Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tạo đột phá trong đổi mới sáng tạo khối doanh nghiệp Thủ đô

Thứ Ba, 01/10/2024 18:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo không chỉ là chìa khóa cho sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, mà còn là động lực quan trọng để Thủ đô Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung tiến xa hơn trên con đường phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (Techconnect and Innovation Vietnam 2024), ngày 1/10, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp UBND thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm: “Vai trò của đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp Thủ đô”.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, các viện, trường là chủ thể, các doanh nghiệp là trung tâm, thành phố đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể.

Ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) năm 2023, đứng đầu toàn quốc về số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Thành phố Hà Nội hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đem lại kết quả tích cực.

Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ tạo đột phá, tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế quản lý khoa học và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong viện, trường và các doanh nghiệp.

 Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Đức Hoàng, trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với năng lực hạn chế, các hoạt động ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo chỉ có thể được đẩy mạnh nếu doanh nghiệp được tiếp cận, hỗ trợ các nguồn lực cần thiết về tài chính, nhân lực và công nghệ. Tuy nhiên, việc tiếp cận và nhận ưu đãi về tài chính cho hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ vẫn còn một số vướng mắc như cơ chế về quỹ đầu tư mạo hiểm, bảo lãnh và ưu đãi vốn vay, các quỹ phát triển khoa học và công nghệ…

Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ còn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là những kiến thức, kỹ năng về tìm kiếm, đánh giá, quản trị công nghệ, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Các nguồn cung công nghệ trong nước phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn sản xuất. Các chính sách về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa thực sự phù hợp với đặc thù về sự thay đổi nhanh, tính rủi ro, độ trễ và tác động đa chiều của công nghệ. Trong khi đó, các chính sách về tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ công nghệ từ nước ngoài chưa được tập trung và thiếu nguồn lực triển khai. Ngoài ra, việc nắm bắt thông tin về nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp cũng như cung cấp thông tin về công nghệ cho doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Chính phủ đối với doanh nghiệp, trong đó có lực lượng doanh nghiệp Thủ đô, ông Nguyễn Trường Phi, Trưởng phòng Đổi mới sáng tạo, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, ngoài những chính sách chung, các ngành, lĩnh vực cũng đưa ra nhiều giải pháp ưu đãi, hỗ trợ đặc thù, như: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030; Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030...

Quang cảnh Tọa đàm. 

“Các cơ chế, chính sách hiện nay về cơ bản đã tạo lập được hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ của doanh nghiệp trong các giai đoạn nghiên cứu, phát triển, sản xuất và thương mại, đồng thời phù hợp với các nhóm doanh nghiệp có trình độ, năng lực công nghệ khác nhau. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính cũng khuyến khích doanh nghiệp quan tâm và ngày càng mạnh dạn đầu tư cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp Thủ đô, ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ chung còn được hưởng các ưu đãi đặc thù được quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024”, ông Nguyễn Trường Phi thông tin.

Tuy nhiên, TS Dương Thị Kim Liên, Viện trưởng Viện Hỗ trợ đổi mới sáng tạo doanh nghiệp cho rằng, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Theo TS Dương Thị Kim Liên, dù có các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ và chính quyền thành phố, nhưng các thủ tục hành chính và yêu cầu pháp lý vẫn còn khá phức tạp. Mặt khác, một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo là sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, trường đại học. Tuy nhiên, tại Hà Nội, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu chưa thực sự được thiết lập mạnh mẽ.

Cũng theo ông Nguyễn Võ Hưng, Ban Chính sách đổi mới sáng tạo, Viện Chiến lược chính sách khoa học và công nghệ, hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu chính là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo; trong đó cần chú trọng đến dịch vụ khuyến công nghệ cũng như tổ chức dịch vụ khuyến công nghệ để giúp các doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn cơ hội nghiên cứu, cải tiến, ứng dụng công nghệ.

Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo đã chia sẻ và giải đáp những vướng mắc về cơ chế, chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức về vai trò đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp cũng như thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo trong viện, trường, doanh nghiệp, đặc biệt là ở khu vực đô thị lớn, Thủ đô./.

Minh Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN