Thái Lan hy vọng hoàn tất đàm phán FTA với EU vào năm 2025
(ĐCSVN) - Thái Lan dự kiến tổ chức vòng đàm phán thứ hai về hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 1/2024, với mục tiêu hoàn tất hiệp định trong vòng 2 năm.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Phumtham Wechayachai (giữa) tiếp đại diện Hội đồng Doanh nghiệp EU-ASEAN (EU-ABC) và Hiệp hội Doanh nghiệp và Thương mại Châu Âu (EABC). (Ảnh: Pattaya Mail) |
Bà Chotima Iemsawasdikul, Cục trưởng Cục đàm phán thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, vòng đàm phán ở Bangkok sắp tới sẽ đề cập đến tự do hóa thương mại, đầu tư và dịch vụ. Hai bên dự kiến tiến hành 3 cuộc gặp mỗi năm, với mục tiêu hoàn tất đàm phán vào năm 2025.
Thái Lan và EU đã tiến hành vòng thảo luận FTA đầu tiên vào tháng 9 năm nay tại Brussels, Bỉ. Vòng này bao gồm các cuộc họp cấp trưởng đoàn và 19 cuộc họp cấp tiểu ban chuyên môn.
Trong một diễn biến liên quan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, Phumtham Wechayachai cho biết trong tuần qua ông đã có cuộc gặp với ông Bernd Lange, thành viên Nghị viện châu Âu đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA), và bà Heidi Hautala, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu tại Bangkok, để thảo luận các vấn đề thương mại giữa hai bên. Trong cuộc gặp, ông Phumtham đã đề nghị INTA hỗ trợ FTA Thái Lan-EU, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết và thực thi nhanh chóng.
Ông Phumtham cho biết, các cuộc thảo luận cũng đề cập đến các vấn đề thương mại quan trọng khác, bao gồm thương mại xanh, môi trường và tính bền vững của các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hai bên nhất trí giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, cũng như thúc đẩy lĩnh vực đánh bắt cá bền vững là trách nhiệm của mọi quốc gia.
Ông Phumtham cho biết, Nghị viện châu Âu đóng vai trò quan trọng trong việc phê duyệt FTA Thái Lan-EU. Các chuyến thăm Thái Lan cũng như các cuộc thảo luận chung với chính quyền và đại diện pháp lý của Thái Lan cho thấy tầm quan trọng của EU đối với Thái Lan với tư cách là một đối tác kinh tế.
EU hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Thái Lan sau Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Giá trị thương mại hai chiều giữa Thái Lan và EU trong 10 tháng đầu năm nay đạt 35 tỷ USD, tăng 1,96% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 7,3% tổng giá trị thương mại của Thái Lan trên toàn thế giới.
Xuất khẩu của Thái Lan sang EU trị giá 18,2 tỷ USD, giảm 4,42%, trong khi nhập khẩu từ EU đạt 16,7 tỷ USD, tăng 9,94%.
EU và Thái Lan lần đầu tiên tổ chức đàm phán về FTA vào năm 2013, nhưng quá trình này đã bị đình chỉ trong nhiều năm sau đó do những bất ổn chính trị tại Thái Lan. Đến nay, đầu tư của EU vào Thái Lan trong các lĩnh vực năng lượng sạch và tái tạo, xe điện và chip điện tử vẫn còn hạn chế, mặc dù đây là những lĩnh vực chiến lược cho chính sách công nghiệp của châu Âu.
Cao ủy Thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết, FTA giữa EU và Thái Lan sẽ thúc đẩy quy mô và tính bền vững trong thương mại, cũng như thúc đẩy sự đổi mới và củng cố chuỗi cung ứng giữa hai bên. Ông Valdis Dombrovskis cho rằng, thương mại mở là một trong những trụ cột của kế hoạch công nghiệp “Thỏa thuận Xanh” của EU, qua đó hướng tới tăng khả năng cạnh tranh của EU trên phạm vi toàn cầu.
EU hiện đang nỗ lực mở rộng thương mại với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. EU đã ký các FTA với Việt Nam và Singapore. Tháng 9 năm ngoái, EU đặt mục tiêu ký FTA với Indonesia trong vòng 2 năm.
Trong khi đó, Thái Lan hiện có 14 FTA với 18 quốc gia, bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), có hiệu lực vào đầu năm ngoái./.