Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thái Bình tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả tiềm năng

Thứ Ba, 12/10/2021 18:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với định hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhờ quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ, Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định, toàn tỉnh sẽ không ngừng vượt khó, tăng cường nội lực để tạo ra nền tảng toàn diện, vị thế và điều kiện mới để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vững chắc trong những năm tới.

 Lễ ký kết hợp tác giữa tỉnh Thái Bình và các doanh nghiệp ngày 21/9/2021.

Hết lòng vì người dân và doanh nghiệp

Chia sẻ về các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2025, định hướng 2030 và tầm nhìn năm 2045, lãnh đạo Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, một trong những giải pháp quan trọng là phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp và các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Để thực hiện giải pháp này, tỉnh đã, đang và sẽ thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước ở những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ. Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công theo hướng nâng cao năng lực tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và tài chính; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực dịch vụ công. Tiếp tục đổi mới hoạt động của các loại hình hợp tác xã; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Song hành với đó, tỉnh cũng tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp để nâng cao vị trí xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI). Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, đơn giản hoá thành phần hồ sơ và cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục thực hiện nghiêm quy định “5 tại chỗ" tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân.

Cùng với đó, tỉnh xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi công vụ trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 được cung cấp đến người dân trên nhiều phương tiện khác nhau. Các cấp chính quyền, cơ quan hành chính phải chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý, thường xuyên rà soát, điều chỉnh, sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi những quy định, chính sách không còn phù hợp; tăng cường đối thoại và kịp thời xử lý những kiến nghị, phản ánh để tháo gỡ thực chất các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư, có biện pháp cụ thể để quảng bá tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của tỉnh đến các nhà đầu tư. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tham mưu và phối hợp giải quyết yêu cầu của các nhà đầu tư. Các đề xuất của nhà đầu tư đều phải được xem xét thấu đáo và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn.

Vươn mình với tiềm năng

 Nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa được tái phát triển và đẩy mạnh tại tỉnh Thái Bình.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Thái Bình cũng khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch tài nguyên nước, khoáng sản cát trong quy hoạch tỉnh. Tổ chức quản lý, triển khai chặt chẽ, bố trí đủ, kịp thời các nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đặc biệt là tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong xây dựng, triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và các chương trình, dự án đầu tư. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường. Khuyến khích xây dựng các lò đốt rác thải sinh hoạt tập trung, công suất lớn, sử dụng công nghệ cao, thay thế các lò đốt rác công suất nhỏ không còn phù hợp.

Mặt khác là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường; chú trọng thanh tra, kiểm tra tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, việc sử dụng đất ở khu dân cư, đất bãi bồi ven sông, ven biển, giám sát việc khắc phục vi phạm sau thanh tra, kiểm tra. Quan tâm đầu tư, hiện đại hóa cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường. Xây dựng, triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực thông tin, dự báo, cảnh báo thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng để Thái Bình vươn mình là phải tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại của Đảng với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Tiếp tục mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác quốc tế với các tỉnh, thành phố ở các nước trên thế giới, nhất là các nước có quan hệ truyền thống với nước ta, các nước ở khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Australia...

Tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục hướng hoạt động đối ngoại vào việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế và các cơ chế chính sách của tỉnh thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình, vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản và các lĩnh vực y tế (nhất là đào tạo nhân lực y tế), du lịch, văn hoá. Tỉnh cũng tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá và xúc tiến đầu tư ở các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam. Đồng thời duy trì, thúc đẩy quan hệ với các tổ chức, cá nhân nước ngoài có thiện chí với nước ta và với tỉnh Thái Bình.

Bài, ảnh: KC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN