Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tạo năng lực để nhóm dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù nhanh chóng phát triển

Thứ Hai, 11/09/2023 16:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong 10 dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, có một dự án riêng (Tiểu dự án 1 Dự án 9), được thiết kế dành cho các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù.

Ở nước ta, hiện nay, người Mảng có 1.043 hộ với 5.270 khẩu, sinh sống chủ yếu tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg, ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025, dân tộc Mảng được xếp vào nhóm các dân tộc có khó khăn đặc thù. Nghĩa là vừa có dân số ít (dưới 10.000 người) vừa có tình hình kinh tế - xã hội chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao, đời sống vật chất và tinh thần của bà con còn rất nhiều thiếu thốn.

Tính đến 31/12/2021, số hộ nghèo dân tộc Mảng là 785 hộ, chiếm 75,26% số hộ, chiếm 2,36% tổng số hộ nghèo các dân tộc thiểu số, chiếm 2,34% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.

Trong bài viết “Cần thay đổi hình ảnh dân tộc Mảng và La Hủ trên địa bàn tỉnh Lai Châu” đăng trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu, ông Lê Đức Dục - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, người Mảng rất ít kinh nghiệm trong việc chọn nương mới để sản xuất. Họ chặt cây, đốt cây, thu dọn nương, chọc lỗ tra hạt giống như nhiều dân tộc khác. Khoảng ba năm sau, khi nương đó bạc màu, họ lại đi tìm nơi mới. Nương cũ bỏ lại thành rừng thưa, dăm bảy năm sau được khai thác trở lại, nhưng cũng lại một hai năm sau thì bỏ hoang. Việc này vô hình chung đã đẩy một số gia đình vào vòng lao lý vì đã phá rừng trái phép.

Bên cạnh đó là nạn nghiện rượu, hôn nhân cận huyết thống cao cộng thêm ăn ở mất vệ sinh, thiếu dinh dưỡng, công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân còn nhiều bất cập là những nguyên nhân dẫn đến thoái hóa nòi giống.

Những khó khăn mà người Mảng đang gặp phải trong tiến trình phát triển cho thấy 14 dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù trong cả nước cần tiếp tục được quan tâm đặc biệt, bởi đang đứng trước nguy cơ ngày càng tụt hậu.

Ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc tặng quà đồng bào dân tộc Cống ở xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên  (Ảnh: PL )

Theo Kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, nhiều dân tộc thiểu số rất ít người có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số từ 1,5 - 2,2 lần. 7/13 dân tộc có trên 30% người trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo tiếng phổ thông, cao hơn 1,5 lần so với tỷ lệ bình quân chung của người dân tộc thiểu số. Nhà ở, điều kiện sinh hoạt, khả năng tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản của một số các dân tộc thiểu số rất ít người cũng thấp hơn và còn nhiều khó khăn so với các dân tộc khác.

Để giải quyết những vấn đề cấp bách đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người, đồng thời thực hiện chủ trương nhân văn của Đảng, Nhà nước ta về chính sách dân tộc với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và tại kỳ họp thứ 9, ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Trên cơ sở các nghị quyết của Quốc hội, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025.

Trong 10 dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025, thì có một dự án riêng (Tiểu dự án 1 Dự án 9), được thiết kế dành cho đối tượng là dân tộc thiểu số rất ít người, hay nói theo quan điểm của Nghị quyết số 120/2020/QH14 là các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù và nhóm dân tộc có số dân trên 1 vạn người nhưng đang gặp nhiều khó khăn.

Đồng bào dân tộc Si La được Nhà nước quan tâm bảo tồn phát triển văn hoá truyền thống 

Theo đó, các hộ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù có thể được hỗ trợ giống, chuồng trại, một số vật tư đầu vào để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ tiêm vắc-xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm; Hỗ trợ nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất, tổ chức lớp tập huấn cho các hộ gia đình về kiến thức sản xuất tại thôn, bản và tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm cho cộng đồng; Hỗ trợ xây dựng mô hình, tổ hợp tác liên kết theo chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm và các hoạt động phát triển sản xuất khác do cộng đồng đề xuất phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức hoạt động tư vấn dinh dưỡng, hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; khám, quản lý thai nghén và chăm sóc y tế đối với phụ nữ mang thai, hỗ trợ phụ nữ mang thai được tầm soát các loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến; hỗ trợ sinh con đúng chính sách dân số và phương tiện đi lại cho bà mẹ mang thai.

Đối với trẻ em dưới 05 tuổi: Hỗ trợ trẻ sơ sinh được tầm soát các loại bệnh bẩm sinh phổ biến; điều trị, cung cấp bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi; hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng công thức (cơm/cháo dinh dưỡng công thức ăn liền) cân đối hợp lý và sữa học đường cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Xây dựng mô hình nâng cao chất lượng dân số tại thôn, bản có đông đồng bào các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù sinh sống tập trung…

Đối với các thôn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù, có tỷ lệ hộ nghèo cao được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng; ưu tiên đầu tư các thôn đặc biệt khó khăn về đường giao thông, điện sản xuất, sinh hoạt, thủy lợi, công trình chống sạt lở, các công trình về văn hóa - giáo dục…

Bà Phạm Thị Thúy Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc cho rằng, những nội dung đầu tư trên sẽ tạo ra năng lực để đồng bào nhanh chóng hoà nhập với sự phát triển của xã hội đương đại, đồng thời tạo cơ hội để tiếp cận tốt hơn về giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội và cơ hội phát triển kinh tế, nhằm đảm bảo yêu cầu mở rộng cơ hội lựa chọn của đồng bào, giúp nhóm yếu thế thực hiện các quyền cơ bản, quyền phát triển bình đẳng, đầy đủ với các dân tộc khác./.

Phương Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN