Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thâm hụt thương mại Mỹ giảm mạnh

Thứ Tư, 08/06/2022 16:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 7/6, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy, thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 4 vừa qua giảm 20,6 tỷ USD, tương đương 19,1% do kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm, trong khi xuất khẩu lại tăng.

Thâm hụt thương mại Mỹ giảm mạnh trong tháng 4/2021. (Ảnh: AFP/Getty Images) 

Cụ thể, thâm hụt hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong tháng 4 giảm 20,6 tỷ USD, còn 87,1 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 do ảnh hưởng từ các đợt phong tỏa nghiêm ngặt tại Trung Quốc nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Lần đầu tiên trong nửa năm qua, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ giảm 3,4%, xuống còn 339,7 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 3,5% lên 252,6 tỷ USD. 

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong tháng 4 giảm 8,5 tỷ USD, mức giảm mạnh nhất trong 7 năm qua. Nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ giảm 10,1 tỷ USD - mức cao nhất kể từ năm 2015.

Trước đó, Chính phủ Mỹ công bố báo cáo cho thấy, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý I/2022 đã giảm 1,4%. Đây là lần sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đầu tiên của nước này kể từ năm 2020.

Theo các nhà phân tích, kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh trong quý I/2022 là nguyên nhân chính khiến GDP của Mỹ giảm. Với hoạt động nhập khẩu nới lỏng trong tháng 4, chuyên gia kinh tế thuộc Wells Fargo Securities, ông Jay Bryson cho rằng đây sẽ là yếu tố giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý II. 

Nước Mỹ đang phải đối mặt với lạm phát ở mức cao kỷ lục trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, giá nhiên liệu cùng một số hàng hóa gia tăng do cuộc khủng hoảng tại Ukraine và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Những yếu tố này làm gia tăng quan ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Lạm phát tại Mỹ hiện đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ qua.

Mới đây, trong báo cáo về Triển vọng Kinh tế Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng nền kinh tế Mỹ còn 3,7% trong năm nay. Chuyên gia kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận định xung đột đã làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát vốn đã gia tăng tại nhiều quốc gia do mất cân đối nguồn cung và nhu cầu bị ảnh hưởng do đại dịch. Lạm phát cao hơn ở hầu hết các quốc gia và dự kiến sẽ còn kéo dài. 

"Lạm phát đã trở thành nguy cơ rõ ràng và hiện hữu đối với nhiều quốc gia. Nhiều Ngân hàng Trung ương, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Sự gián đoạn do xung đột tại Ukraine sẽ càng làm gia tăng áp lực hơn nữa. Chúng tôi dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao, buộc các nhà hoạch định chính sách phải có phản ứng mạnh mẽ hơn", ông Pierre Olivier Gourinchas nhận định.

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy, thâm hụt thương mại của nước này đã tăng 27%, đạt 859,1 tỷ USD trong năm 2021, mức cao nhất mọi thời đại và vượt qua mức kỷ lục cũ 763,53 tỷ USD thiết lập vào năm 2006./.

H.Hà (Theo Reuters, Bloomberg)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN