Thanh Hóa: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quản lý, khám chữa bệnh
(ĐCSVN) - Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong lộ trình phát triển, là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân, những năm gần đây, ngành Y tế Thanh Hóa đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quản lý, khám chữa bệnh từ tỉnh đến cơ sở.
Xu hướng tích hợp trí công nghệ số vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe |
Mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận từ 500 đến 800 người đến đăng ký khám, chữa bệnh. Đây là một trong những cơ sở y tế đầu tiên trong tỉnh triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip.
Bệnh viện đã bố trí đầy đủ nhân lực, nâng cấp hệ thống phần mềm tại khu vực đón người bệnh bảo hiểm y tế; nâng cấp hệ thống thiết bị đọc mã vạch. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa được UBND tỉnh lựa chọn làm mô hình điểm cấp tỉnh "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID".
Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Thị Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa đang từng bước đồng bộ hệ thống máy móc để thực hiện tốt hơn".
Là một trong những cơ sở y tế đầu tiên trong tỉnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip để đăng ký khám chữa bệnh, hoạt động này tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá mang lại nhiều tiện ích không chỉ cho người bệnh mà cho cả các y, bác sĩ, nhân viên y tế. Bác sỹ CKII Nguyễn Trung Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho biết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 500 – 800 bệnh nhân đến khám. Việc sử dụng căn cước công dân gắn chip thay thế bảo hiểm y tế góp phần giảm thiểu tối đa thời gian chờ đợi, thông tin cũng chính xác. Khi sử dụng căn cước công dân thời gian chờ đợi của mỗi bệnh nhân phải giảm được 30 phút.
Việc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với ngành Công an tích hợp thông tin về bảo hiểm y tế vào thẻ căn cước công dân, đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm hao tốn thời gian cho các thủ tục giấy tờ, người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng hơn, cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tại Thanh Hoá, đến thời điểm này, đã có 668 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, đạt tỷ lệ 99,1% tổng số cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: "Sau 2 tháng triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip cho thấy nhiều thuận lợi, tiện ích. Hiện có khoảng 80% bệnh nhân sử dụng căn cước công dân gắn chip để khám chữa bệnh. Tuy nhiên hiện nay còn một số khó khăn đó là: một số địa phương việc cập nhật dữ liệu vào căn cước công dân còn chậm nên một số bệnh nhân khi quét thẻ bị thiếu thông tin". Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hải Tiến, huyện Hoằng Hoá cũng cho biết: "Tại bệnh viện có hơn 70% bệnh nhân sử dụng căn cước công dân gắn chip để khám chữa bệnh. Chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của sử dụng căn cước công dân".
Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn Thanh Hóa đã triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp |
Dù đã có hơn 99% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sử dụng căn cước công dân gắn chip để tra cứu thông tin, tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân sử dụng căn cước công dân gắn chip thay thẻ bảo hiểm y tế vẫn còn thấp. Nguyên nhân là do vẫn còn nhiều trường hợp chưa đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử; nhiều thẻ căn cước công dân chưa tích hợp thông tin bảo hiểm y tế. Một bộ phận người dân, nhất là người cao tuổi vẫn giữ thói quen sử dụng thẻ bảo hiểm y tế giấy.
Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn Thanh Hóa đã triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp; tổng số lượt tra cứu đạt trên 4,4 triệu lượt, trong đó có trên 2,7 triệu lượt tra cứu thành công.
Bên cạnh đó, các bệnh viện đã tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị, xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin bệnh viện, tự động hóa các quy trình thủ tục khám chữa bệnh, hệ thống phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm, phần mềm quản lý chẩn đoán hình ảnh, đảm bảo khả năng tích hợp kết nối chia sẻ dữ liệu.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Văn Huân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tiến tới bệnh viện sẽ hoàn thiện trung tâm ung bướu và can thiệp mạch nên càng phải đầu tư mạnh mẽ cho chuyển đổi số, nhà đầu tư sẽ đầu tư trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay để bác sĩ làm việc thuận lợi và bệnh nhân được hưởng lợi".
Việc thực hiện chuyển đổi số cũng đang được triển khai mạnh mẽ ở các tuyến y tế cơ sở. Trong đó, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu sử dụng phần mềm chạy trên nền tảng điện toán đám mây, kết nối liên thông dữ liệu 4 cấp từ trạm y tế xã lên đến Bộ Y tế và với các đơn vị liên quan đang được các đơn vị đặc biệt quan tâm.
Các trạm y tế xã, phường, thị trấn cũng đang tập trung triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân và phần mềm quản lý y tế cơ sở, tạo thuận lợi hơn cho công tác khám chữa bệnh. Thời gian tới, ngành Y tế Thanh Hóa sẽ tập trung khắc phục những khó khăn ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số do nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin tại các đơn vị còn hạn chế.
Đồng thời, ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai các ứng dụng các dịch vụ, giải pháp số trong lĩnh vực y tế, tăng cường các hoạt động khám chữa bệnh từ xa, sử dụng bệnh án điện tử, không sử dụng phim nhựa trong chẩn đoán hình ảnh và thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.