Tháng năm trên đảo Bích Đầm...!
(ĐCSVN) - Xác định “Tháng công nhân” là đợt cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Công nhân Lao động (CNLĐ), các hoạt động thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện và nhiệm vụ của mỗi đơn vị, mang lại niềm vui cho CNLĐ.
Một góc Đảo Bích Đầm, TP. Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh AM
Không phải đến Tháng Công nhân tổ chức công đoàn mới thực hiện nhiệm vụ này, mà công đoàn đã thường xuyên đồng hành cùng Doanh nghiệp, vì việc làm, đời sống của CNLĐ, cho nên, trong “Tháng Công nhân”, hoạt động này sẽ tạo điểm nhấn rõ nét hơn. Quan điểm chung, ở đây là đợt học tập, sinh hoạt chính trị sâu rộng trong đoàn viên, CNVCLĐ; tổ chức các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp bằng các công trình, phần việc, sáng kiến làm lợi cho đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, chủ tịch Công đoàn PC Khánh Hòa tặng quà cho anh em tổ vận hành máy Diesel Đảo Bích Đầm trong Tháng 5 năm 2015. Ảnh AM
Với nội dung “Tháng Công nhân”, chúng tôi đã có buổi trao đổi với bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (PC Khánh Hòa) và được bà tâm sự: “Tôi còn nhớ những năm (2011 đến năm 2013), khi còn làm việc ở phòng Kinh doanh, qua tính toán chi phí phát điện bằng diesel tại các đảo Vũng Ngán, Bình Hưng và Bích Đầm; lúc ấy, chi phí phát cho mỗi kWh điện là trên 9.000đ/kWh, trong khi giá bán điện sinh hoạt mức 1 chỉ khoảng dưới 1.000đ/kWh. Tổng chi phí vận hành điện ở đây ngoài tiền lương của 06 anh em trong Tổ phát điện, còn lại là tiền nước dùng trong sinh hoạt, tiền thuê đò, ghe chở công nhân qua lại trực vận hành, sửa chữa máy, khổ nhất là vào những mùa gió bấc, máy phát lại cũ nên thường bị hư hỏng, anh em phải thường xuyên qua lại để sửa chữa máy…Ấy...! là biết và cảm nhận như thế, chứ thực lòng tôi cũng chưa biết thực tế nơi các anh em làm việc, ăn ở như thế nào...? Tôi ao ước, có 1 ngày sẽ đến các đảo mà anh em đồng nghiệp của tôi đang làm việc bấy lâu nay... Như là một cái duyên, tôi từ bộ phận kinh doanh lại được chuyển sang làm công tác công đoàn với chức danh là Chủ tịch Công đoàn PC Khánh Hòa, vào tháng 4 năm 2015. Sau một thời gian ngắn tạm quen với môi trường công việc mới, tôi đã kiến nghị lãnh đạo được đi thăm anh em công nhân vận hành diesel tại các đảo nhân dịp “Tháng Công nhân” năm 2015.
Một chuyến thăm thật là thú vị, đầy ý nghĩa, tôi càng hiểu được những con người đã hy sinh cuộc sống sung sướng trên bờ để ra đây đem ánh sáng cho người dân trên đảo. Chúng tôi đã có mặt tại bến tàu từ lúc sáng sớm để kịp chuyến ghe đầu tiên ra đảo, đoàn gồm có chị Mỹ Bình- Cán bộ công đoàn chuyên trách, anh Bùi Hữu Trí- Chủ tịch Công đoàn Điện lực Vĩnh Nguyên và anh Bùi Văn Nhớ- Tổ trưởng, Công đoàn tổ vận hành máy diesel trên đảo. Ngồi trên thuyền, sóng nước mênh mông, những cơn gió thỉnh thoảng lại tốc ngược mái tóc, nhìn không gian bao la của đất trời, ai đó, trong chúng tôi bất giác bật lên câu hát: “biển trời quê ta, rộn vang tiếng ca…” thật đầy ý nghĩa. Sau hơn 1 tiếng, Đảo Bích Đầm dần dần hiện trước mắt, khung cảnh không như tôi đã hình dung trước đó, mọi sinh hoạt của người dân ở vùng đảo này đều phụ thuộc vào chuyến đò hằng ngày, mang theo những hàng hóa nhu yếu phẩm, hình ảnh người dân ở đảo đứng tụ tập ở cầu tàu, chờ người thân mang đồ từ đất liền ra là một trong những ấn tượng đầu tiên đến với tôi...; thuyền cập bến, anh em trong đoàn lên cầu tàu, rồi men theo con đường mòn cát biển, qua từng con hẻm nhỏ quanh co, ngang qua những ngôi nhà nhỏ mà người dân đang sinh sống; đoàn chúng tôi, dừng chân trước một căn nhà rộng khoảng 40m2, đó là nơi mà các anh em trực vận hành làm việc, ăn ở; căn phòng được bố trí máy phát điện có vách ngăn để che chắn, ngăn cách riêng giữa phòng trực vận hành, 1 chỗ vừa đủ để bếp ăn, phía trước sân được khéo léo bố trí một khoảng rộng để trồng rau, vừa có cây xanh lại vừa cải thiện được bữa ăn hàng ngày. Hàng tuần, cứ ba ngày, ba đêm các anh em lại thay phiên nhau trực ở hai đảo Vũng Ngán và Bích Đầm. Mặc dù, điều kiện ăn ở, đi lại khó khăn, hầu như buổi ăn chỉ đơn giản là gói mì và trứng, lâu lâu có thêm 1 ít cá mua lại của dân trên đảo hoặc người dân biếu cho, vậy mà khi tôi hỏi các anh có muốn bố trí một công việc khác ở đất liền không, không cần suy nghĩ các anh đã trả lời là không muốn, vì “ở đâu quen đó”. Người dân nơi đây, quý mến các anh lắm, hư cái bóng đèn, hay cái quạt đều sang nhờ các anh kiểm tra, sửa chữa…, ngày giỗ, hay có tổ chức việc gì của gia đình bà con đều mời các anh tham dự, đôi lúc bà con thiếu cọng rau, cũng sang trạm để xin các anh; trong công việc của anh em, ngoài trực vận hành còn phải thực hiện việc lắp đặt công tơ, sửa chữa, giải quyết sự cố, có những tháng chỉ số điện của bà con vượt quá so với tháng trước, anh em phải giải thích cặn kẽ cho bà con hiểu và tư vấn biết cách sử dụng điện thế nào để tiết kiệm điện…vì vậy, đối với các anh, tình làng nghĩa xóm ở đảo này lúc nào cũng ấm áp, chan hòa... Trước khi chia tay, với cái bắt tay tình cảm chân tình, chúng tôi đã hẹn gặp lại các anh trong tháng Năm đến - Tháng Năm của những người công nhân điện tuy vất vả nhưng ấm áp nghĩa tình...” (chúng tôi đã và đang sắp xếp tháng 5 này (2016) ra đảo thăm lại anh em)
Hiện trên đảo chỉ có khoảng 200 hộ dân, nhưng Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang vẫn tạo điều kiện để đầu tư trường Tiểu học, nước ngọt và trạm Viễn thông khá đầy đủ; vẫn biết rằng, chi phí phát điện ở các đảo là rất lớn, hằng năm phải bù lỗ đến hàng chục tỷ, nhưng PC Khánh Hòa vẫn phải đảm bảo cấp điện thường xuyên để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Đó cũng là nhiệm vụ chính trị, thực hiện chính sách an sinh, giáo dục của Đảng và Nhà nước, giúp bà con an tâm sinh sống, qua đó góp phần xây dựng và giữ gìn biển đảo quê hương.
Mặc dù điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn, không được như đất liền, nhưng những gì Đảng, Nhà nước cũng như các cấp tại tỉnh Khánh Hòa đem lại cho người dân trên đảo được no ấm, hạnh phúc, cho các em thơ với nụ cười rạng rỡ, vì một tương lai tươi sáng; từ đó, đã làm bà con trên đảo đặt niềm tin yêu cùng với sự hồn nhiên và nụ cười rạng rỡ được thể hiện qua từng ánh mắt từ người già đến trẻ thơ, thật sự xúc động, bất giác nghèn nghẹn trong lòng…./.