Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thận trọng, tránh lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai

Thứ Hai, 10/01/2022 15:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật cần bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai, phòng ngừa việc trục lợi chính sách, tránh “chảy máu” nguồn lực đất đai, nhằm phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước, đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng đất.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, sáng 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Không để “chảy máu” nguồn lực đất đai

Một trong những nội dung quan trọng nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là việc Chính phủ trình sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở).

Theo đó, dự thảo Luật quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật: Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở.

Đánh giá cao việc Chính phủ nhận diện và tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư, song ĐBQH Ngô Trung Thành (Đoàn Đắk Lắk) cho rằng, vấn đề ở đây không hề đơn giản mà phải xem xét thấu đáo, đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc tiêu cực.

ĐB Ngô Trung Thành phân tích: Nếu thực hiện đấu giá, đấu thầu thì giá trị địa tô mang lại cho nhà nước rất lớn. Ví dụ nổi bật nhất thời gian qua là đấu giá 1 ha đất Thủ Thiêm mang lại 24.500 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD). Nếu diện tích này, không đấu thầu, nhà đầu tư nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thử tính 100 triệu đồng 1m2, thì chỉ thu được 1.000 tỷ đồng, chưa bằng số lẻ của bán đấu giá.

Như vậy, việc sửa đổi theo phương án trên thì nhà nước không thu được bao nhiêu, người có đất chuyển nhượng cho dự án cũng không thu được bao nhiêu. Chênh lệch địa tô sẽ cơ bản thuộc về nhà đầu tư, chủ dự án. Đây là vấn đề rất rất bất hợp lý. Trong khi đó, đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước cho phép chuyển đổi làm cho giá trị đất tăng lên rất lớn thì chênh lệch địa tô cơ bản phải thuộc Nhà nước, thuộc về nhân dân.

 ĐBQH Ngô Trung Thành ( Đoàn Đắk Lắk). Ảnh: QH. 

“Sửa theo hướng trên có thể giải thoát cho dự án nhưng lợi cho chủ dự án, cho người gom đất, còn Nhà nước sẽ “chảy máu” nguồn lực đất đai” – đại biểu nêu quan điểm.

Trên tinh thần đó, đại biểu đề nghị Quốc hội tạm thời chưa nên sửa khoản này như đề xuất, đề nghị Chính phủ nghiên cứu đánh giá tác động, xử lý cho được chênh lệch địa tô trong Luật Đất đai để tháo gỡ vướng mắc và phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước, đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng đất.

Cũng theo ĐB Trung Thành, vấn đề tài chính đất đai không điều chỉnh ở Luật Nhà ở mà điều chỉnh ở luật Đất đai. Do đó, không thể xử lý vấn đề chênh lệch địa tô trong Luật Nhà ở được. Nếu chúng ta sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng trên thì chỉ tháo gỡ vướng mắc cho dự án triển khai được. Nhưng lợi ích đem lại chỉ cho chủ dự án, người gom đất được hưởng. Đối với nhà nước sẽ dẫn tới nguy cơ lãng phí nguồn lực đất đai.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nhận định, việc sửa đổi này sẽ mở rộng quyền cho các chủ sử dụng đất hợp pháp, giải quyết nhanh việc công nhận chủ đầu tư nhưng hậu quả có thể gây ra thất thoát.

Đại biểu cho hay, khi được công nhận chủ đầu tư và được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, người sử dụng đất chỉ cần trả tiền theo quy định của luật hiện nay là lấy giá đất quy định trong bảng giá nhân với hệ số K.

“Dù có chuyển đổi đất giữa Bờ Hồ (Hà Nội) hay trên đường Nguyễn Huệ (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng chỉ 312 triệu đồng/m2. Rõ ràng, điều này sẽ gây thất thoát lớn nguồn lực của Nhà nước”, đại biểu dẫn chứng và đề nghị cân nhắc nếu sửa Luật, phải ghi cụ thể tính tiền đất theo giá thị trường.

Tuy nhiên, tranh luận với các ý kiến trên, đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) nêu quan điểm, hàng trăm ha đất vướng quy định mà không được chuyển đổi, dự án không thực hiện được thì cũng gây lãng phí.

“Chênh lệch địa tô lớn có hay không do định giá đất không sát. Thất thoát hay không do cơ quan thẩm quyền định giá” – ĐB Phan Thái Bình nhấn mạnh.

Quy định rõ thẩm quyền gắn liền với trách nhiệm

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho HĐND cấp tỉnh. Luật Đầu tư công năm 2019 đã đẩy mạnh phân cấp cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trong đó đã đẩy mạnh phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý, tuy nhiên giữ lại các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ nhằm quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc vay, sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, bảo đảm an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia. Đến nay, sau một thời gian thực hiện, có nhiều vướng mắc, Chính phủ đề xuất sửa đổi.

Theo ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang), quy định như hiện hành dẫn đến phát sinh nhiều thủ tục hành chính liên quan đến thực hiện phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C, phải trình Thủ tướng Chính phủ nhiều lần. Vì vậy, việc sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp như Tờ trình của Chính phủ đối với sử dụng nguồn vốn này sẽ làm giảm thủ tục hành chính không cần thiết, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA.

Tuy nhiên, ĐB Lê Minh Nam nhấn mạnh, việc phân cấp, phân quyền phải gắn với trách nhiệm, bảo đảm mục đích quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc vay, sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, bảo đảm an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia. Đặc biệt, vốn vay ODA liên quan đến các điều ước quốc tế giữa Chính phủ Việt Nam với các Chính phủ, tổ chức nước ngoài.

Đồng thời, lưu ý việc phân quyền dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền hạn tại các đơn vị. Do đó, cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về quyền hạn, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương cũng như trình tự, thủ tục để bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Chung quan điểm, ĐBQH Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) đề nghị, cần gắn phân quyền gắn với trách nhiệm cụ thể hơn và đề nghị bổ sung thêm các quy định về hậu kiểm để đánh giá, giám sát.

Đại biểu nêu ví dụ cụ thể, tại Luật Đấu thầu hiện hành chưa quy định đầy đủ về quy trình kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm, đặc biệt là công tác kiểm tra kết quả thực hiện, kết quả thanh tra.

“Cơ chế kiểm tra, giám sát mới chỉ tập trung quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm đối với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền quyết định”, đại biểu nói./.

Vy Thảo

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN