vài ngân hàng, thay vì số đông, chính sách tiền tệ sẽ khó truyền động đến toàn hệ thống. Nói như thế không có nghĩa công cụ tín phiếu của NHNN không có tác dụng. Vấn đề là nếu thanh khoản dư thừa có nguyên nhân mang tính cấu trúc thì rất khó. NHNN phải liên tục “bơm tiền” mua vào USD, từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào, từ nguồn thu USD xuất khẩu và kiều hối. Sau đó việc dùng kênh tín phiếu quá ngắn hạn hút lượng tiền trước đó bơm ra quá nhiều cũng giống như ta đang dùng tay hốt nước về sau khi đổ nó ra tràn ngập. Phải có độ trễ thời gian rất lâu.

Trong khi đó, như đã nói ở trên, việc phát hành tín phiếu lại phát đi thông điệp là tỷ giá có vấn đề, tỷ giá gặp áp lực. Nhưng áp lực đến đâu thì doanh nghiệp không dự báo được, nhà đầu tư không dự báo được thì không lên kế hoạch kinh doanh đầu tư được. Doanh nghiệp muốn vay, ngại đi vay vì lãi suất thả nổi. Nhà đầu tư chứng khoán quan sát xem biến động tỷ giá ra sao?

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc hút tiền về qua kênh tín phiếu tuy có thể làm dịu đi căng thẳng trước mắt. Nhưng động lực cơ bản đằng sau việc USD tăng giá vẫn không thay đổi thì xu thế trượt giá của tiền đồng vẫn nằm trong kỳ vọng của thị trường. Quá trình hút tiền về chỉ có thể thành công nếu tiền đồng giảm giá so USD diễn ra chậm và ổn định, tránh tạo tác động tâm lý thị trường và làm tăng áp lực kỳ vọng lạm phát.

Có lẽ, trên phương diện điều hành vĩ mô, đã đến lúc cần phải có sự minh bạch về bức tranh tổng thể này để đo lường sự đánh đổi được - mất của việc phát hành tín phiếu. Và đã đến lúc chúng ta nên nới biên độ tỷ giá, đồng thời nên để cho thị trường có tiếng nói nhiều hơn chứ không chỉ mãi biện minh rằng đó là do thanh khoản dư thừa.

 

Minh Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN