“Tết của me tôi”
(ĐCSVN) – Trong thơ Nguyễn Bính, Tết không chỉ gợi ý niệm về thời gian mà còn gợi cả những ý niệm không gian cùng một tấm lòng thiết tha vô hạn với quê hương của tác giả. “Tết của me tôi” là bài thơ gợi nhớ về một cái Tết đậm đà bản sắc dân tộc Việt. Bằng lối kể chuyện tự nhiên, Nguyễn Bính đã nêu bật sự đảm đang lo cái Tết của gia đình, hoàn toàn nằm trên vai người mẹ.
Tết của me tôi
Tết đến me tôi vất vả nhiều,
Me tôi lo liệu đủ trăm chiều.
Sân gạch tường hoa, người quét lại
Vẽ cung trừ quỷ, trồng cây nêu.
Nuôi hai con lợn tự ngày xưa
Me tôi đã tính “Tết thì vừa”.
Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó
Dọn nhà, dọn cửa, rửa bàn thờ.
Này là hăm tám tết rồi đây
(Tháng thiếu cho nên hụt một ngày),
Sắm sửa đồ lễ về việc tết,
Me tôi đi buổi chợ hôm nay.
Không như mọi bận, người mua quà
Chỉ mua pháo chuột và tranh gà,
Cho các em tôi, đứa mỗi chiếc
Dán lên khắp cột, đốt inh nhà.
Giết lợn, đồ xôi, lại giết gà
Cỗ bàn xong cả từ hôm qua
Suốt đêm giao thừa, mẹ tôi thức
Lẩm nhẩm câu kinh Đức Chúa Ba.
Me tôi gọi cả các em tôi
Đến bên mà dặn: “Sáng ngày mai
Các con phải dậy sao cho sớm
Đầu năm, năm mới phải lanh trai.
Mặc quần, mặc áo, lên trên nhà
Thắp hương, thắp nến lễ ông bà
Chớ có cãi nhau, chớ có quấy
Đánh đổ, đánh vỡ như người ta...”
Sáng mồng một, sớm tinh sương
Me tôi cấm chúng tôi ra đường
Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi
Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương.
Thầy tôi lấy một tờ hoa tiên
Bút lông dầm mực, viết lên trên,
Trên những gì gì, tôi chẳng biết
Giữa đề năm tháng, dưới đề tên.
Me tôi thắt lại chiếc khăn sồi,
Rón rén lên bàn thờ ông tôi
Đôi mắt người trông thành kính quá
Ngước xem hương cháy đến đâu rồi.
Me tôi uống hết một cốc rượu
Mặt người đỏ tía vì hơi men,
Người rủ cô tôi đánh tam cúc
Cười ầm tốt đỏ đè tốt đen.
Tôi mặc một chiếc quần mới may
Áo lương, khăn lượt, chân đi giày,
Cho tôi sang lễ bên quê ngoại
Người dặn con đừng uống rượu say.
Xong ba ngày tết me tôi lại
Đầu tắt, mặt tối, nuôi chồng con,
Rồi một đôi khi người giã gạo,
Chuyện trò kể lại tuổi chân son.
Các chữ “me” trong bài thơ có bản in là “mẹ”.