Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thái Nguyên tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Sáu, 08/11/2024 09:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong bối cảnh thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp và gây ra hậu quả nghiêm trọng, 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Thành công này không chỉ thể hiện sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, mà còn là minh chứng cho sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân.

Kết quả thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đạt được mức tăng trưởng ấn tượng, xếp thứ hai ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và thứ sáu trong khu vực Vùng Thủ đô, sau Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và Vĩnh Phúc.

Thái Nguyên cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong việc xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ then chốt, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, biến tỉnh thành một trung tâm công nghiệp và kinh tế hiện đại của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Điều này cho thấy Thái Nguyên không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế truyền thống mà còn chú trọng đến việc áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy tăng trưởng.

Năm 2023, Thái Nguyên không chỉ đạt mà còn vượt qua các chỉ tiêu kinh tế đề ra, với tốc độ tăng trưởng GRDP ấn tượng là 6,8%. Điều này phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Cơ sở HTX chè Hảo Đạt phát triển kinh tế theo hướng tập thể, liên kết sản xuất đem lại kinh tế cao 

9 tháng đầu năm 2024 vừa qua, kinh tế Thái Nguyên duy trì tăng trưởng ổn định; GRDP đạt mức 5,56%; trong đó khu vực nông – lâm – thủy sản giảm 0,49%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 5,41%; khu vực dịch vụ tăng 7,89%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,75%.

Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2024 tăng 7% so với cùng kỳ và đạt 67,4% kế hoạch. Giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 8,35% so với cùng kỳ và đạt 74,7% kế hoạch. Tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2024 tăng 11,2% so với cùng kỳ, đạt 78,1% so với dự toán Chính phủ giao; đạt 64,5% so với dự toán HĐND tỉnh giao.

Nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024, đặc biệt là chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng yêu cầu các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch của UBND tỉnh về Phân công, chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, trong đó tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Cụ thể, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; phát triển thị trường, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đẩy mạnh việc thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Triển khai có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Tham gia hoàn thiện thể chế, thực hiện hiệu quả các quy định pháp luật và các quy hoạch. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Thái Nguyên đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 43 dự án trong và ngoài ngân sách với số vốn 21,82 nghìn tỷ đồng; cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 37 lượt dự án FDI với số vốn 590,35 triệu USD. Đặc biệt, công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Kết quả giải ngân đến hết tháng 9/2024 đạt 54,1% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 32,7% kế hoạch vốn địa phương giao.

 Mô hình sản xuất chè theo hướng hợp tác xã giúp giải quyết việc làm cho người dân tăng thu nhập, giảm nghèo

Về sản xuất  nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đến nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 118/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 93,65%), 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 03 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thành phố Phổ Yên); 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Phú Bình, huyện Đại Từ, huyện Định Hóa).

Về lĩnh vực xã hội, trong 9 tháng năm 2024 toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ nhà ở cho 280 hộ nghèo, hộ cận nghèo thông qua Đề án xóa nhà dột nát của tỉnh, nguồn xã hội hóa và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Ngày 21/9/2024 vừa qua, Đại học Thái Nguyên là một trong những đại học được ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn phục vụ đào tạo nhân lực bán dẫn theo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Công tác đối ngoại được tăng cường, tỉnh đã tổ chức thành công đoàn công tác, xúc tiến đầu tư tại Anh, Đức, Hà Lan. Công tác đối ngoại nhân dân và vận động viện trợ Phi chính phủ nước ngoài được triển khai hiệu quả, đúng quy định. Tính đến tháng 9 năm 2024, UBND tỉnh đã phê duyệt, tiếp nhận 12 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng giá trị 13,87 tỷ đồng.

Bứt phá trong quý IV để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5% trong năm 2024

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5% trong năm 2024, hhieenj Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

Khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên. 

Khẩn trương thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó tập trung hoàn thiện các dự án xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm, mang tính liên vùng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh chú trọng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ đó sẽ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp tỉnh tiếp cận và phát triển các thị trường mới. Sự đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ sẽ không chỉ thu hút du khách mà còn góp phần vào việc quảng bá hình ảnh và văn hóa của Thái Nguyên ra thế giới.

Tập trung vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khỏe là những yếu tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Việc giảm tỷ lệ hộ nghèo cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu, góp phần vào việc xây dựng một xã hội công bằng và phát triển toàn diện.
 
Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực thực hiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Công tác giải phóng mặt bằng đang được đẩy nhanh để triển khai các dự án hạ tầng quan trọng tại khu vực phía Nam tỉnh.
 
Với sự quyết tâm cao độ và sự hỗ trợ từ cả hệ thống chính trị và người dân, Thái Nguyên đang tiến gần hơn tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của mình. Đây là một hành trình đầy thách thức nhưng cũng rất đáng mong đợi, và nếu thành công, nó sẽ là một minh chứng cho sức mạnh của sự đổi mới và phát triển bền vững.
 
Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN