Thái Nguyên: Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng
Giai đoạn năm 2016 - 2020, tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng
Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, tỉnh điều chỉnh cơ cấu cây trồng theo lợi thế từng địa phương và phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung; ưu tiên phát triển rừng kinh tế; sử dụng hiệu quả diện tích mặt nước, đẩy mạnh nuôi thâm canh để tăng năng suất, chất lượng thuỷ sản... Đối với lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đẩy mạnh việc cải tạo, trồng mới, thay thế diện tích chè giống cũ, đảm bảo đến năm 2020 diện tích chè giống mới đạt 80% tổng diện tích và có 10.000 ha chè đủ điều kiện để chứng nhận VietGAP.
Mỗi năm, tỉnh hỗ trợ sản xuất và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm 1.000 ha trở lên; xây dựng 7 mô hình vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất chè an toàn tại vùng chè trọng điểm như Đại Từ, Phú Lương, Định Hoá, Đồng Hỷ, Phổ Yên, Tp. Thái Nguyên.
Diện tích đất lúa được sử dụng và chuyển đổi linh hoạt với tổng diện tích khoảng 41.000 ha; trong đó, chuyển đổi ít nhất 3.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn và xây dựng ít nhất 50 mô hình dự án "cánh đồng lớn"; thực hiện đổi thửa, dồn điền và quy hoạch trên 1.000 ha thuộc vùng trọng điểm sản xuất rau hàng hoá để xây dựng mô hình, dự án sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Thái Nguyên đẩy mạnh theo hướng tập trung công nghiệp, ứng dụng công nghệ với mục tiêu giai đoạn năm 2016 - 2020 tăng 5% sản lượng sản phẩm chăn nuôi trang trại, chăn nuôi công nghiệp mỗi năm, chiếm trên 40% đến 50% tổng sản lượng thịt hơi sản xuất trong tỉnh; xây dựng mới từ 6-8 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; xây dựng một số mô hình liên kết chuỗi điểm tại các địa phương chăn nuôi trọng điểm.
Hiện, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích 14.000 ha, trồng rừng thâm canh, cải tạo rừng nghèo kiệt, phát triển công nghiệp chế biến lâm sản theo hướng quy mô công suất phù hợp, ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng các sản phẩm có giá trị. Đồng thời, hỗ trợ phát triển 420 cơ sở chế biến lâm sản với một số sản phẩm chủ yếu: ván MDF, ván thanh, ván ghép thanh, viên gỗ nén, dặm gỗ, bột giấy... Diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục được mở rộng, đạt hơn 6.800 ha và tăng tỉ lệ diện tích nuôi thâm canh bằng giống thuỷ sản có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao.
Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, chuyển hướng phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là yêu cầu thực tế, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất, đời sống cho nông dân. Để các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đạt hiệu quả cao, tỉnh Thái Nguyên đang chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn phục vụ sản xuất hàng hoá chất lượng, giá trị kinh tế cao.
Cùng với việc tăng cường vận động người dân “dồn điền, đổi thửa” và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học về giống cây trồng, vật nuôi theo lợi thế từng địa phương, tỉnh cũng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, xây dựng mới các chính sách như: hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên đất lúa; miễn, giảm, hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang phát triển chăn nuôi tập trung; hỗ trợ áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn../.