Tây Ninh: Nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực
(ĐCSVN) - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh cho biết, thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, khẳng định quyết tâm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".
Ban Nội chính Tỉnh uỷ Tây Ninh phối hợp với Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề giải pháp nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Hội nghị chuyên đề giải pháp nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Tây Ninh |
Đến dự Hội nghị có đồng chí Trịnh Thăng Quyết, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương III, Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Quảng Đức Tuyên, Phó Chánh án Toà án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh; đồng chí Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ, đồng chí Ngô Văn Hối, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh cho biết, thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, khẳng định quyết tâm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào". Đặc biệt, ngày 17/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Tây Ninh, đây không chỉ là căn cứ, cơ sở khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh", mà còn được xem như cánh tay nối dài của Trung ương, thể hiện sự quyết tâm của toàn Đảng bộ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại hội nghị, Ban Tổ chức hội nghị thông qua báo cáo chuyên đề giải pháp nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh bằng hình thức trình chiếu Video clip. Một số thông tin nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (từ 01/01/2018 đến 31/12/2021), cụ thể: Tình hình tội phạm về tham nhũng diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, có 09/09 huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh xảy ra vụ, việc tham nhũng, cơ quan tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết 25 vụ án/59 bị can tham nhũng, tội phạm phát sinh chủ yếu là tội Tham ô tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong đó, tội Tham ô tài sản chiếm 76% trên tổng số vụ án khởi tố, tập trung phạm tội trong các lĩnh vực gồm: cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (12 vụ/25 bị can), giáo dục (07 vụ/10 bị can), y tế (05 vụ/23 bị can), tư pháp (01 vụ/01 bị can)… Tổng số tiền tham nhũng, thất thoát được xác định là trên 10 tỷ đồng, trong đó có nhiều vụ thiệt hại gần 02 tỷ đồng. Đáng chú ý là trong các vụ án được phát hiện, có vụ án - các đối tượng chiếm đoạt từ các nguồn quỹ như: kinh phí phòng, chống dịch bệnh COVID -19, kinh phí hỗ trợ nông dân, khám bệnh cho người nghèo…
Các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chủ động, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp trong thực hiện chức năng nhiệm vụ, tích cực nghiên cứu tham mưu, đề xuất với cấp ủy địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ, chất lượng giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Kết quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đạt được kết quả tích cực, số vụ án được phát hiện khởi tố ngày càng tăng; không có trường hợp phải đình chỉ do không phạm tội hoặc Tòa án xét xử tuyên không phạm tội, người phạm tội tham nhũng được xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng pháp luật, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thụ lý, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng thời gian qua còn những tồn tại, hạn chế: Tiến độ giải quyết tin báo, giải quyết vụ án tham nhũng có lúc còn chậm; giám định tư pháp còn kéo dài, gây ảnh hưởng tiến độ giải quyết các vụ án; vẫn còn tình trạng án bị huỷ, sửa, trả hồ sơ điều tra bổ sung…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận xoay quanh một số nội dung về thực trạng, bài học kinh nghiệm, những tồn tại, khó khăn, hạn chế và các giải pháp nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh đề nghị, Ban Nội chính Tỉnh uỷ và Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu phát biểu tại Hội nghị, rà soát các nội dung trong báo cáo tham luận, nhất là các ý kiến, kiến nghị, đề xuất về giải pháp để xây dựng báo cáo tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh có đánh giá chính xác, khách quan, đúng thực trạng, làm rõ nguyên nhân, chọn lọc các giải pháp mang tính xác thực, khả thi. Trên cơ sở đó, giao cho cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tham mưu Ban Chỉ đạo trên cơ sở kết quả báo cáo tổng kết của hội nghị, tham mưu văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh để thống nhất thực hiện.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ cũng đề nghị các cơ quan tư pháp, cấp uỷ, địa phương cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chức năng, pháp luật quy định góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan tư pháp phải gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về phòng, chống tham nhũng với việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong nội bộ cơ quan có chức năng được giao nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực…/.