Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tập trung triển khai các giải pháp để khai thác tiềm năng từ ngành hàng rong biển

Thứ Năm, 15/12/2022 14:07 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Rong biển là ngành hàng được đánh giá có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, để phát triển ngành hàng này, vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Đặc biệt, cần triển khai các giải pháp đồng bộ để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.

 Ngư dân thu vớt một số loại rong biển (Nguồn ảnh: TTXVN)

Tiềm năng ngành hàng rong biển

Ngành rong biển hiện nay được đánh giá có nhiều lợi thế và tiềm năng do nghề trồng rong biển hiện đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng từ các quốc gia có thu nhập cao như một giải pháp dựa vào thiên nhiên để phát triển kinh tế, đóng góp to lớn vào các mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc,...

Việc phát triển các công nghệ mới, dựa trên sinh thái, nuôi cấy bền vững sẽ đảm bảo việc làm trong tương lai cho các cộng đồng ven biển, các hệ sinh thái ven biển khỏe mạnh hơn và bảo vệ các quần thể hoang dã quan trọng.

Đáng chú ý, quy mô thị trường rong biển thương mại toàn cầu được định giá 16,6 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 10,8% từ năm 2021 đến năm 2028. Nhu cầu thị trường được dự đoán sẽ được thúc đẩy bởi sự phát triển công nghệ ngày càng tăng trong nuôi trồng rong biển cùng với đầu tư ngày càng tăng vào các phân khúc, bao gồm thức ăn chăn nuôi và nông nghiệp.

Xu hướng ăn lành mạnh (tập trung vào sức khoẻ và dinh dưỡng của món ăn) và chế độ ăn thực vật của người dân cũng là lý do thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành rong biển.

Theo dự báo, đến năm 2050, nhu cầu lương thực của con người sẽ tăng 70%, tương đương 5,4 nghìn triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, năng lực của ngành nông nghiệp để duy trì nhu cầu này bị hạn chế do thiếu đất, nước ngọt và đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Đó là lý do giải thích tại sao hoạt động trồng rong biển lại được quan tâm nhiều hiện nay. Các hoạt động trồng rong biển đều thân thiện với môi trường do trồng rong không cần hoặc ít bổ sung thức ăn, chất dinh dưỡng. Hơn nữa, do 70% diện tích bề mặt trái đất là đại dương nên việc mở rộng diện tích trồng rong biển sẽ thuận lợi hơn so với các cây trồng cạn khác khi diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho dân số thế giới ngày càng tăng.

Trong khi đó, rong biển góp phần cải thiện chất lượng nước. Việc tăng sản lượng nuôi trồng rong biển có thể mở ra cánh cửa cho một dạng năng lượng tái tạo hiệu quả hơn. Rong biển hỗ trợ cho hệ sinh thái phát triển bền vững như cung cấp thức ăn, môi trường sống và nơi trú ẩn cho nhiều loại cá và động vật không xương sống.

Tại Việt Nam có 88 loài rong biển có giá trị kinh tế và có thể trồng được trên biển. Diện tích trồng rong biển tiềm năng của nước ta khoảng 900.000 ha. Tuy nhiên đến nay cả nước chỉ khai thác được 10.150 ha trồng rong biển. Do đó Việt Nam còn nhiều dư địa để khai thác, phát triển ngành này.

Còn nhiều thách thức

Hiện nay, ngành hàng rong biển của nước ta đang còn gặp nhiều khó khăn. Đó là chất lượng giống rong biển đang ngày một suy giảm do giống gốc hầu hết là nhập ngoại. Sau một thời gian dài nhân giống vô tính, chất lượng suy thoái từ tốc độ sinh trưởng, hàm lượng đến chất lượng. Việc nhân giống sinh dưỡng lặp đi lặp lại dẫn đến tình trạng thoá hoá giống, làm giảm khả năng tăng trưởng của rong, giảm chất lượng rong khi thu hoạch và rong dễ bị nhiễm bệnh.

Việc trồng rong biển gần bờ hoặc ao đầm ven bờ thường ít tốn kém hơn cả về chi phí đầu tư và chăm sóc hơn trồng rong biển xa bờ. Tuy nhiên, diện tích trồng rong biển ven bờ ngày càng bị thu hẹp do diện tích mặt biển ven bờ thường được ưu tiên quy hoạch cho du lịch, nuôi thuỷ sản và một số lĩnh vực khác.

Cùng với đó, hiện nay, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến rong biển còn hạn chế. Ngoài ra, việc sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận là yêu cầu quan trọng từ thị trường nhưng chưa được người sản xuất coi trọng. Bên cạnh đó, thông tin về thị trường, cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý chưa đầy đủ cũng là cũng là những tồn tại cần khắc phục để ngành rong biển phát triển.

Ngoài ra, trình độ của người lao động trong ngành trồng rong biển chưa cao cũng gây khó khăn cho việc thay đổi tư duy và phương thức sản xuất.

Song song với đó, mặc dù các doanh nghiệp chế biến rong biển đã nỗ lực trong việc đa dạng hoá sản phẩm, tuy nhiên giá trị gia tăng của rong biển chưa nhiều và thiếu công nghệ chế biến rong biển.

Mặc dù rong biển có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại nhiều lợi ích đối với sức khoẻ nhưng tỷ lệ người dân sử dụng rong biển như một nguồn thực phẩm hàng ngày trong bữa ăn chưa nhiều, hoạt động truyền thông đến người tiêu dùng trong và ngoài nước chưa được quan tâm đúng mức.

Thêm vào đó, sản phẩm chế biến của rong biển còn đơn giản, hạn chế nên chưa hấp dẫn được thị trường tiêu thụ nội địa. Do ngành trồng rong biển chưa được quy hoạch, thiếu đồng bộ nên sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Giá bán rong biển còn thấp, không ổn định. Người trồng rong chủ yếu bán sản phẩm thô sơ cho thương lái và rong biển qua nhiều bên trung gian mới đến được với doanh nghiệp chế biến và người tiêu dùng. Do đó, giá thành sản phẩm bị tăng cao do chi phí trung gian.

Xây dựng các chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư nuôi trồng

Theo Tổng cục Thủy sản, đến năm 2025, phấn đấu sản lượng rong tảo biển đạt 180.000 tấn (trong đó 170.000 tấn thu hoạch gần bờ và 10.000 tấn thu hoạch xa bờ). Đến năm 2030, sản lượng rong tảo biển đạt 500.000 tấn (trong đó 400.000 tấn thu hoạch gần bờ và 100.000 tấn thu hoạch xa bờ).

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, sẽ cần nhiều giải pháp được triển khai thực hiện. Trong đó, cần xây dựng, ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kỹ thuật, quy trình sản xuất cụ thể đối với hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm rong biển để làm cơ sở quản lý và tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng hiện hành đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành trồng rong biển, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người trồng rong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Xây dựng các chính sách thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư nuôi trồng và xây dựng nhà máy chế biến rong biển và các sản phẩm từ rong biển. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trồng rong biển xa bờ, chế biến rong biển trên cơ sở gắn kết với nhu cầu thị trường và quy hoạch của những đối tượng nuôi khác, ưu tiên các công nghệ cao tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng từ rong và đa dạng hoá sản phẩm theo nhiều hình thức khác nhau.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới trong trồng, chế biến, chiết xuất các vi chất từ sản phẩm rong biển nhằm tạo sản phẩm giá trị gia tăng, giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ưu tiên nghiên cứu, phát triển công nghệ trong phục tráng, chọn tạo để nâng cao chất lượng giống, phòng ngừa dịch bệnh. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng rong biển trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm và y dược để thúc đẩy trồng rong biển. Tăng cường tập huấn kỹ thuật cho người dân về quy trình nuôi, thu hoạch rong biển để giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo Tổng cục Thủy sản, các doanh nghiệp chế biến cũng cần đa dạng hóa mặt hàng rong biển, phát triển mặt hàng mới nhằm mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân và yêu cầu khắt khe của các nhà nhập khẩu.

Nghiên cứu xu hướng tiêu thụ và thị trường rong biển trên thế giới bằng đánh giá nhu cầu rong biển trên thế giới, trong nước với các mục đích khác nhau như: thực phẩm, nông nghiệp, công nghiệp dệt, in hoa, dược liệu, mỹ phẩm, năng lượng sinh học...; tình hình sản xuất, cung cấp rong nguyên liệu và sản phẩm rong biển của các nước so với nhu cầu chung của thế giới. Biến động chi phí sản xuất, giá cả, giá thành sản xuất rong nguyên liệu và sản phẩm rong biển ... để có kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Đặc biệt, tổ chức phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ; hình thành và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng rong biển để đảm bảo đầu mối cung ứng đủ lớn và hình thành các liên kết trong sản xuất. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, nuôi trồng theo tiêu chuẩn chứng nhận để tiếp cận các yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất giống, công nghệ trồng, phòng trị bệnh, thu hoạch và chế biến rong biển và các sản phẩm từ rong biển./.

B.T

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN