Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tháng 10/2023: Đắk Lắk xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông

Thứ Hai, 06/11/2023 16:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết, tháng 10/2023 toàn tỉnh xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông, làm chết 30 người, bị thương 17 người. So với tháng trước liền kề tăng 17 vụ (tăng 94,4%), tăng 16 người chết (114,3%) và tăng 9 người bị thương (112,5%).

Hiện trường một vụ va chạm giao thông xảy ra trên đường vành đai phía Tây TP. Buôn Ma Thuột.
(Ảnh: Hoàng Tuyết)

Tai nạn xảy ra trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh là 19 vụ, đường nông thôn 9 vụ, đường nội thị 5 vụ và các tuyến tỉnh lộ xảy ra 2 vụ.

Nguyên nhân sơ bộ làm xảy ra tai nạn giao thông là do đi sai làn đường, phần đường 8 vụ; không chú ý quan sát 9 vụ; chuyển hướng không bảo đảm an toàn 5 vụ và một số nguyên nhân khác.

Qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện 5.007 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, một số lỗi vi phạm: chạy xe quá tốc độ 1.535 trường hợp; vi phạm nồng độ cồn 1.524 trường hợp; không có Giấy phép lái xe 735 trường hợp… Qua đó, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3.269 trường hợp, nộp Kho bạc hơn 7,6 tỷ đồng, tạm giữ 1.898 phương tiện các loại, tước Giấy phép lái xe có thời hạn 667 trường hợp.

Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTANGT) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong tình hình mới.

Bệnh nhân bị tai nạn giao thông được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh. (Ảnh: Hoàng Tuyết) 

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp tăng cường quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị, địa phương mình nắm rõ và tự giác chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGT, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu bia; thực hiện nghiêm quy định “đã uống rượu bia, không lái xe”. Phấn đấu mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là một “tuyên truyền viên” trong tuyên truyền, vận động đồng nghiệp, người thân, bạn bè chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Thủ trưởng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý vi phạm.

Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị, Công an huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật về giao thông. Phối hợp cơ quan thông tin truyền thông của tỉnh ưu tiên tuyên truyền vào các “khung giờ vàng”, giờ sinh hoạt chung để các tầng lớp Nhân dân dễ tiếp cận, theo dõi thông tin. Phối hợp với ngành Giáo dục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên; tổ chức cho nhà trường, phụ huynh và học sinh ký cam kết chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông; xây dựng, nhân rộng các mô hình an toàn giao thông trong trường học. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động vận tải và lái xe ký cam kết chấp hành pháp luật, không sử dụng lái xe nghiện ma túy, vi phạm nồng độ cồn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT. Tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh cán bộ, chiến sỹ trong việc chấp hành pháp luật, quy trình công tác nhằm phòng ngừa sai phạm.

Sở Giao thông vận tải tập trung rà soát quy hoạch hạ tầng giao thông để tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung đảm bảo đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tích hợp kết cấu hạ tầng giao thông hỗ trợ vận tải công cộng và các phương thức vận tải bền vững khác trong quy hoạch tổng thể gắn với bảo đảm TTATGT. Đẩy nhanh tiến độ, chất lượng tại các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông…/.

M.K

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN