Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng cao hơn dự báo
(ĐCSVN) - Ngày 6/12, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy, thâm hụt thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 10/2023 đã tăng cao hơn dự báo do nhu cầu toàn cầu suy yếu, cũng như đồng USD tăng mạnh đè nặng lên xuất khẩu.
Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 10/2023 tăng cao hơn dự báo do nhu cầu toàn cầu suy yếu, cũng như đồng USD tăng mạnh đè nặng lên xuất khẩu. (Ảnh: Bloomberg) |
Theo đó, mức thâm hụt trong tháng 10 của Mỹ đã tăng 5,1%, lên mức 64,3 tỷ USD, cao hơn dự báo từ các nhà kinh tế đưa ra là 64,2 tỷ USD. Số liệu của tháng 9 cũng được điều chỉnh giảm với mức thâm hụt là 61,2 tỷ USD, thay vì 61,5 tỷ USD như báo cáo trước đó.
Thâm hụt thương mại tăng do tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong tháng 10 giảm 1%, xuống còn 258,8 tỷ USD, đi ngược so với mức tăng trưởng 2,3% lên 261,4 tỷ USD của tháng 9.
Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa giảm 1,8%, xuống còn 173,5 tỷ USD. Xuất khẩu hàng tiêu dùng giảm 2,1 tỷ USD, dẫn đầu là các mặt hàng kim cương đá quý và dược phẩm. Xuất khẩu ô tô, phụ tùng và động cơ cũng giảm 0,9 tỷ USD.
Tuy nhiên, xuất khẩu vật tư và nguyên liệu công nghiệp tăng 1,2 tỷ USD, trong khi xuất khẩu tư liệu sản xuất đạt mức cao kỷ lục là 51,2 tỷ USD. Xuất khẩu dịch vụ cũng tăng 0,6 tỷ USD, lên mức 85,3 tỷ USD, nhờ vào các dịch vụ vận tải, tài chính và kinh doanh.
Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong tháng 10 vừa qua tăng 0,2%, lên mức 323 tỷ USD, trong đó, nhập khẩu hàng hóa tăng 0,1%, lên mức 263,3 tỷ USD.
Nhập khẩu dịch vụ tăng 0,2 tỷ USD, lên mức 59,8 tỷ USD. Nhập khẩu tư liệu sản xuất cũng tăng 1,8 tỷ USD do kim ngạch nhập khẩu linh kiện máy tính, thiết bị khoan và khai thác dầu mỏ gia tăng. Trong khi đó, nhập khẩu ô tô, phụ tùng và động cơ giảm 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, đồng USD đã tăng giá hơn so với các đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Mỹ kể từ cuối tháng 12/2021 do FED tiến hành chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất trong nhiều thập kỷ qua để kiềm chế lạm phát. Chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn của các ngân hàng trung ương toàn cầu cũng làm xói mòn nhu cầu ở nước ngoài đối với hàng hóa Mỹ.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá thâm hụt thương mại gia tăng có thể sẽ trở thành lực cản đối với sức tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong quý IV/2023, với mức dự báo tăng trưởng hiện dưới 2%.
Trước đó, ngày 1/11, kết thúc cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kéo dài 2 ngày, FED đã quyết định giữ lãi suất ổn định ở mức cao nhất trong 22 năm nhưng vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới nhằm làm chậm lạm phát.
Theo Chủ tịch FED Jerome Powell, ngân hàng trung ương sẽ duy trì chính sách thắt chặt cho tới khi lạm phát giảm một cách bền vững về mục tiêu 2% mà FED đề ra./.