Tạomột hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng về thị trường các-bon.
(ĐCSVN) - Thị trường các - bon và nhu cầu trao đổi tín chỉ các - bon trên thế giới diễn ra rất nhanh chóng, Việt Nam cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để sớm có thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon đi vào vận hành.
Nhằm đảm bảo thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 theo NDC và đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Theo đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, trong đó, quy định cụ thể hơn về các hoạt động kiểm kê khí nhà kính (KNK), phân bổ hạn ngạch phát thải KNK, quản lý tín chỉ các-bon và phát triển thị trường các-bon...
Ảnh minh họa |
Hiểu đúng về thị trường các-bon
Thị trường các-bon là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon. Trên thị trường các-bon, có 2 loại hàng hóa chính là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon.
Các công ty hoặc cá nhân có thể thông qua thị trường các-bon để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính của họ bằng cách mua hạn ngạch phát thải hoặc tín chỉ các-bon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới phải thực hiện việc cắt giảm khí nhà kính để đạt được thỏa thuận chung tại Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và các thỏa thuận quốc tế khác về khí nhà kính, từ đó nảy sinh nhu cầu mua bán phát thải. Tức là các quốc gia dư thừa quyền phát thải có thể bán cho các quốc gia phát thải nhiều hơn mục tiêu đã cam kết và ngược lại.
Thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy, tình hình phát triển thị trường các-bon và nhu cầu trao đổi tín chỉ các-bon trên thế giới diễn ra rất nhanh chóng, trong khi Việt Nam còn thiếu cơ sở pháp lý để sớm có thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon đi vào vận hành.
Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn riêng để hình thành cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon nội địa. Tuy nhiên thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế để trao đổi trên thị trường các-bon tự nguyện quốc tế, chủ yếu là các dự án theo Cơ chế CDM. Thông qua các cơ chế, có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ các-bon và trao đổi trên thị trường các-bon thế giới.
Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới tại Việt Nam nên khi sức nóng của tín chỉ các-bon tăng lên, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân hiểu chưa đúng đắn về thị trường các-bon và phương thức tạo tín chỉ các-bon để có thể giao dịch trên thị trường.
Xây dựng khung pháp lý cho thị trường mua bán tín chỉ các-bon
Chuyển đổi sang sản xuất xanh đang là xu thế mà nhiều nước đang theo đuổi để hướng tới mục tiêu phát thải các-bon bằng 0 vào năm 2050. Hay nói cách khác, việc chuyển đổi xanh hóa, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu trong các hoạt động thương mại và đầu tư trên toàn cầu.
Trong khi đó thị trường tín chỉ các-bon ở Việt Nam được dự báo trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh mẽ, bởi không chỉ dư địa lớn từ rừng mà còn ở các ngành năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, các dự án chuyển đổi năng lượng, thu gom và tái chế rác, nông lâm nghiệp...Việt Nam và nhất là các doanh nghiệp cần phải thay đổi và thích ứng, trước hết là tham gia vào thị trường tín chỉ các-bon, nếu như không muốn bị tụt hậu và bị mất vị thế tại thị trường tiềm năng này.
Vì vậy để biến tiềm năng các-bon rừng hay năng lượng tái tạo thành hàng hóa, mang lại nguồn thu thì việc sớm nghiên cứu ban hành khung pháp lý hoàn chỉnh chuyên sâu để thúc đẩy đầu tư và vận hành thị trường tín chỉ các- bon là việc làm có ý nghĩa tiên quyết.