Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tạo động lực thúc đẩy phong trào bóng đá trong công nhân

Thứ Ba, 07/11/2023 09:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Vòng bảng Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 vừa khép lại với việc tìm ra 8 đội Vô địch đại diện cho 8 khu vực tranh tài tại vòng chung kết diễn ra ngay trong tháng 11. Nhân dịp này, phóng viên đã trao đổi với ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo giải.

Phóng viên (PV): Vòng bảng Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 vừa diễn ra tại 8 khu vực, thu hút sự quan tâm của đông đảo công nhân, người lao động. Ông có đánh giá như thế nào về chuỗi sự kiện này?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 là giải bóng đá quy mô, chuyên nghiệp đầu tiên dành cho công nhân lao động cả nước. Giải đấu được tổ chức theo thể thức bóng đá 7 người, theo luật thi đấu do Cục Thể dục thể thao ban hành. 

 Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo giải tặng hoa và cờ lưu niệm cho các đội tham gia Vòng bảng Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 

Sau hơn 2 tháng chuẩn bị, vòng bảng được khởi tranh từ tháng 9 đến đầu tháng 11 tại 8 khu vực trên toàn quốc, gồm: Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Bình Định, Quảng Nam, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ để tìm ra 8 đội Vô địch tranh tài tại vòng chung kết diễn ra từ ngày 17 đến 19/11 tại sân bóng đá Sora Gardens Links. Bình Dương. 

Với mục đích nhân văn, đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động nên giải đấu đã nhận được sự đón nhận nhiệt tình của đoàn viên, công nhân, người lao động các khu vực nơi diễn ra giải đấu. Điều đó thực sự là sự cổ vũ rất lớn đối với các đơn vị tổ chức giải.

Cùng với đó, nhờ sự đồng hành của các đơn vị tài trợ nên phần thưởng ở vòng bảng và chung kết cũng khá hấp dẫn. Trong đó, đội Vô địch khu vực sẽ nhận được 20 triệu đồng, đội Nhì nhận 15 triệu đồng, đội Ba nhận 5 triệu đồng và 5 triệu đồng mỗi giải dành cho cầu thủ xuất sắc nhất và cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất.

Phần thưởng tại vòng chung kết gồm: 150 triệu đồng cho đội Vô địch, 100 triệu đồng cho đội Nhì và 60 triệu cho đội hạng ba. Ngoài ra còn có các giải Phong cách trị giá 40 triệu đồng rồi giải thưởng dành cho đội Fairplay, Cầu thủ xuất sắc, Vua phá lưới, Thủ môn xuất sắc… ở mức 10 triệu đồng/giải.

Trong khuôn khổ giải bóng đá, "Ngày hội công nhân" cũng được tổ chức để công nhân, người lao động vừa tới cổ vũ, vừa được thưởng thức các chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, các trò chơi giải trí, mua hàng giảm giá, nhận quà tặng từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Pha tranh bóng trong trận chung kết vòng loại khu vực Hà Nội giữa Công đoàn Thông tin - Truyền thông và Công đoàn Vĩnh Phúc. 

PV: Xuất phát từ đâu Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lại quyết định tổ chức giải đấu này, thưa ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Thời gian qua, dù Đảng, Nhà nước quan tâm, tổ chức công đoàn các cấp đã nỗ lực chăm lo, nhưng nhìn chung đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên, người lao động còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, mấy năm trở lại đây, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cùng với các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu khiến cho doanh nghiệp giảm đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, tạm dừng sản xuất, thậm chí phá sản... đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động.

Mặt khác, công nhân lao động là lực lượng chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội nhưng do cường độ làm việc cao, căng thẳng, nhiều nơi ở, nơi làm việc, sinh hoạt của công nhân lại thiếu cơ sở vật chất, các thiết chế phục vụ tập luyện thể dục, thể thao nên sinh hoạt văn hóa tinh thần còn hạn chế.

Thấu hiểu điều đó, nhằm tạo sân chơi bổ ích, rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động cả nước, tạo cơ hội để giao lưu, gắn kết công nhân, người lao động cũng như giữa các doanh nghiệp, địa phương trong khu vực. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với báo Tuổi Trẻ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quyết định tổ chức Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc. 

Đây là lần đầu tiên giải bóng đá dành cho công nhân lao động được tổ chức ở quy mô toàn quốc đồng thời cũng là sự kiện hoạt động văn hóa thể thao quy mô lớn nhất thiết thực chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Giải đấu thu hút sự quan tâm, cổ vũ của nhiều người yêu bóng đá

PVLà Trưởng ban chỉ đạo giải, cá nhân ông có mong muốn gì ở giải đấu này?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Tôi thực sự mong muốn Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 tạo sân chơi bổ ích, tô điểm thêm cho bức tranh nhiều sắc màu trong việc chăm lo hỗ trợ người lao động của tổ chức Công đoàn. Đây cũng là hoạt động đánh thức tiềm năng của bóng đá công nhân lao động mà lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam rất quan tâm.

Giải đấu thành công sẽ là tiền đề tiến tới tổ chức giải đấu định kỳ thường xuyên, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phong trào bóng đá trong công nhân, góp phần phát triển bóng đá phong trào của Việt Nam, tạo động lực để cấp ủy, chính quyền các cấp, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, tăng cường các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.

8 đội tranh tài tại vòng chung kết Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 gồm: Công đoàn Thông tin - Truyền thông, Công đoàn Hải Phòng 3, Công đoàn Nghệ An, Công đoàn Kiên Giang, Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Công đoàn Bình Dương 2, Công đoàn Quảng Nam và Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco).

Trong thời gian diễn ra vòng chung kết, ban tổ chức sẽ dành tặng nhiều phần quà cùng 2.000 voucher cho công nhân mua sắm tại những gian hàng có sản phẩm giảm giá. Chương trình ca nhạc phục vụ công nhân sẽ có sự xuất hiện của nhiều ca sĩ nổi tiếng./.

Đình Tín

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN