Tạo đột phá đưa tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị hạt nhân
(ĐCSVN) – Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì tỉnh Khánh Hòa rất khó thực hiện được các bước đột phá để trở thành đô thị hạt nhân, đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết. Ảnh: TL |
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, chiều 24/5, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là cần thiết. Bởi Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.Bên cạnh đó, thực tiễn tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53 của Bộ Chính trị cho thấy nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì tỉnh Khánh Hòa rất khó thực hiện được các bước đột phá để trở thành đô thị hạt nhân, đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương và hoàn thành các mục tiêu như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.
“Trong khi đó, một số tỉnh, thành phố có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị như: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng trước đây và gần đây là các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, thành phố Hải Phòng và Cần Thơ đã được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và bước đầu phát huy hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Để tạo đột phá và phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Khu Kinh tế Vân Phong, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dự thảo quy định các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển. Để hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược, dự thảo Nghị quyết cũng quy định nhà đầu tư chiến lược được hưởng chế độ ưu đãi theo hướng được trừ 150% chi phí nghiên cứu và phát triển thực tế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và được ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế.
Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cũng quy định nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược phải thực hiện các cam kết, nhất là cam kết thực hiện đúng các nội dung và tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cam kết không chuyển nhượng Dự án trong thời gian thực hiện đầu tư xây dựng. Nhà đầu tư chiến lược còn có nghĩa vụ hỗ trợ ứng trước kinh phí để thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề đối với lao động tại khu vực bị ảnh hưởng từ dự án,...
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ: Việc ban hành Nghị quyết là cần thiết, bởi Khánh Hòa có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước; có quần đảo Trường Sa, khu căn cứ quân sự Cam Ranh, tâm điểm kết nối giữa vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ. Phát triển tỉnh Khánh Hòa có vai trò quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Về phát triển Khu kinh tế Vân Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) cho rằng, chủ trương thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 09. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà đầu tư cần bảo đảm tuân thủ các điều kiện chặt chẽ vì Khu kinh tế Vân Phong cũng như tỉnh Khánh Hòa có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Nhiều đại biểu cho rằng là cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, có đại biểu cũng đề nghị cần sửa đổi, bổ sung về một số nội dung tại dự thảo Nghị quyết.Đại biểu Trần Quốc Tỏ (Bắc Ninh) nêu quan điểm đồng tình thống nhất cao với nội dung Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù. “Như chúng ta đã biết Khánh Hòa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh của cả nước, có tiềm năng để phát triển và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Nam Trung Bộ”, đại biểu Trần Quốc Tỏ nêu.
Đại biểu cũng đồng tình thống nhất cao với mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết, nhất là việc phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Nhân dân các cấp của tỉnh.
Tuy nhiên đại biểu lưu ý, cần cân nhắc kỹ lưỡng thêm về việc xây dựng một số cơ chế, chính sách phát triển tỉnh Khánh Hòa phải phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của địa phương và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của nhà nước trên cơ sở huy động đa dạng nguồn lực xã hội để tập trung vào phát triển nhanh kết cấu hạn tầng kinh tế-xã hội, từng bước giải quyết thách thức, đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới. Ngoài ra, đại biểu nêu rõ, các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa cũng cần phải gắn liền với đảm bảo giữ vững chủ quyền, quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia và phát triển bền vững./.