Tạo thuận lợi trong mua bán trực tiếp điện tái tạo, bảo đảm an toàn hệ thống điện
(ĐCSVN) - Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp nghe báo cáo liên quan đến dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA), tổ chức chiều 7/6, tại Trụ sở Chính phủ.
Đề xuất khách hàng lớn sử dụng từ 500 nghìn kWh/tháng trở lênDự thảo Nghị định gồm 5 chương, 30 điều và 5 phụ lục.
Về đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, đây là đối tượng áp dụng Nghị định quy định cơ chế DPPA. Việc mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo không giới hạn công suất. Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, dự thảo Nghị định quy định “Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo từ gió hoặc mặt trời với công suất từ 10MW trở lên đấu nối vào hệ thống điện quốc gia trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh” là đối tượng mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia.
Về lý do giới hạn công suất từ 10MW trở lên, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: “Theo mô hình mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sẽ tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Đây là điều kiện thuận lợi để tham gia vào thị trường. Thời gian tới, khi vận hành trơn tru, có thể tiếp tục xem xét, bỏ giới hạn hoặc giới hạn công suất thấp hơn”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Văn Điệp - TTXVN) |
Đối với quy định khách hàng sử dụng điện lớn, các cơ quan, tổ chức có quan điểm trái ngược nhau về ngưỡng sử dụng điện của khách hàng sử dụng điện lớn. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)/các Tổng công ty Điện lực (PCs) đề nghị mức 1 triệu kWh/tháng trở lên. Trong khi đó, các tổ chức, công ty sử dụng điện sạch đề xuất ngưỡng 200 nghìn kWh/tháng.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, việc lựa chọn ngưỡng sử dụng điện của khách hàng lớn dựa trên cơ sở hài hòa mục tiêu các bên. Theo số liệu khảo sát phân bổ sản lượng tiêu thụ điện năng của các khách hàng sử dụng điện mua điện từ các PCs cho thấy, khách hàng lớn từ 1 triệu kWh/tháng trở lên là gần 1.500 khách hàng (chiếm gần 26% tổng điện năng); từ 500 nghìn kWh/tháng trở lên khoảng 3.000 khách hàng (chiếm 30% tổng điện năng); từ 200 nghìn kWh/tháng trở lên là hơn 7.700 khách hàng (chiếm 36,5% tổng điện năng).
"Cân đối nhu cầu của khách hàng sử dụng điện sạch và tác động tài chính đối với EVN và PCs, Bộ Công thương đề xuất khách hàng sử dụng điện lớn là khách hàng sử dụng điện từ 500 nghìn kWh/tháng trở lên", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết đã bổ sung nguồn điện sinh khối, hệ thống điện mặt trời mái nhà là một trong các loại hình năng lượng tái tạo.
Cụ thể, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo là đơn vị điện lực sở hữu nhà máy điện từ năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, các dạng năng lượng tái tạo khác và hệ thống điện mặt trời mái nhà. Riêng nguồn điện từ rác, hiện chưa có quy định rõ ràng về việc điện từ rác được coi là dạng năng lượng tái tạo nên chưa đưa vào.
Trên quan điểm tôn trọng quyền thỏa thuận, đàm phán của bên mua và bên bán; bảo đảm tính khả thi trong thực hiện các thỏa thuận, Bộ Công thương đề xuất các nội dung chính để tham khảo, không quy định Hợp đồng mua bán mẫu.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận về phương thức mua bán điện trực tiếp sử dụng lưới truyền tải điện quốc gia; yêu cầu bảo đảm an toàn của hệ thống điện khi tăng tỷ lệ điện tái tạo; mở rộng các nguồn điện tái tạo khác ngoài điện gió, điện mặt trời... Một số chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm phát triển thị trường mua bán điện trực tiếp và tính chi phí truyền tải theo chặng ở một số nước trên thế giới.
Khuyến khích hình thức mua bán điện trực tiếp không đưa lên lưới
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công thương rà soát, tiếp thu các ý kiến chuyên gia tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định; đồng thời giải trình thuyết phục hơn vấn đề kỹ thuật, chuyên môn dưới góc nhìn toàn hệ thống; làm rõ căn cứ quy định phạm vi điều chỉnh của nghị định là ưu tiên điện gió, điện mặt trời, thủy điện nhỏ trong khi chưa đưa vào điện rác, điện sinh khối, thủy điện lớn, điện nhiệt dư…
Dự thảo Nghị định phải quy định rõ chủ thể khách hàng lớn, có tiêu chí khoanh vùng; làm rõ chủ thể là khu công nghiệp, khu kinh tế có đơn vị quản lý hạ tầng và bán lẻ điện cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu chế xuất…
Nhấn mạnh việc khuyến khích hình thức mua bán điện trực tiếp không đưa lên lưới, Phó Thủ tướng cho rằng cần quản lý hoạt động này thật tốt, bảo đảm an toàn, phòng, chống cháy nổ cũng như cảnh quan môi trường, tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư, thương mại, thuế…
Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp - TTXVN) |
Đối với hình thức mua bán điện trực tiếp sử dụng hạ tầng truyền tải điện quốc gia, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương phân tích, làm rõ cơ chế tài chính trong đầu tư, phát triển hạ tầng, chi phí truyền tải điện năng bảo đảm công bằng, hiệu quả, tiết kiệm trong đầu tư hạ tầng truyền tải, gắn với nhu cầu phụ tải; tính đúng, tính đủ giá, chi phí dịch vụ sử dụng hạ tầng truyền tải điện.
Qua các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương cân nhắc kỹ phương án thiết kế trong Nghị định gồm 3 hợp đồng mua bán giữa: Đơn vị phát điện tái tạo và doanh nghiệp phân phối điện của EVN; doanh nghiệp phân phối điện của EVN và doanh nghiệp mua điện tái tạo; đơn vị phát điện tái tạo và doanh nghiệp mua điện tái tạo.
“Nên chăng cần tính đến phương án hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo và doanh nghiệp mua điện tái tạo, cùng hợp đồng truyền tải điện giữa đơn vị phát điện tái tạo và EVN”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là EVN, trong việc bảo đảm cân bằng, ổn định, an ninh, an toàn của lưới điện quốc gia; cập nhật, dự báo, đánh giá tác động khi tăng tỷ lệ điện tái tạo để điều chỉnh kịp thời việc triển khai Quy hoạch Điện 8 theo hướng quy hoạch động, để ngày càng mở rộng hơn đối tượng đầu tư năng lượng tái tạo cùng với các giải pháp công nghệ để bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống.
“Cần có quy định ưu tiên đơn vị phát điện tái tạo có giải pháp lưu trữ điện để góp phần bảo đảm nguồn điện nền cho hệ thống điện; biện pháp xử lý tình huống xảy ra sự cố lưới điện làm ảnh hưởng, thiệt hại đến người bán, người mua trực tiếp điện tái tạo”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, Nghị định phải quy định rõ trình tự, thủ tục cấp chứng nhận cho doanh nghiệp sử dụng năng lượng xanh theo đúng quy định của thế giới, trong đó nêu rõ số lượng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo doanh nghiệp đã tiêu thụ./.