Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thái Nguyên nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ Hai, 12/12/2022 16:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương về hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những năm qua, Thái Nguyên đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn, góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Người uy tín trong đồng bào DTTS và miền núi được tập huấn các văn bản của Trung ương, tỉnh về công tác dân tộc. 

Xếp thứ 2/11 tỉnh miền núi vùng Đông Bắc có tỷ lệ hộ nghèo thấp

Tỉnh Thái Nguyên có gần 1,3 triệu người với 51 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 8 dân tộc chiếm số đông (Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Mông, Sán Chay, Dao, Hoa), đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh.

Tính đến thời điểm 1/10/2019, tỉnh Thái Nguyên có 124 xã vùng DTTS và miền núi (đến cuối năm 2021 còn 110 xã). Số hộ DTTS là 130.917 hộ với tổng dân số là 384.348 người chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh, sinh sống tập trung chủ yếu ở 5 huyện miền núi, vùng cao: Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ.

Nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là công tác an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, giảm nghèo. Các chương trình, chính sách đầu tư vùng DTTS và miền núi đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng.

Một trong những chương trình mang lại dấu ấn tích cực trong thực hiện chính sách dân tộc ở Thái Nguyên là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi (Chương trình 135).

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên chỉ còn 14 xã và 142 xóm đặc biệt khó khăn, có 66/110 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 65%), tỷ lệ cao gấp 3 lần bình quân chung vùng dân tộc thiểu số và miền núi toàn quốc…

Cùng với tập trung phát triển kinh tế, tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bằng nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, được triển khai hiệu quả, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của các cấp, ngành, chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hoàn thành vượt kế hoạch, giảm từ 2,82% xuống còn 2,17% cuối năm 2021, giảm 0,65%, vượt 0,2% (chỉ tiêu là 0,45%). Thực hiện rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đầu kỳ giai đoạn 2022-2025, theo báo cáo kết quả sơ bộ của các huyện, thành, thị, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 6,09% (20.416 hộ) và 16.274 hộ cận nghèo chiếm 4,85% trên tổng số hộ dân cư toàn tỉnh. Kết thúc năm 2021, Thái Nguyên xếp thứ 2 trong 11 tỉnh miền núi vùng Đông Bắc có tỷ lệ hộ nghèo thấp, tăng 3 bậc so với năm 2020.

Gần 2.000 tỷ đồng cho đồng bào DTTS và miền núi

Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: Ðặc biệt quan tâm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn...

Để thực hiện tốt mục tiêu, giải pháp mà tỉnh đưa ra là: Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là ở vùng DTTS, miền núi. Từ nay đến năm 2025, Nhà nước đầu tư 1.984 tỷ đồng đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Thái Nguyên, trong đó tập trung đầu tư 10 dự án thành phần nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, tạo sinh kế nâng cao đời sống người dân.

Theo đó, các dự án thành phần sẽ tập trung vào việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tại những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, trong đó chú trọng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.

Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: Ðặc biệt quan tâm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Cùng với đó, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS; phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi.

Đồng thời, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Với sự đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh bình quân 2%/năm, tăng mức thu nhập bình quân của người DTTS lên gấp 2 lần so với năm 2020; giảm 50% số xã, thôn, xóm ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Phấn đấu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% đường đến trung tâm thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 96% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phủ sóng đài phát thanh, truyền hình của trung ương và địa phương.

Ngoài ra, công tác y tế sẽ được tăng cường để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế, trên 95% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên tập trung 6 giải pháp, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tính chủ động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách dân tộc nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng.

Đồng thời, giải pháp của tỉnh Thái Nguyên đưa ra là khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trong đồng bào DTTS; huy động mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình, trong đó tinh thần tự lực, tự cường vượt khó vươn lên của người dân giữ vai trò quan trọng, nguồn ngân sách Nhà nước là quyết định. Tăng cường các hoạt động khoa học và công nghệ nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi…/.

Linh Nhi

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN