Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thanh Hóa: Nhiều thiếu sót trong quản lý Nhà nước về giáo dục

Thứ Sáu, 22/10/2021 16:39 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Kết luận thanh tra số 1080/KL-BGDĐT về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa năm 2019 và năm 2020. Nội dung kết luận chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT cùng một số sở, ngành và UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng ở Sở GD&ĐT...

Đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT đã tiến hành thanh tra trực tiếp tại các đơn vị chức năng thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa, thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Thạch Thành, Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn.

Nhiều sai phạm nghiêm trọng tại SỞ GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa được chỉ rõ tại Kết luận thanh tra số 1080/KL-BGDĐT. (Ảnh: PV). 

Năm 2019 và 2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chuyển kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp GD&ĐT sang chi đầu tư phát triển, tổng số tiền hơn 207,7 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp tăng cường cơ sở vật chất cho các trường phổ thông và trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh trong khi chưa cấp đủ kinh phí chi hoạt động giảng dạy và học tập ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn là chưa phù hợp. Trong 2 năm (2019, 2020) UBND tỉnh Thanh Hóa không bố trí vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước cho các dự án khởi công mới thuộc lĩnh vực GD&ĐT.

Thông báo kết luận thanh tra chỉ ra, tỉnh Thanh Hóa chưa ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Sở GD&ĐT theo quy định, chưa phân cấp nhiệm vụ quản lý tài chính cho Sở GD&ĐT phù hợp để thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

Thời điểm thanh tra, toàn tỉnh Thanh Hóa có tình trạng thiếu nhiều giáo viên ở các cấp học, bậc học, mất cân đối giữa các môn học ở giáo dục phổ thông. So với định mức quy định tại quyết định số 3185 của UBND tỉnh Thanh Hóa thì bậc học Mầm non thiếu 1.773 người, Tiểu học thiếu 3.040 người, THCS thiếu 450 người.

Đặc biệt, đối chiếu với định mức quy định tại Thông tư số 16 của Bộ GD&ĐT thì bậc học Mầm non của Thanh Hóa thiếu 6.340 người, Tiểu học thiếu 3.348 người, THCS thiếu 994 người, liên cấp TH&THCS thiếu 212 người và THPT thiếu 336 người. Chưa đảm bảo số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên Tiểu học để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tỷ lệ giáo viên trên lớp đối với cấp Tiểu học là 1,23 chưa đủ để dạy học 2 buổi/ngày theo quy định.

Cũng theo thông báo kết luận thanh tra, đến hết năm 2020, tỉnh Thanh Hóa chưa có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện đề án, quyết định của tỉnh này về việc sắp xếp các trường Mầm non, Tiểu học, THCS và Trường Phổ thông có nhiều cấp học hiện có đến năm 2020. Chưa có phương án giải quyết, bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp theo đề án đào tạo nguồn nhân lực cho Khu kinh tế Nghi Sơn; chưa thực hiện tổng kết, đánh giá và xử lý dứt điểm những tồn tại, sai phạm và những khó khăn, bất cập của đề án đào tạo nguồn nhân lực cho Khu kinh tế Nghi Sơn.

Theo Bộ GD&ĐT, tỉnh Thanh Hóa chưa chỉ đạo, tổng hợp, đánh giá cụ thể đối với các cơ sở giáo dục đã được chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và có quyết định cấp Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia quá 5 năm theo quy định. Đến hết ngày 31/12/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa chưa hoàn thành việc kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Ngoài ra, chưa chỉ đạo UBND cấp huyện phối hợp với Sở GD&ĐT hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc tổ chức, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn. Chưa tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện chỉ tiêu biên chế, tuyển dụng, hợp đồng lao động việc thực hiện chế độ chính sách nhà giáo, cán bộ, viên chức trong ngành giáo dục…

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định

Căn cứ kết quả thanh tra, Bộ GD&ĐT kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa rà soát, tham mưu HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về giáo dục, xây dựng, ban hành quyết định quy định về tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương; định mức phân bổ chi thường xuyên và quy định tỷ lệ chi hoạt động giáo dục theo đúng quy định.

Chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục công lập xây dựng đề án vị trí việc làm và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm và trình Bộ Nội vụ thẩm định và giao chỉ tiêu, bố trí đủ biên chế giáo viên mầm non theo quy định; bố trí định mức biên chế ở các cơ sở giáo dục phổ thông đảm bảo đúng quy định.

Có phương án giải quyết số giáo viên dôi dư đối với các cơ sở giáo dục khối trực thuộc Sở GD&ĐT; chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông bố trí giáo viên dạy đảm bảo số tiết theo quy định; có phương án và đảm bảo bố trí đủ biên chế đối với các phòng GD&ĐT cấp huyện. Trường hợp chưa bố trí đủ biên chế thì cần đảm bảo các viên chức được điều động/biệt phái làm nhiệm vụ chuyên môn tại phòng GD&ĐT phải được hưởng các chế độ theo nhiệm vụ được giao.

Chỉ đạo rà soát tổng thể trên địa bàn tỉnh, có biện pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị đề xuất phương án, kế hoạch giải quyết dứt điểm số lao động hợp đồng theo đúng quy định; có phương án xử lý giải quyết dứt điểm đối với những hợp đồng lao động ký với giáo viên không đúng quy định, nếu vẫn phải ký hợp đồng lao động thì phải đảm bảo chế độ, chính sách cho giáo viên theo đúng quy định.

Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra đối với trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của các đơn vị thuộc UBND tỉnh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) theo quy định pháp luật. Có văn bản hướng dẫn, thanh tra và kiểm tra việc tổ chức, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn.

Đồng thời, chỉ đạo giải quyết dứt điểm đơn thư phản ánh, kiến nghị trên địa bàn về lĩnh vực giáo dục, đặc biệt đơn thư của bà Nguyễn Thị Hà Lan theo đúng quy định pháp luật.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa tổ chức tuyển dụng viên chức theo phân cấp, thuộc thẩm quyền theo đúng đề án vị trí việc làm và chỉ tiêu kế hoạch được giao; rà soát điều kiện, đối tượng đối với những ứng viên đã trúng tuyển viên chức năm 2020 theo quy định, đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý đối với trường hợp không đúng quy định, thiếu điều kiện tiêu chuẩn; thực hiện bố trí đủ kinh phí triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo quy định; quy định cụ thể các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý cấp phát các loại chứng chỉ. Thực hiện phân cấp in bằng tốt nghiệp THCS cho các phòng GD&ĐT theo quy định. Xây dựng phương án và xử lý đối với chứng chỉ Sở GD&ĐT đã cấp không đúng thẩm quyền theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra hàng loạt hạn chế, thiếu sót và trách nhiệm dẫn đến các hạn chế, thiếu sót tại Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Thanh Hóa và các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Theo Bộ GD&ĐT, trách nhiệm để xảy ra hạn chế, thiếu sót trên thuộc về lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa và Giám đốc Sở GD&ĐT thời kỳ năm 2019 và 2020.

Từ đó, Bộ GD&ĐT kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh để xảy ra hạn chế, thiết sót nêu trên, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GD&ĐT trước ngày 30/10/2021. Sở GD&ĐT và các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Sở GD&ĐT để xảy ra hạn chế, thiết sót nêu trên, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh Thanh Hóa để báo cáo Bộ GD&ĐT trước ngày 30/10/2021./.

HC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN