Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tạo sinh kế, xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai

Thứ Hai, 18/03/2024 11:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Quản Bạ là huyện biên giới nằm ở khu vực phía Bắc tỉnh Hà Giang, là địa bàn thường xuyên phải hứng chịu các loại hình thiên tai như mưa lũ, ngập lụt, dông, lốc… Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cùng với sự đồng hành của các tổ chức, sinh kế người dân được đảm bảo, cuộc sống ổn định hơn.

Ảnh minh hoạ (Ảnh: TL) 

Hướng tới sinh kế bền vững

Triển khai các chương trình an sinh xã hội và phòng, chống thiên tai dựa vào cộng đồng, từ năm 2008 - 2023, Tổ chức Action Aid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ hỗ trợ Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam đã hỗ trợ cho huyện Quản Bạ 31,789 tỷ đồng.

Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tùng Vài Phàn Chẩn Phúc cho biết, nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và sự chung tay, góp sức của nhân dân trong xã, cầu chống lũ Bản Thăng (thôn Bản Thăng) và hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời (thôn Suối Vui) đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là hai trong số các công trình nằm trong Chương trình phòng, chống thiên tai dựa vào cộng đồng và đang phát huy hiệu quả tại xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ. Hai công trình trên đã góp phần giữ gìn trật tự thôn bản, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có lũ lớn, đồng thời giúp người dân đi lại dễ dàng, giao thương thuận lợi, phát triển hơn.

Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ Lục Giang Bằng thông tin, hàng năm, xã phối hợp với các cơ quan của huyện, của tỉnh tổ chức huấn luyện phòng, chống thiên tai cho nhân dân, đặc biệt là cấp thôn bản để nhân dân nắm rõ được tình hình thiên tai phức tạp và cách phòng, chống. Qua đó, nhận thức của người dân về công tác phòng, chống thiên tai được nâng lên. Trước thiên tai, người dân đã chủ động sửa chữa nhà, chằng néo mái nhà, sử dụng bao tải để che chắn đảm bảo trước các cơn gió lốc trên địa bàn. Đối với nông nghiệp, người dân chủ động thu hoạch lúa, hoa màu trước mùa mưa để đảm bảo lương thực, thực phẩm cho cuộc sống.

Đề cập đến sự chủ động trong công tác ứng phó thiên tai, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Đỗ Quang Dũng cho hay, thực hiện Chương trình phòng, chống thiên tai dựa vào cộng đồng, đến nay, 100% cấp xã ở huyện Quản Bạ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng phó thiên tai, xây dựng bài bản kế hoạch ứng phó, phòng, chống tiên tai, thường xuyên cập nhật tình hình dự báo thời tiết, mưa đá, lốc sét, lũ quét… Hiện nay, huyện đã thành lập được Đội cứu hộ cứu nạn với 80 thành viên; đội xung kích phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã có từ 20 thành viên trở lên. Huyện có 107 thôn, bản và ở tất cả các thôn, bản đều có đội xung kích. Đây là lực lượng thanh niên và dân quân tham gia để thực hiện các nhiệm vụ này.

 “Trong 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện chịu ảnh hưởng lớn của các đợt rét hại. Trước tình hình trên, các thông tin dự báo, cảnh báo hình thái thời tiết này trên các nhóm zalo đã được kết nối từ cơ quan thường trực là Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của huyện đến 107 thôn bản. Do đó, các rét đậm, rét hại vừa qua, huyện Quản Bạ không có thiệt hại về người và gia súc bởi đã làm tốt công tác phòng ngừa”, ông Đỗ Quang Dũng nêu ví dụ.

Là tổ chức quốc tế đã tham gia đồng hành cùng tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Quản Bạ nói riêng trong công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội, Trưởng Đại diện Tổ chức Action Aid Quốc tế tại Việt Nam Hoàng Phương Thảo cho rằng, Chương trình phòng, chống thiên tai của Tổ chức Action Aid tập trung vào 3 nội dung là chuẩn bị, ứng phó và phục hồi, trong đó ưu tiên các khâu về chuẩn bị năng lực cho cộng đồng để họ chủ động ứng phó, hỗ trợ vật chất, hỗ trợ thông tin... Trước khi thực hiện các mô hình, Tổ chức Action Aid phải tổ chức họp, lấy ý kiến người dân.

Trong quá trình triển khai Chương trình, địa phương ưu tiên thực hiện diễn tập phòng, chống thiên tai trong cộng đồng và trường học, truyền thông ngoài cộng đồng về phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu cho học sinh các trường Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở.

Xây dựng địa phương an toàn

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Vài Lục Giang Bằng, để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống thiên tai, UBND xã đã xây dựng kế hoạch ứng phó với thiên tai theo phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “Ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả). Trong đó, xã tập trung vào việc tập huấn sơ cấp cứu, cứu hộ cho Ban phòng, chống thiên tai xã, thôn; bổ sung các dụng cụ sơ cấp cứu - cứu hộ; nâng cấp hệ thống cảnh báo của toàn xã (loa cầm tay, loa cố định, phân công con người); tổ chức diễn tập kiểm tra tính khả thi của phương án cảnh báo, sơ tán dân; chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm để hỗ trợ các thôn ứng phó thiên tai...

Đối với huyện Quản Bạ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Quang Dũng cho hay, trên cơ sở các kế hoạch phòng, chống thiên tai của Trung ương, tỉnh Hà Giang, huyện Quản Bạ mong muốn các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ, trang bị kiến thức cho người dân, đặc biệt là đối tượng thanh niên nhận thức đầy đủ về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, các công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, thực hiện các giải pháp như trồng cây xanh, trồng rừng, nông nghiệp sinh thái… để giảm thiểu rủi ro, xây dựng địa phương an toàn trước thiên tai.

Cùng với đó, huyện Quản Bạ xác định, trong công tác phòng, chống thiên tai, việc cảnh báo sớm và tăng cường phòng ngừa là cần thiết. Trong đó, việc cải thiện và phát triển hệ thống thông tin về rủi ro thiên tai cho cộng động cần được ưu tiên. Do vậy, việc phối hợp của UBND huyện với các đơn vị liên quan trong thời gian qua đã tập trung vào 3 mục tiêu chính là hỗ trợ hành động của người dân cải thiện sinh kế, thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu và xây dựng cộng đồng an toàn. Qua sự hỗ trợ này, hai hợp tác xã do người dân làm chủ đã được thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả (Hợp tác xã dệt lanh Cán Tỷ, Hợp tác xã du lịch cộng đồng Taigoo) tại các xã Cán Tỷ, Nặm Đăm, huyện Quản Bạ. UBND huyện sẽ tiếp tục, phối hợp với các tổ chức chỉ đạo nhân rộng những mô hình nêu trên.

Anh Nguyễn Đỗ Mười, Chủ nhiệm Hợp tác xã du lịch Quản Bạ Taigoo chia sẻ, từ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các tổ chức, hiện nay hợp tác xã đã đi vào hoạt động và mang lại thu nhập ổn định cho 24 thành viên. Mọi người đều yên tâm làm việc và thường xuyên phối hợp với chính quyền xã, thôn làm tốt công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai.

Thông tin về những dự định trong thời gian tới, Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam Hoàng Phương Thảo cam kết, tiếp tục hỗ trợ và đồng hành với Hà Giang, với Quản Bạ và các khu vực khác trong công tác hỗ trợ sinh kế, giảm thiểu rủi ro thiên tai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương ngày càng bền vững hơn.

Trong chương trình họp xây dựng kế hoạch hoạt động của Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai được tổ chức tại xã Nặm Đăm, huyện Quản Bạ vào chiều 2/3/2024, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam mong muốn, các Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai hãy cùng nhau tiến về phía trước, tiếp tục hợp tác, hỗ trợ việc tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai như là cốt lõi quá trình phát triển của Việt Nam.

"Trước vẻ đẹp của tỉnh biên giới miền núi Hà Giang, với khung cảnh nên thơ và nền văn hóa phong phú, càng củng cố niềm tin của chúng tôi rằng, giảm thiểu rủi ro thiên tai không phải là một điều xa xỉ mà là một điều rất cần thiết", bà Pauline Tamesis khẳng định.

Thắng Trung

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN