Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thạch Thành: Chú trọng nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Năm, 29/12/2022 16:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong thời gian qua, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã dành nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn được quan tâm được xây dựng, góp phần đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

 Một góc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: Quách Cường.

Thạch Thành là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hoá, trung tâm huyện cách thành phố Thanh Hóa 58km, gồm 2 dân tộc Kinh (51%) và dân tộc Mường (47%). Thạch Thành nằm tiếp giáp với nhiều địa phương như huyện Lạc Sơn, Tân Lạc (Hòa Bình), huyện Nho Quan (Ninh Bình), có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, nơi lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa của tỉnh. 

Những năm qua, Đảng bộ huyện Thạch Thành luôn quan tâm phát triển lĩnh vực văn hoá - xã hội và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua thực hiện các chính sách, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và người dân, bộ mặt huyện Thạch Thành ngày càng thay da đổi thịt, đời sống nhân dân được nâng lên.

Huyện Thạch Thành đã dành nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn được quan tâm được xây dựng, góp phần đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Nhờ tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, lựa chọn bước đi phù hợp trong tổ chức sản xuất, nỗ lực vượt khó, Thạch Thành đã vượt lên đạt được những kết quả quan trọng, nhất là trong công tác xóa đói, giảm nghèo.

Đến nay, kinh tế của huyện có bước phát triển khá, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định. Cụ thể, năm 2022, kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tổng giá trị sản xuất năm 2022 ước đạt 16.489,2 tỷ đồng, đạt 99,5% so với kế hoạch năm. Chương trình xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện, đến nay, bình quân toàn huyện đạt 5/9 tiêu chí huyện nông thông mới, 14,04 tiêu chí/xã và 12,55 tiêu chí/thôn. Sản xuất công nghiệp năm 2022 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Hoạt động thương mại dịch vụ tăng trưởng mạnh. Công tác quy hoạch, phát triển đô thị, được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng cao.

Trình diễn đánh cồng chiêng là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường, huyện Thạch Thành - Ảnh: Báo Thanh Hóa 

Theo báo cáo, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn huyện, trong 2 năm 2020-2021 đạt hơn 5.664 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước hơn 739 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hơn 1.857 tỷ đồng, vốn dân cư hơn 3.067 tỷ đồng. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển địa bàn 10 tháng năm 2022, là 2.560 tỷ đồng, đạt hơn 85% kế hoạch.

Từ nguồn vốn này, nhiều dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn như dự án đường giao thông từ xã Thành Mỹ qua xã Thành Yên vào Khu di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận (khi dự án này hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ cho khu vực xã đặc biệt khó khăn Thành Yên); Dự án Nhà máy Chế biến nông sản xuất khẩu Thủy Nguyên tại xã Thành Tâm; Dự án trồng cây ăn quả cam, bưởi, ổi, bơ công nghệ cao tại thị trấn Vân Du và xã Thành Tân.

Ngoài ra, Thạch Thành còn huy động tối đa mọi nguồn lực trong xã hội kết hợp với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước nhằm tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, Thạch Thanh đã lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi và dân tộc thiểu số, các dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cụ thể, năm 2022, huyện Thạch Thành được tỉnh phân bổ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 29 tỷ đồng. Từ nguồn ngân sách này, huyện đã thực hiện nhiều dự án để hỗ trợ sinh kế cho người dân, đặc biệt hỗ trợ cho địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Đơn cử như, huyện đã hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi với số tiền 2 tỷ đồng; đã đầu tư 25 công trình xây dựng hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi  ở các xã Thành Minh, Thành Yên, Thạch Tượng, Thạch Quảng... Đầu tư, xây dựng đường giao thông từ thôn Đồng Thành xã Thành Yên đi thôn Đồng Luật xã Thành Mỹ với tổng mức đầu tư gần 4 tỷ đồng; sửa chữa chợ Thành Vinh xã Thành Vinh, tổng mức đầu tư hơn 758 triệu đồng.

Về phát triển giáo dục đào tạo và phát triển văn hóa, huyện đã đầu tư xây mới nhà ăn, nhà bếp; nâng cấp sửa chữa phòng ăn thành phòng ở; xây mới khu vệ sinh, công trình phụ trợ cho Trường THCS Dân tộc nội trú Thạch Thành; tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích Quốc gia đặc biệt Hang Con Moong xã Thành Yên; hỗ trợ chống xuống cấp di tích Quốc gia Chiến khu du kích Ngọc Trạo với số tiền 481 triệu đồng…

Có thể thấy, bằng nhiều giải pháp thiết thực, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Thạch Thành đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2020 toàn huyện có 1.881 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,13% thì năm 2021 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020) toàn huyện chỉ còn 1.004 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,7%; 2.396 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 6,45%. Với kết quả đó, huyện Thạch Thành đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm giảm bình quân 2,3% tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới), trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm bình quân 2,5%/năm trở lên.

Với kết quả đã đạt được, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong năm 2023, Thạch Thành sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, nông nghiệp quy mô lớn, với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt 15%; thu nhập bình quân đầu người phấn đấu đạt 59,9 triệu đồng/người/năm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển đồng bộ và toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 để hỗ trợ, giải quyết toàn diện những khó khăn, những nhu cầu thiết yếu trong đời sống dân sinh của đồng bào, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV đã đề ra, phấn đấu Thạch Thành trở thành đơn vị dẫn đầu các huyện miền núi của Thanh Hóa./.

Quách Cường

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN