Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thanh Hóa: Phát triển mạnh 7 nhóm ngành nghề nông thôn

Thứ Tư, 09/12/2015 17:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Sau gần 9 năm triển khai Nghị định 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, hoạt động ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phát triển mạnh về số lượng cơ sở, đa dạng về các loại nghề, giá trị sản xuất và xuất khẩu không ngừng tăng trưởng hàng năm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: hoinongdan.org.vn)

 

Qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Đến nay, hoạt động ngành nghề nông thôn đã phát triển mạnh về số lượng, đa dạng về loại hình với 7 nhóm ngành nghề chủ yếu như: ngành nghề chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản có 17.210 lao động; sản xuất thủ công mỹ nghệ 31.727 lao động; xử lý, chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn 4.520 lao động… 

Trong năm 2015, toàn tỉnh có 127 làng nghề hoạt động sản xuất kinh doanh tập trung thu hút 31.800 lao động, 704 doanh nghiệp, 28 hợp tác xã tham gia. Hiện tỉnh có 18 làng nghề và nghề truyền thống đã được công nhận. 

Để đạt được kết quả trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều kế hoạch thực hiện các cơ chế chính sách, giải pháp khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn ở địa phương như hỗ trợ về đất đai và xây dựng kết cấu hạ tầng cụm tiểu thủ công nghiệp, cụm làng nghề; ưu đãi đầu tư; khuyến khích thu hút lao động; đào tạo; hỗ trợ về khoa học công nghệ; thị trường tiêu thụ sản phẩm… 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn tồn tại nhiều hạn chế. Các cơ sở sản xuất nông nghiệp nông thôn chủ yếu là các cơ sở có quy mô nhỏ ở dạng gia đình, vốn đầu tư thấp, kỹ thuật và công nghệ sản xuất lạc hậu, thiếu đồng bộ. Sản phẩm nông nghiệp nông thôn đa phần chất lượng chưa cao, mẫu mã đơn giản, tiêu hao nhiều nguyên liệu, vật liệu, năng lượng nên giá thành chưa hợp lý. Thị trường tiêu thụ hạn chế, chưa tạo được thương hiệu trong khu vực…. 

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, định hướng phát triển ngành nghề nông thôn của tỉnh thời gian tới sẽ gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tỉnh xác định ngành nghề nông thôn là mũi nhọn nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn; tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, gắn với sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và các vùng nguyên liệu tập trung. Tỉnh Thanh Hóa cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; từng bước khôi phục, phát triển các nghề và làng nghề truyền thống đã bị mai một…/. 

Khiếu Tư/TTXVN


có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN